Đông Nam Á: Đại dịch Covid-19 làm "bùng nổ" một dịch bệnh nguy hiểm khác
Việc mọi người ở nhà, hạn chế ra ngoài giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, ở một số nước Đông Nam Á, việc này được cho là vô tình "châm ngòi" cho một dịch bệnh nguy hiểm khác "bùng nổ".
Tờ SCMP hôm 21/6 dẫn tin từ Bloomberg cho hay, dịch bệnh nguy hiểm được nhắc tới chính là sốt xuất huyết. Nhưng chuyện mọi người phải ở nhà tránh dịch Covid-19 liên quan gì tới căn bệnh sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết lây truyền qua vết đốt của muỗi cái Aedes - loài côn trùng phổ biến ở khu vực Đông Nam Á và sinh sôi mạnh ở những nơi có nguồn nước tù đọng gần khu vực dân sinh.
Con người dành nhiều thời gian ở nhà để giảm lây lan trong dịch Covid-19 và theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) việc này cũng phần nào ngăn người dân dọn dẹp các khu vực tiềm năng để muỗi cái Aedes đẻ trứng ở các khu dân cư.
"Phong tỏa và giãn cách xã hội khiến nhiều người phải ở nhà hơn bình thường. Điều này đã vô tình tạo ra một môi trường, nơi loài muỗi có thể sinh sản và đốt người nhiều hơn", Cameron Simmons, giám đốc Viện nghiên cứu bệnh lây truyền qua vật trung gian (Vector-Borne) tại Đại học Monash (Úc) và là người nghiên cứu sốt xuất huyết tại Việt Nam, cho biết.
Siti Nadia Tarmizi, giám đốc đơn vị nghiên cứu bệnh Vector-Borne thuộc Bộ Y tế Indonesia, nhấn mạnh, việc hạn chế đi lại có thể làm dịch sốt xuất huyết trầm trọng thêm.
Việc phong tỏa giúp ngăn chặn đại dịch Covid-19 nhưng vô tình khiến dịch sốt xuất huyết gia tăng. Ảnh: Reuters
Các ca sốt xuất huyết đang tăng vọt ở vùng nhiệt đới thuộc khu vực Đông Nam Á. Tính từ đầu năm 2020 đến ngày 17/6/2020, Indonesia có 64.251 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng gần 60% so với cùng thời điểm năm 2019. Bali, điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, có gần 9.000 ca sốt xuất huyết.
Trong khi đó, nước láng giềng với Indonesia là Malaysia ghi nhận 1.927 ca sốt xuất huyết trong tuần 24 của năm 2020, theo Bộ y tế Malaysia. Giới chức y tế Malaysia dự đoán đợt lây nhiễm sốt xuất huyết hiện tại sẽ kéo dài cho tới tháng 9/2020. Một mùa mưa dài hơn tại Malaysia đang góp phần làm tăng số ca nhiễm sốt xuất huyết.
Tại Singapore, giới chức y tế ghi nhận trung bình 165 ca sốt xuất huyết/ngày trong tuần từ 13/6. Đây là một kỷ lục mà quan chức Singapore xem như dấu hiệu báo trước về một đợt bùng phát sốt xuất huyết lớn nhất trong lịch sử Singapore.
Kể từ ngày 15/6, Singapore phát hiện 211 ổ dịch sốt xuất huyết và ít nhất 11.166 người đã bị nhiễm bệnh kể từ ngày 1/1 đến ngày 15/6, theo số liệu từ Cơ quan môi trường quốc gia Singapore (NEA). Số ca lây nhiễm được dự đoán có thể vượt con số 22.179 ca sốt xuất huyết ghi nhận năm 2013 trong đợt bùng phát sốt xuất huyết lớn nhất ở Singapore.
Đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết ở Singapore được gây ra bởi virus sốt xuất huyết loại 3 (DenV-3) - một trong 4 loại virus gây bệnh. Đây là lần đầu tiên loại virus này chiếm chủ đạo ở các ca nhiễm tại Singapore trong gần 3 thập kỷ. NEA cho biết, hệ miễn dịch ít khả năng chống chọi với DenV-3 của người dân là nguyên nhân dẫn đến đợt lây lan mạnh.
Sốt xuất huyết gần như trở thành đặc hữu ở nhiều nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Ảnh: EPA
Sốt xuất huyết gần như trở thành đặc hữu ở Thái Lan, Malaysia cũng như Indonesia trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, hầu hết người dân ở độ tuổi 30-40 đều có khả năng miễn dịch với bệnh, chuyên gia Simmons cho hay. Tuy nhiên, người dân Singapore có miễn dịch cộng đồng ít hơn so với 3 nước trên nên có số ca nhiễm sốt xuất huyết tăng cao.
"Mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết thông thường có thể kéo dài vài tháng vì vậy chúng ta phải hành động ngay lập tức để ngăn bệnh lây lan", NEA nhấn mạnh.
Thách thức là phải huy động được mọi người làm nhiều hơn để ngăn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, theo Ooi Eng Eong, phó giám đốc chương trình về bệnh truyền nhiễm mới nổi thuộc Đại học Y Duke-NUS (Singapore).
Những nỗ lực như thế đã được đền đáp tại Thái Lan và Philippines, những nơi có số ca nhiễm sốt xuất huyết giảm trong năm nay. Bất cứ đợt sốt xuất huyết nào trong khu vực cũng cần được xem là mối đe dọa lớn tới sức khỏe, ông Eong cho biết.
"Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy bệnh truyền nhiễm không có biên giới và các nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu (phần lớn từ vùng nhiệt đới) như thế nào", ông Eong nói.
Trong lúc Bắc Kinh đang đối phó đợt lây lan mới, người dân Trung Quốc khá hoang mang về một ca nhiễm Covid-19 bí ẩn ở Thiên...
Nguồn: [Link nguồn]