Động thái lạ nơi đảo quốc hẻo lánh Thái Bình Dương tiết lộ tham vọng của TQ

Giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, lá cờ Trung Quốc được kéo lên tại một quốc gia hẻo lánh ở Thái Bình Dương với dân số vỏn vẹn 116.000 người, cách xa Bắc Kinh hàng ngàn cây số.

Quốc kỳ của Kiribati (ảnh: CNN)

Quốc kỳ của Kiribati (ảnh: CNN)

Việc quyết định mở đại sứ quán Trung Quốc tại Kiribati – quốc gia nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, hình thành bởi 33 đảo san hô – của Bắc Kinh đã làm giới quan sát quốc tế bất ngờ.

Trước Trung Quốc, chỉ có 3 quốc gia khác mở đại sứ quán ở Kiribati là Úc, New Zealand và Cuba.

Là một đảo quốc nhỏ bé với dân số và nền kinh tế còn hạn chế nhưng Kiribati đang là điểm nóng cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc trên thế giới.

Tháng 9 năm ngoái, Kiribati đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thân Trung Quốc. Đây được xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lôi kéo các đồng minh cũ từ bỏ Đài Loan.

Mới đây, Tổng thống Kiribati Taneti Maamau – người có tư tưởng thân Bắc Kinh – đã tiếp tục đắc cử sau khi đánh bại đối thủ có lập trường thân Đài Loan,

Kiribati là ví dụ điển hình cho tham vọng gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương – khu vực bao gồm nhiều chuỗi đảo giàu tài nguyên và nằm trên những tuyến đường thủy quan trọng nhất nối châu Á với châu Mỹ.

Tổng thống Kiribati Taneti Maamau và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp (ảnh: CNN)

Tổng thống Kiribati Taneti Maamau và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp (ảnh: CNN)

Nhiều đảo quốc ở khu vực Thái Bình Dương từ lâu đã có duy trì mối quan hệ thân thiết với Mỹ và đặc biệt là Úc – nhà tài trợ, đối tác an ninh lớn nhất.

“Úc và New Zealand đang trở thành những người gác đền nhằm ngăn Trung Quốc tiến vào Thái Bình Dương trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát khắp thế giới”, chuyên gia Pryke nhận xét.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều đảo quốc trong khu vực này đã chuyển sang thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc do những chính sách kinh tế, ngoại giao của Bắc Kinh.

Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà tài trợ hàng đầu cho các đảo quốc Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Úc.

Kinh tế của các đảo quốc Thái Bình Dương gộp lại chưa bằng 1% GDP của Trung Quốc. Vì vậy, nguồn viện trợ từ Bắc Kinh là điều mà rất nhiều đảo quốc mong muốn.

Hồi tháng 3, Trung Quốc đã viện trợ 1,9 triệu USD tiền mặt và vật tự y tế cho các đảo quốc Thái Bình Dương chống dịch Covid-19.

Các đội ngũ chuyên gia y tế của Trung Quốc đang có mặt tại một số đảo quốc Thái Bình Dương khác như Samoa, Fiji mặc dù sự bùng phát của dịch Covid-19 ở khu vực này là không đáng kể.

Theo WHO, toàn bộ các đảo quốc Thái Bình Dương chỉ ghi nhận hơn 300 ca nhiễm Covid-19.

“Việc Trung Quốc bắt tay các quốc gia ở Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cơ hội. Bắc Kinh đang muốn gia tăng tầm ảnh hưởng lên toàn thế giới”, Jonathan Pryke – chuyên gia tại Viện Lowy – nhận định.

Vài ngày trước cuộc họp của Đại Hội đồng Y tế Thế giới diễn ra vào tháng 5, các bộ trưởng từ 10 đảo quốc Thái Bình Dương đã tham gia hội nghị trực tuyến về Covid-19 do Trung Quốc triệu tập. Trong khi Trung Quốc bị một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ chỉ trích về phản ứng với dịch bệnh, các đảo quốc Thái Bình Dương đã lên tiếng bảo vệ Bắc Kinh.

“Đó là những gì Trung Quốc cần”, Denghua Zhang – chuyên gia từ Đại học Quốc gia Úc – nhận định.

Các đảo quốc Thái Bình Dương đang là nơi cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc – Úc, Mỹ (ảnh: CNN)

Các đảo quốc Thái Bình Dương đang là nơi cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc – Úc, Mỹ (ảnh: CNN)

Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, Úc không thể ngồi yên. Thực tế, những hỗ trợ của Trung Quốc được cho là “không thấm vào đâu” so với hỗ trợ kinh tế mà Úc chi cho khu vực.

10 đảo quốc Thái Bình Dương đã nhận 69 triệu USD do Úc “chi nóng” để chống dịch Covd-19 và phục hồi kinh tế.

Úc cũng tuyên bố sẽ phát sóng các chương trình truyền hình nổi tiếng của nước này cho người dân 10 đảo quốc xem miễn phí – một động thái được đánh giá để ngăn chặn quyền lực mềm qua tuyên truyền của Trung Quốc.

“Úc đang phải cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương trên tất cả các mặt trận, từ quyền lực cứng, quyền lực mềm, viện trợ và cả y tế. Úc không thể để lộ ra bất kỳ sơ hở nào nếu không muốn Trung Quốc tận dụng”, theo chuyên gia Pryke.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Không thể chắc chắn vào đập Tam Hiệp, 400 triệu người dưới hạ lưu đối mặt nguy cơ

Mực nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp đã vượt ngưỡng báo động vào tuần trước. Mưa lớn kéo dài liên tục 3 tuần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN