Đồng minh lâu năm nhất của Nga tập trận với Mỹ

Việc binh lính Mỹ đến tham gia cuộc tập trận ở Armenia khiến Nga lo lắng. Trong nhiều thập kỷ qua, Nga vẫn đóng vai trò là quốc gia bảo đảm an ninh duy nhất cho nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc gặp năm 2022. (Ảnh: Kremlin)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc gặp năm 2022. (Ảnh: Kremlin)

Cuộc tập trận mang tên “Đối tác đại bàng” kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ đầu tuần này, với sự tham gia của 85 binh lính Mỹ và 175 binh lính Armenia, nhằm chuẩn bị cho việc lực lượng Armenia tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế.

Dù có quy mô nhỏ, nhưng đây là cuộc tập trận mới nhất trong một loạt hoạt động mà Bộ Ngoại giao Nga gọi là “những hành động không thân thiện” của đồng minh truyền thống.

Armenia gần đây gửi viện trợ nhân đạo lần đầu tiên cho Ukraine và quốc hội nước này chuẩn bị phê chuẩn Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế, nghĩa là nước này sẽ có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông đặt chân đến đất nước mà Nga từ lâu đã coi là sân sau của mình.

Armenia tìm kiếm đối tác quốc tế mới xuất phát từ việc họ thấy Nga không thể hoặc không sẵn lòng bảo vệ Armenia trước những hành động mà họ coi là gây hấn từ nước láng giềng Azerbaijan.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gần đây phát biểu rằng đất nước của ông đang bắt đầu nếm “trái đắng” của “sai lầm chiến lược”, khi chỉ trông cậy vào một đối tác truyền thống để bảo vệ đất nước.

“99,999% cấu trúc an ninh của Armenia liên quan đến Nga. Nhưng ngày nay, chúng ta thấy rằng bản thân Nga cũng đang cần vũ khí… Dù có mong muốn như vậy thì Nga cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của Armenia”, ông Pashinyan nói trong cuộc trả lời báo La Repubblica của Ý đầu tháng này.

Kể từ khi ông Pashinyan lên nắm quyền năm 2018 sau “Cách mạng Nhung” ở Armenia, căng thẳng giữa quốc gia này với láng giềng Azerbaijan ngày càng gia tăng.

Điểm nóng nhất là Nagorno-Karabakh, một dải đất thuộc vùng núi Kavkaz. Nơi đây là nguyên nhân gây ra hai cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia láng giềng trong 3 thập kỷ qua, gần đây nhất là vào năm 2020. Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng cư dân ở đó chủ yếu là người dân tộc Armenia.

Cuộc xung đột kéo dài 44 ngày vào mùa thu năm 2020 đã bộc lộ sự yếu kém về quân sự của Armenia. Azerbaijan, được trang bị máy bay không người lái và máy bay chiến đấu F-16 do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, đã đạt được chiến thắng áp đảo, giành được khoảng 1/3 lãnh thổ Nagorno-Karabakh, đồng thời tấn công vào đất Armenia.

Nga giúp chấm dứt chiến tranh bằng đàm phán ngừng bắn. Thỏa thuận này cho phép khoảng 2.000 lính gìn giữ hòa bình của Nga được triển khai tới Nagorno-Karabakh để bảo vệ hành lang Lachin, con đường duy nhất nối liền khu vực này với Armenia.

Nhưng lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga không ngăn cản quân đội Azerbaijan thiết lập một trạm kiểm soát quân sự dọc hành lang Lachin để ngăn chặn hoạt động vận chuyển thực phẩm vào vùng đất này. Azerbaijan phủ nhận cáo buộc phong tỏa, còn Nga khẳng định họ vẫn đang làm nhiệm vụ của mình.

Thực tế đó khiến nhiều người trong Chính phủ Armenia cảm thấy không yên, ông Vahram Ter-Matevosyan, phó giáo sư về chính sách đối ngoại tại Đại học Mỹ của Armenia, cho biết.

Sau nhiều năm phối hợp chính sách với Nga, thậm chí từ bỏ nỗ lực hội nhập vào châu Âu để tránh làm phật lòng Mátxcơva, Armenia kỳ vọng nhận được sự bảo vệ từ Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), một liên minh quân sự của các quốc gia hậu Xô Viết bao gồm Armenia.

Theo các nhà phân tích, sự thất vọng đó khiến Armenia cảm thấy họ cần phải đa dạng hoá các khuôn khổ hợp tác và đối tác của mình.

Bà Marie Dumoulin, Giám đốc chương trình châu Âu thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng nguyên nhân gây ra tình thế hiện nay một phần do Nga cố gắng giữ cả Armenia và Azerbaijan, nhưng nhiệm vụ này khó khả thi khi Azerbaijan liên tục có hành động gây hấn.

“Kể từ cuộc chiến năm 2020, Nga miễn cưỡng lựa chọn giữa Armenia và Azerbaijan. Sự thụ động của họ là quan điểm ủng hộ Azerbaijan”, Dumoulin nói với CNN.

Dumoulin cho rằng quan hệ gắn bó giữa Mátxcơva và Baku một phần do quan hệ cá nhân giữa ông Putin và Tổng thống lâu năm của Azerbaijan Ilham Aliyev.

“Tôi không nghĩ ông Pashinyan là lãnh đạo mà ông Putin thích. Ông ấy lên nắm quyền từ một cuộc cách mạng… Còn Aliyev là nhà lãnh đạo mà ông Putin có thể hòa hợp hơn”, Dumoulin nói.

Quyết định của Armenia về việc tập trận chung với Mỹ càng khiến quan hệ giữa nước này với Nga xấu đi.

Tuần trước, Nga triệu tập đại sứ Armenia tại Mátxcơva để nói về việc trao đổi “khó khăn”, Politico đưa tin.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng các cuộc tập trận không “giúp tăng cường bầu không khí tin cậy lẫn nhau trong khu vực”.

Ông Biden sẽ gặp lãnh đạo các nước thuộc khối quân sự do Nga dẫn đầu

Washington được cho là đang tăng cường nỗ lực gây sức ép để các nước Trung Á ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - CNN (Tiền Phong)
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN