Động thái mới của Pakistan và Trung Quốc khiến Ấn Độ lo lắng
Trung Quốc và Pakistan đang không ngừng mở rộng hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng tranh chấp Kashmir với Ấn Độ.
Trung Quốc đã mở đường cao tốc mới kết nối vùng Tân Cương với Pakistan.
Hôm 5.8, Pakistan thông qua dự án nâng cấp tuyến đường sắt trị giá 6,8 tỉ USD. Tuyến đường sắt là một phần trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Cũng trong tuần trước, Bắc Kinh thông báo mở tuyến đường cao tốc dài 118km từ Thakot đến Havelian. Đây là một phần của dự án đường cao tốc nối thủ đô Islamabad, Pakistan với Kashgar ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Con đường mới nằm rất gần bang Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ở vùng Kashmir. Sau khi hoàn thành, đường cao tốc hữu nghị sẽ đi qua khu vực Ladakh ở đoạn Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền.
Sự kiện mở đường là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Pakistan đang siết chặt hợp tác, sau một năm Ấn Độ tước quyền tự trị của vùng Kashmir (trong khu vực do Ấn Độ kiểm soát).
“Ấn Độ khá lo lắng về dự án xây dựng hạ tầng giao thông vận tải giữa Trung Quốc và Pakistan”, Wang Dehua, chuyên gia về khu vực Nam Á ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Thành phố Thượng Hải, nói. “Vị trí chiến lược trong khu vực rất quan trọng và dự án xây đường cao tốc đã thể hiện điều đó”.
“Trong quá khứ, vùng Kashmir không phải là trung tâm của mối quan hệ ba bên giữa Ấn độ, Pakistan và Trung Quốc, nhưng giờ đây, khu vực này lại đặc biệt quan trọng.
Hôm 4.8, Pakistan đã vẽ lại bản đồ tranh chấp với Ấn Độ. Trong bản đồ, Pakistan coi khu vực Jammu và Kashmir bị Ấn Độ kiểm soát phi pháp. New Delhi cho rằng Pakistan có mục đích chính trị khi vẽ lại bản đồ vùng tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 6.8 phản ứng khi Trung Quốc muốn đưa vấn đề Jammu và Kashmir ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối Trung Quốc can thiệp vào vấn đề nội bộ của Ấn Độ và yêu cầu Trung Quốc đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho sự can thiệp vô lý như vậy”, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định.
Theo các chuyên gia, căng thẳng biên giới giúp Pakistan mở ra cánh cửa tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi.
“Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào Pakistan. Xung đột nổ ra có thể khiến Bắc Kinh mất trắng những khoản đầu tư này”, James Dorsey, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường S. Rajaratnam, Singapore, nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Lần thứ hai trong tuần, các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc kêu gọi Mỹ hàn gắn mối quan hệ song phương và nhấn mạnh...