"Động thái lạ" của Trung Quốc sau 2 tháng đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông

Hôm 28/8, chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte đặt chân tới Bắc Kinh, chủ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông hồi tháng Sáu đã bất ngờ gửi lời xin lỗi.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), bức thư xin lỗi do một hiệp hội của Trung Quốc thay mặt chủ tàu gửi cho phía Philippines. Chủ tàu là thành viên của hiệp hội nhưng danh tính của người này không được tiết lộ trong đoạn thư được Bộ Ngoại giao Philippines công bố trên Twitter hôm 28/8.

Tàu cá FB Gimver 1 của Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông hồi tháng 6/2019. (Ảnh: AP) 

Tàu cá FB Gimver 1 của Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông hồi tháng 6/2019. (Ảnh: AP) 

"Thông qua hiệp hội, chủ tàu cá Trung Quốc liên quan tới vụ việc gửi lời xin lỗi chân thành đến các ngư dân Philippines. Chúng tôi tin rằng, dù tai nạn là lỗi vô tình của ngư dân Trung Quốc, tàu cá Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn. Chủ tàu cá đang tích cực phối hợp với phía Philippines để giải quyết yêu cầu bồi thường", SCMP dẫn nội dung đoạn thư được Bộ Ngoại giao Philippines công bố .

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bùng phát sau vụ việc hôm 9/6, một tàu Trung Quốc được cho đã tấn công tàu cá FB Gimver 1 của Philippines khiến tàu này bị chìm trên khu vực Biển Đông. Đáng nói, sau vụ tấn công, tàu Trung Quốc nhanh chóng rời khỏi hiện trường để mặc 22 ngư dân Philippines chơi vơi trên biển. Rất may, một tàu của Việt Nam hoạt động gần đó đã cứu toàn bộ ngư dân Philippines.

Sau vụ việc tàu cá Philippines bị đâm chìm ở Biển Đông, phía Trung Quốc đã có nhiều tuyên bố nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước. Cụ thể, đại sứ quán Trung Quốc ở Manila khẳng định tàu Trung Quốc đã cố gắng cứu ngư dân Philippines nhưng buộc phải bỏ chạy sau khi bị “7 – 8 tàu cá Philippines bao vây”.

Dư luận Philippines đã tỏ ra vô cùng tức giận về việc chính quyền của Tổng thống Duterte quá mềm mỏng trước những hành động ngang ngược và hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Tổng thống Duterte khẳng định trong chuyến thăm 5 ngày tới Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 28/8, ông sẽ nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, bất chấp Bắc Kinh liên tiếp nhấn mạnh không công nhận phán quyết.

Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Huage, Hà Lan vào ngày 12/7/2016 nhắc tới việc Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền của Philippines khi can thiệp vào hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines trên biển Tây Philippines, cách Manila gọi một phần phía đông của Biển Đông. Phán quyết đồng thời lên án hành động Trung Quốc xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Về phần mình, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích và khẳng định không thực thi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.

Ông Clarita Carlos, Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Philippines nhận định, lời xin lỗi của chủ tàu Trung Quốc gửi tới ngư dân Philippines sau 2 tháng xảy ra vụ việc là nhằm trấn an dư luận Philippines và hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng trước khi Tổng thống Duterte và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tiến hành thảo luận từ ngày hôm nay (29/8).

“Đây là một hành động thể hiện thiện chí. Nếu tôi là Trung Quốc, tôi cũng muốn các cuộc đối thoại về Biển Đông diễn ra nhẹ nhàng hơn”, ông Carlos nói.

Cũng theo ông Carlos, việc công khai xin lỗi và đề nghị được bồi thường sau vụ tai nạn do phía Trung Quốc gây ra là chuyện hiếm. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có chiến lược mới ở Biển Đông.

Còn Giáo sư Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho rằng, Trung Quốc đang tìm hướng tiếp cận ôn hòa với Philippines và các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo ông Li, quá trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN đã ghi nhận một số kết quả tích cực. Ngoài ra, Trung Quốc và ASEAN cũng đã tiến hành đợt tập trận chung vào tháng 10/2018.

Ông Li nhấn mạnh thêm, động lực khiến Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Manila chính là việc hiện thực hóa tham vọng xây dựng Con đường Tơ lụa hàng hải mới, một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như tăng khả năng cạnh tranh địa chính trị với Mỹ.

Chuyến thăm thứ 5 tới Trung Quốc lần này của Tổng thống Duterte được cho là nhằm bàn thảo với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhiều vấn đề quan trọng như chủ quyền Biển Đông, thương mại, đầu tư nước ngoài và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.  

Với những gì đang diễn ra, Tổng thống Philippines đã không còn ”yêu” Trung Quốc?

Căng thẳng gần đây giữa Bắc Kinh và Manila khiến nhiều nhà phân tích cho rằng “tuần trăng mật” trong cuộc hôn nhân Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thu (lược dịch) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN