Động thái chưa từng có của Đức đối phó khủng hoảng khí đốt do Nga siết nguồn cung
Nhà máy nhiệt điện Mehrum ở Đức đã hoạt động trở lại trong bối cảnh châu Âu đối mặt với khủng hoảng khí đốt và đây là lần đầu tiên Đức khôi phục hoạt động của một nhà máy nhiệt điện.
Đức khôi phục hoạt động nhà máy nhiệt điện Mehrum.
Nhà máy nhiệt điện Mehrum ngừng hoạt động vào năm 2021, nay được khôi phục hoạt động kể từ tối ngày 31/7 (giờ địa phương), giám đốc điều hành nhà máy Armin Fieber nói, theo Guardian.
Hôm 1.8, ông Fieber nói các hệ thống đã hoạt động ổn định sau khi được khởi động từng bước. "Hệ thống vẫn chạy tốt sau thời gian dài ngừng hoạt động. Tình huống này giống như một chiếc ô tô nằm im trong gara 8 tháng, nên chúng ta không biết liệu nó có khởi động được ngay lập tức không", ông Fieber nói thêm.
Nhà máy nhiệt điện Mehrum lần đầu đi vào hoạt động từ năm 1979 với công suất tối đa 750MW. Ngày nay, tổ máy số 3 của nhà máy đã hoạt động trở lại với công suất 270MW.
Theo Cơ quan Điện lưới Liên bang Đức, Mehrum là nhà máy nhiệt điện đầu tiên được cấp phép khẩn cấp để hoạt động trở lại.
Nhà máy thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Cộng hòa Czech EPH, dự kiến hoạt động tới tháng 4/2023 theo chương trình thúc đẩy sản xuất năng lượng của chính phủ Đức nhằm đối phó tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt.
Đức là nước công nghiệp phát triển duy nhất tuyên bố ngừng sử dụng năng lượng từ than đá và năng lượng hạt nhân. Nhưng việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 khiến chính phủ Đức phải đưa ra phương án đối phó.
Chính phủ Đức dự kiến sẽ tiếp tục để 3 nhà máy điện hạt nhân hoạt động thay vì đóng cửa 3 nhà máy này vào cuối năm nay. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, Đức sẽ tiếp tục tái khởi động các nhà máy nhiệt điện để tăng nguồn cung ứng điện ra thị trường.
Gần đây, Bộ Kinh tế Đức đã thông báo kế hoạch tiết kiệm khí đốt để ngăn chặn "việc tạo ra điện không cần thiết từ khí đốt tự nhiên". “Đức cần phải tiết kiệm nhiều hơn nữa khí đốt trong sản xuất điện”, Bộ này cho biết.
Tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy định yêu cầu các nước thành viên giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt. Quy định có hiệu lực từ ngày 1/8 đến tháng 3/2023.
“Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo không rơi vào tình trạng khan hiếm khí đốt”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói. “Chúng tôi phải tiết kiệm năng lượng và tìm kiếm các nguồn cung khác”.
“Thắt lưng buộc bụng” đang được nhiều nước thành viên EU cho là biện pháp hiệu quả nhất khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.
Nguồn: [Link nguồn]