Đồng minh quay lưng với ông Trump dù Iran nã tên lửa dữ dội căn cứ Mỹ?
Sau một khoảng thời gian dài chỉ trích và rời xa các đồng minh phương Tây, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8.1 nhắc đến việc muốn các đồng minh cùng giúp đỡ trong vấn đề Iran.
Đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Anh cũng có những quan điểm trái ngược với ông Trump về vấn đề Iran.
Theo Business Insider (BI), ngay từ khi ông Trump ra lệnh phóng tên lửa sát hại tướng Iran Qasem Soleimani, các đồng minh phương Tây đã tỏ thái độ rõ ràng, đặc biệt là Anh và Pháp.
“Mỹ đang có mối quan hệ ở mức thấp nhất với các đồng minh phương Tây. Đó là vấn đề thực sự”, Ian Bremmer, nhà sáng lập tổ chức Á-Âu, nói với BI.
“Người Pháp lẽ ra phải đứng về phía chúng ta. Nhưng không”, Bremmer nói. “Châu Âu cũng không ủng hộ chúng ta, vì ngay từ đầu chúng ta đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều này đi ngược lại với lợi ích của châu Âu”.
Một mặt, ông Trump yêu cầu đồng minh hỗ trợ. Mặt khác, ông Trump cũng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân JCPOA 2015 mà các cường quốc ký với Iran. “Iran phải từ bỏ tham vọng hạt nhân và chấm dứt việc hỗ trợ khủng bố”, ông Trump phát biểu. “Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc cần phải hiểu thực tế này”.
Theo BI, thỏa thuận hạt nhân JCPOA mà các cường quốc ký với Iran thực chất hướng đến mục đích ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. “Họ (Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) cần phải quên đi thỏa thuận hạt nhân và chúng ta cần phải cùng chung tay giải quyết vấn đề Iran, làm cho thế giới an toàn và bình yên hơn”, ông Trump phát biểu.
Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức thường xảy ra mẫu thuẫn với ông Trump.
Cho đến nay, Pháp và Đức vẫn duy trì quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran là con đường đúng đắn. Ngày 8.1, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên tiếng cho rằng thỏa thuận hạt nhân là “cách tốt nhất”.
“JCPOA vẫn là con đường đúng đắn nhất để ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân”, Thủ tướng Johnson nói với Quốc hội. “Chúng tôi hi vọng sau khi căng thẳng qua đi, thỏa thuận hạt nhân sẽ vẫn ở lại”, ông Johnson nói.
Iran hồi đầu tuần đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nhưng là vì căng thẳng leo thang với Mỹ. Thuyết phục đồng minh đã khó, khả năng để Nga và Trung Quốc ủng hộ ông Trump là rất khó xảy ra, theo BI.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump cũng thường chỉ trích các đồng minh NATO, về việc yêu cầu các nước thành viên đóng góp nhiều hơn nữa vào liên minh. Hôm 6.1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từ chối bình luận về khả năng NATO cùng Mỹ đáp trả Iran.
Lần đầu tiên hiệp ước quốc phòng được kích hoạt giữa các đồng minh NATO là sau vụ khủng bố ngày 11.9. Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã mở cuộc xâm lược Afghanistan và sau này tham gia chống khủng bố IS.
Còi báo động vang lên sau khi một trong hai tên lửa Katyusha rơi xuống chỉ cách Đại sứ quán tại Baghdad khoảng 100 mét.
Nguồn: [Link nguồn]