Đồng minh Nga hủy tập trận liên minh quân sự: Điện Kremlin nói gì?
Tổ chức tập trận quân sự giữa các nước thành viên CSTO trên lãnh thổ Armenia hiện tại là không phù hợp, Thủ tướng Nikol Pashinyan nói ngày 10/1.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan vào ngày 23/11.
Armenia không có kế hoạch tổ chức tập trận quân sự trong năm nay giữa các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), ông Pashinyan nói, theo RT.
Năm 2023, Armenia được lựa chọn là quốc gia luân phiên trong liên minh tổ chức tập trận quân sự chung. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Pashinyan mô tả "có nhầm lẫn trong trao đổi" liên quan vấn đề này.
Theo ông Pashinyan, Bộ Quốc phòng Armenia đã "thông báo với đại diện CSTO bằng văn bản, rằng tập trận trên lãnh thổ Armenia với tình hình hiện nay là không phù hợp".
"Do đó, ít nhất trong năm nay, cuộc tập trận như vậy sẽ không diễn ra", ông Pashinyan nói, không cho biết thêm chi tiết.
Hồi đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một loạt các cuộc tập trận chung, trong đó có tập trận quân sự ở Armenia.
Sau tuyên bố của ông Pashinyan, đại diện CSTO nói sẽ xem xét lựa chọn địa điểm ở quốc gia khác để tổ chức tập trận.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov tái khẳng định quan điểm rằng, mặc dù Armenia từ chối tổ chức tập trận nhưng nước này vẫn là "đồng minh thân cận" của Nga.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Armenia, bao gồm cả những vấn đề hiện đang rất khó khăn", ông Peskov nói.
Hồi tháng 9/2022, đụng độ biên giới giữa Armenia và Azerbaijan lại nổ ra, khiến hàng chục binh sĩ của hai bên thiệt mạng. Ở thời điểm đó, ông Pashinyan yêu cầu CSTO hỗ trợ quân sự, nhưng tổ chức này từ chối gửi quân, nói rằng ưu tiên giải quyết bất đồng thông qua ngoại giao.
Armenia sau đó phản ứng bằng cách từ chối tham gia tập trận quân sự của CSTO tại Kazakhstan. Cuối tháng 11/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận vấn đề hợp tác giữa các nước thành viên CSTO đang gặp khó khăn, nhưng vẫn còn những triển vọng tích cực, theo RT.
Được thành lập vào năm 1992, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng bắn sau hai ngày giao tranh khiến 155 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng, theo một quan chức cấp cao của Armenia vào sáng 15-9.
Nguồn: [Link nguồn]