Động thái cứng rắn của Úc có thể khiến Trung Quốc "nóng mặt"
Luật đầu tư nước ngoài tại Úc sẽ được sửa lại hoàn toàn sau một loạt vụ mua lại gây tranh cãi gần đây liên quan tới nhiều công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Động thái cứng rắn này của Úc được cho là sẽ khiến Trung Quốc nổi giận.
Cảng Darwin (Úc), nơi liên quan tới vụ mua lại gây tranh cãi giữa Úc và Trung Quốc. Ảnh: NT Government
Daily Mail hôm 5/6 dẫn tin từ tờ The Australian cho biết, luật đầu tư nước ngoài tại Úc được sửa đổi là một phần của các quy tắc cứng rắn mới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Toàn bộ việc đấu thầu của nước ngoài cho các công ty từ doanh nghiệp viễn thông lớn tới các nhà cung cấp quốc phòng nhỏ sẽ được Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài Úc (FIRB) xem xét.
Josh Frydenberg, Bộ trưởng Ngân khố Úc, cũng sẽ có quyền buộc bán hoặc áp đặt các điều kiện đối với việc mua lại tài sản Úc của nhà đầu tư nước ngoài ngay cả khi thỏa thuận mua đã được thực hiện.
"Qua việc giới thiệu một thử nghiệm an ninh quốc gia mới, quyền hạn thực thi mạnh mẽ hơn và tăng cường nghĩa vụ tuân thủ, chúng tôi sẽ đảm bảo Úc vừa tiếp tục hưởng lợi từ đầu tư nước ngoài vừa có thể bảo vệ chủ quyền quốc gia", ông Frydenberg nói.
Trước đó, Bộ Ngân khố Úc chỉ có thể chặn các giao dịch mua tài sản của nhà đầu tư nước ngoài khi giá trị vượt ngưỡng 1,2 tỷ USD.
Việc sửa đổi luật đầu tư nước ngoài của Úc được đưa ra sau một loạt vụ mua lại gây tranh cãi gần đây của các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc, bao gồm thỏa thuận cho thuê cảng Darwin liên quan tới tập đoàn Landbridge (Trung Quốc) hồi tháng 11/2015.
Thời điểm đó, thỏa thuận cho thuê cảng Darwin đã bị Tổng thống Mỹ Barack Obama nghi ngờ.
Các nguồn tin chính phủ Úc cho biết đã thống nhất với công ty Landbridge Australia (công ty con của tập đoàn Landbridge) rằng Canberra sẽ không chấp thuận thỏa thuận với Landbridge nếu các quy tắc của FIRB được đưa ra, The Australian cho hay.
Năm 2016, Bộ trưởng Ngân khố Úc khi đó là ông Scott Morrison cũng lật lại một cuộc đấu thầu của Trung Quốc với công ty năng lượng Ausgrid (Úc) vì lo ngại về an ninh quốc gia.
Sự can thiệp này xảy ra chỉ 10 ngày trước khi tới hạn chót của thỏa thuận dẫn tới việc chính phủ Trung Quốc cáo buộc Úc "phân biệt đối xử".
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi 24 tỷ USD cho bất động sản Úc trong năm 2019, khiến họ trở thành nhóm người mua nước ngoài lớn nhất ở Úc.
Trung Quốc cũng là cổ đông nước ngoài lớn nhất ở thị trường nước, dùng chủ yếu cho nông nghiệp và khai khoáng, tại Úc khi các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu 1,89% lượng nước.
Động thái cứng rắn của Úc đến trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Úc và Trung Quốc, trong khi Úc lại tăng cường quan hệ với Ấn Độ - nước cũng đang có căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực biên giới.
Một bé sơ sinh chào đời sau khi người mẹ bị nhiễm Covid-19 trong lúc đang mang thai. Khi có kết quả xét nghiệm của đứa...
Nguồn: [Link nguồn]