Động thái mới của Mỹ ở Niger khi ECOWAS có khả năng can thiệp quân sự
Đại sứ Mỹ mới được bổ nhiệm, bà Kathleen FitzGibbon đã tới Niger để đảm nhận nhiệm vụ mới, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hôm 19/8.
Đám đông người dân Niger ủng hộ chính quyền quân sự tập trung tại một sân vận động ở thủ đô Niamey để hưởng ứng lời kêu gọi thành lập lực lượng dân quân.
“Đại sứ Kathleen FitzGibbon đã tới thủ đô Niamey để lãnh đạo phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Niger, thúc đẩy các nỗ lực giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị vào thời điểm quan trọng này”, Matthew Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.
“Đại sứ FitzGibbon là một nhà ngoại giao cấp cao với kinh nghiệm lâu năm và am hiểu tình hình Tây Phi. Bà có vai trò đặc biệt để lãnh đạo các nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ cộng đồng người Mỹ và gìn giữ giá trị dân chủ mới đạt được cách đây không lâu ở Niger”, ông Miller nói thêm.
Động thái mới của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Washington muốn duy trì sự hiện diện quân sự ở Niger, tìm kiếm giải pháp chấm dứt khủng hoảng Niger thông qua đàm phán. Cách tiếp cận của Mỹ khác với Pháp hay một số nước phương Tây khác.
Bà FitzGibbon tới Niamey sau hơn 3 tuần xảy ra cuộc đảo chính quân sự ở Niger. Mỹ tin rằng vẫn còn thời gian cho đàm phán hòa bình với mục tiêu cuối cùng là khôi phục chính phủ dân chủ ở Niger.
Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao của Mỹ cho đến nay chưa đạt kết quả, bao gồm chuyến công tác tới Niger của Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland vào đầu tháng này.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc đại sứ FitzGibbon tới nhận nhiệm vụ ở Niger “không làm thay đổi lập trường của Mỹ”. “Washington vẫn kêu gọi chính quyền quân sự Niger trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum và gia đình”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Hiện chưa rõ liệu bà FitzGibbon sẽ đưa ra giải pháp ngoại giao nào trong bối cảnh bất ổn ở Niger và có khả năng cao về việc các nước láng giềng can thiệp quân sự.
Hôm 18/8, các lãnh đạo quân sự Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí về “ngày can thiệp” vào Niger nhưng ngày cụ thể không được tiết lộ.
Theo CNN, điều đầu tiên bà FitzGibbon dự định làm ở Niger là trao đổi với ông Bazoum. Mỹ chưa có cuộc tiếp xúc trực tiếp nào với ông Bazoum kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra.
Hiện chưa rõ liệu bà FitzGibbon có gặp lãnh đạo chính quyền quân sự, tướng Abdourahmane Tchiani hay không.
Tình hình ở Niger có những diễn biến mới sau khi các lãnh đạo quân sự của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) nhất trí về “ngày can thiệp” vào Niger.
Nguồn: [Link nguồn]