Động thái mới leo thang căng thẳng giữa Serbia và Kosovo
Serbia phản đối việc vùng lãnh thổ ly khai Kosovo có hành động uy hiếp người Serbia sinh sống ở khu vực.
Kosovo điều khoảng 350 cảnh sát vũ trang tới thành phố có số đông người Serbia sinh sống.
Hàng trăm cảnh sát được chính quyền vùng ly khai Kosovo điều động đến thành phố Kosovska Mitrovica vào tối 8/12. Đây là thành phố có số đông người Serbia sinh sống ở Kosovo.
Chính quyền Serbia đã lên tiếng phản đối động thái này, coi đây là một phần trong chuỗi những hành động uy hiếp người Serbia ở Kosovo, theo RT.
Khoảng 300 - 350 cảnh sát, bao gồm các lực lượng đặc biệt, được trang bị đầy đủ vũ khí và xe bọc thép, đã tiến vào thành phố Kosovska Mitrovica và "kiểm soát toàn bộ thành phố", Petar Petkovic, quan chức Serbia phụ trách các vấn đề ở vùng ly khai Kosovo, nói.
Sự hiện diện của lực lượng an ninh Kosovo ở Kosovska Mitrovica đã vi phạm thỏa thuận năm 2013 giữa Serbia và vùng ly khai Kosovo, ông Petkovic nói.
Ông Petkovic đổ lỗi cho lãnh đạo vùng ly khai Albin Kurti, cho rằng Kosovo đang cố tình leo thang căng thẳng.
"Ai cũng biết rằng ông Kurti đang leo thang hành động nguy hiểm với mục đích chôn vùi Hiệp định Brussels", ông Petkovic nói.
Hiệp định bình thường hóa quan hệ Serbia – Kosovo được ký kết vào ngày 19/04/2013 dưới sự bảo trợ của Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, Serbia chỉ đồng ý bình thường hóa quan hệ kinh tế và cho đến nay không công nhận Kosovo độc lập.
Ông Petkovic cũng đề cập đến việc cảnh sát Kosovo tịch thu 42.000 lít rượu của một gia đình người Serbia, ngay cả khi gia đình này đã đồng ý nộp phạt liên quan đến trốn thuế.
Cộng đồng người Serbia sống ở vùng ly khai Kosovo đang chịu sự phân biệt và đối xử bất công, ông Petkovic nói.
Để đáp trả động thái mới, Serbia đang cân nhắc khả năng đưa lực lượng an ninh gồm 1.000 người quay trở lại vùng Kosovo. Ông Petkovic nói Serbia có quyền làm điều này từ năm 1999, theo Nghị quyết số 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, chính quyền Kosovo nói lực lượng an ninh được điều động tới thành phố Kosovska Mitrovica để "kiểm soát tình hình và thực thi pháp luật trên phạm vi toàn vùng".
Phát ngôn viên cảnh sát Kosovo, Besim Hoti khẳng định "không có gì cần lo lắng" và việc điều động nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng người Albania sống ở thành phố có số đông người Serbia sinh sống.
Năm 1999, các binh sĩ NATO được triển khai tới Kosovo sau 78 ngày ném bom Serbia. Được Mỹ và EU hậu thuẫn, cộng đồng người Albania ở Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008, bất chấp sự phản đối từ Serbia.
Căng thẳng quay trở lại vào tháng 7 năm nay, khi chính quyền Kosovo thông báo kế hoạch cấm các xe hơi biển số Serbia di chuyển vào địa bàn vùng.
Tháng trước, Kosovo đã bỏ quy định cấm trước sức ép từ Mỹ và EU, nhưng Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng, "quãng thời gian khó khăn" vẫn còn ở phía trước.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Serbia - Aleksandar Vucic cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo dài thêm vài mùa Đông nữa.