Động thái khác lạ của Mỹ sau cuộc đảo chính ở Niger
Niger có vị trí quan trọng trong chiến lược chống khủng bố của Mỹ ở Tây Phi và Washington đã thể hiện mong muốn tiếp tục duy trì sự hiện diện ở quốc gia này.
Máy bay vận tải C-17 của Mỹ cất cánh tại căn cứ không quân ở miền trung Niger.
Hôm 3/8, chính quyền quân sự Niger thông báo chấm dứt hiệp ước quân sự với Pháp, đồng nghĩa rằng 1.500 binh sĩ Pháp sẽ không còn có thể tiếp tục hiện diện ở quốc gia Tây Phi.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh nắm quyền ở Niger không nhắc đến khả năng cắt đứt thỏa thuận hợp tác quân sự với Mỹ. Washington hiện có khoảng 1.100 binh sĩ đóng quân tại hai căn cứ không quân ở Niger.
10 ngày trôi qua kể từ khi xảy ra đảo chính, Mỹ vẫn có thể tiếp tục sứ mệnh chống khủng bố thông qua hai căn cứ ở Niger dù gặp phải những khó khăn, theo AP.
Các tướng lĩnh đảo chính yêu cầu lực lượng Mỹ ở Niger thông báo cụ thể các kế hoạch xuất kích để các chiến đấu cơ có thể được tiếp dầu kịp thời. Niger hiện đang rơi vào cảnh khan hiếm nhiên liệu do bị một số quốc gia láng giềng áp đặt trừng phạt.
Trong khi nhiều nước châu Âu sơ tán công dân, đóng cửa đại sứ quán, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện mong muốn tiếp tục duy trì các sứ mệnh ở Niger. Theo giới quan sát, Niger là "thành trì chống khủng bố cuối cùng và quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Tây Phi".
Nếu từ bỏ ảnh hưởng ở Niger, Mỹ có thể tạo ra khoảng trống để các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy hoặc chính quyền quân sự có thể quay sang hợp tác với lực lượng đánh thuê Wagner của Nga. Hai quốc gia láng giềng Niger gồm Burkina Faso và Mali đều ký hợp đồng với Wagner.
"Đại sứ quán Mỹ ở Niger vẫn hoạt động bình thường", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói. Washington đã lên tiếng kêu gọi chính quyền quân sự Niger trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum để "khôi phục tiến trình dân chủ" ở Niger.
Cho đến nay, Mỹ vẫn tránh gọi cuộc khủng hoảng ở Niger là cuộc đảo chính, chỉ mong muốn quốc gia Tây Phi có thể khôi phục chính quyền dân sự.
Theo AP, phản ứng của Mỹ ở Niger khác với cách Washington rút hoàn toàn nhân viên ngoại giao, đóng cửa đại sứ quán ở Sudan - một quốc gia châu Phi khác đang chìm trong bất ổn.
"Hiện tại, chúng tôi muốn tập trung vào các nỗ lực ngoại giao", John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, nói. "Chúng tôi tin là vẫn có thời gian và không gian cho các nỗ lực này. Ngoại giao luôn là lựa chọn hàng đầu".
Jonn Lechner, chuyên gia am hiểu về khu vực Tây Phi, nói Mỹ có thể sẽ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở Niger, chấp nhận chính quyền quân sự ở một mức độ nhất định với điều kiện phải cam kết chuyển giao quyền lực, nghĩa là tổ chức cuộc bầu cử công khai.
Hiện tại, binh sĩ Mỹ vẫn án binh bất động ở căn cứ không quân số 201 tại Agadez - thành phố có hơn 100.000 người sinh sống ở phía nam sa mạc Sahara và căn cứ không số 101 ở Niamey, thủ đô Niger.
Mỹ đã mất nhiều năm để xây dựng căn cứ, chi hàng trăm triệu USD hỗ trợ và huấn luyện quân đội Niger. Kịch bản phải rút khỏi hai căn cứ này như những gì từng xảy ra ở Afghanistan là điều Mỹ không hề mong muốn, theo AP.
Tây Phi là khu vực vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ khủng bố trỗi dậy, với hơn 1.800 vụ tấn công cực đoan xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2023, khiến 4.600 người thiệt mạng.
"Các nhóm thánh chiến có liên hệ với khủng bố IS và Al Qaeda hoạt động rải rác ở Tây Phi, luôn tiềm ẩn nguy cơ trỗi dậy", Colin Clarke, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn an ninh và tình báo Soufan Group có trụ sở ở Mỹ, nói.
Mỹ vẫn luôn mong muốn duy trì hợp tác gần gũi với Niger để kiềm chế và kiểm soát mức độ ảnh hưởng của các nhóm thánh chiến trong khu vực, ông Clarke nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Vị Tổng thống bị lật đổ cho rằng, nếu không có sự can thiệp của Mỹ và ECOWAS, khu vực Sahel có thể bị lính đánh thuê Wagner kiểm soát.