Động thái mới của Nga và Trung Quốc, gửi tín hiệu cảnh báo châu Âu
Moscow và Bắc Kinh ký thỏa thuận khí đốt quan trọng khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh dự lễ khai mạc Olympic Mùa đông.
Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom và tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký hợp đồng dài hạn thứ hai vào ngày 4.2.
Theo thỏa thuận, Nga cung cấp cho Trung Quốc 10 tỉ m3 khí đốt trong 30 năm từ vùng Viễn Đông. Thỏa thuận được ký kết khi ông Putin đang có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc.
Thỏa thuận được coi là “bước quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực dầu khí”.
Với thỏa thuận mới, lượng khí đốt của Nga cung cấp cho Trung Quốc qua tuyến đường ống Viễn Đông sẽ đạt 48 tỷ mét khối mỗi năm (bao gồm khí đốt vận chuyển qua đường ống Sức mạnh Siberia).
“Việc ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt thứ hai của Nga với Trung Quốc là minh chứng cho sự tin cậy lẫn nhau và quan hệ đối tác ở mức độ cao nhất giữa hai nước. Các đối tác Trung Quốc đã xác nhận rằng Gazprom là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy”, người đứng đầu Gazprom, Alexey Miller cho biết.
Theo phụ tá Điện Kremlin Yury Ushakov, sản lượng dầu khí Nga cung cấp cho Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục.
Nga và Trung Quốc từng ký thỏa thuận cung cấp khí đốt kéo dài 30 năm thông qua đường ống Sức mạnh Siberia vào năm 2014. Đây là tuyến đường ống dài 3.000km đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc. Tuyến đường ống này đã đi vào hoạt động cách đây 3 năm.
Trong năm 2022, Nga và Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2. Đường ống mới qua ngả Mông Cổ có thể cung cấp thêm 50 tỉ m3 khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm.
Các nhà phân tích nhận định, thỏa thuận mới nằm trong chiến lược thúc đẩy cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc, đặt ra thách thức lớn với châu Âu.
Nga hiện vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, nhưng căng thẳng với Ukraine khiến một lượng lớn khí đốt của Nga xuất sang châu Âu bị gián đoạn.
Nga cũng bày tỏ sự không hài lòng khi đã cùng đối tác Đức xây xong đường ống dẫn khí đốt xuyên qua biển, nhưng dự án đến nay vẫn bị đóng băng vì phản ứng của châu Âu liên quan tới căng thẳng Ukraine.
Đẩy mạnh cung cấp khí đốt cho Trung Quốc là cách để Nga tránh phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Châu Âu hiện tiêu thụ với 541 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, lớn hơn mức 331 tỉ m3 của Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc dự kiến sẽ tăng tiêu thụ khí đốt lên mức 526 tỉ m3 vào năm 2030, song song với việc cắt giảm sử dụng than đá.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đang ở giai đoạn cuối trong cuộc đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,...
Nguồn: [Link nguồn]