Đồng minh của Mỹ ở châu Á xích lại gần Ả Rập Saudi

Sự kiện: Tin tức Nhật Bản

Nhật Bản đã đồng ý hỗ trợ Ả Rập Saudi công nghệ năng lượng xanh để quốc gia Trung Đông thúc đẩy khai thác nguồn năng lượng Mặt trời.

Thủ tướng Nhật bản Kishida Fumio gặp thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman ở thành phố Jeddah hôm 16/7.

Thủ tướng Nhật bản Kishida Fumio gặp thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman ở thành phố Jeddah hôm 16/7.

Ả Rập Saudi thời gian qua liên tục có những chính sách đi ngược lại chiến lược của Mỹ, thậm chí còn có thể cắt giảm nguồn cung dầu sang Mỹ từ tháng 8. Trong khi đó, một quốc gia đồng minh của Mỹ ở châu Á lại xích lại gần hơn với Ả Rập Saudi.

Theo tờ SCMP, Nhật Bản và Ả Rập Saudi đã đồng ý đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phi carbon và năng lượng sạch. Thỏa thuận được đưa ra khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio có chuyến thăm Ả Rập Saudi hôm 16/7. Tại thành phố Jeddah, ông Kishida đã gặp thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (MbS)

Hôm 16/7, ông Kishida và thái tử MbS đã ký 26 biên bản ghi nhớ hợp tác, chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại. Nhật Bản mong muốn Ả Rập Saudi đảm bảo nguồn cung dầu mỏ ổn định cho nước này còn Riyadh muốn đa dạng hóa nguồn năng lượng, hạn chế phụ thuộc vào lợi nhuận từ khai thác dầu.

Hơn 95% nhu cầu dầu mỏ của Nhật Bản đến từ Trung Đông, trong đó riêng Ả Rập Saudi chiếm 1/3. Nguồn cung cấp dầu mỏ ổn định và giá cả không biến động quá lớn là vấn đề được quan tâm đặc biệt khi xung đột ở Ukraine vẫn chưa kết thúc.

Tokyo cũng đồng ý hỗ trợ Ả Rập Saudi công nghệ năng lượng xanh để quốc gia Trung Đông thúc đẩy khai thác nguồn năng lượng Mặt trời.

"Chúng ta đang chuyển từ mối quan hệ mua bán dầu mỏ đơn thuần sang mối quan hệ đối tác toàn cầu mới cho kỷ nguyên phi carbon", ông Kishida nói.

Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ả Rập Saudi cũng nhất trí thiết lập “đối thoại chiến lược” ở cấp ngoại trưởng để làm sâu sắc hơn hợp tác song phương.

Nhật Bản thúc đẩy hợp tác với Ả Rập Saudi cũng được cho là nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực. Jeff Kingston, giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, nói: "Trung Quốc đã thâm nhập sâu rộng vào châu Phi và Trung Đông thông qua thế mạnh về kinh tế, ngoại giao và Nhật Bản rất muốn đối phó với điều đó".

Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn của Trung Đông, lớn hơn Nhật Bản rất nhiều, khiến Bắc Kinh trở thành đối tác kinh tế quan trọng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thể hiện vai trò ngoại giao trong khu vực khi thúc đẩy Ả Rập Saudi và Iran khôi phục quan hệ.

“Đối với Trung Quốc, yếu tố kết nối quan trọng nhất thông qua các thỏa thuận Vành đai và Con đường nằm ở Châu Âu và Trung Đông, sau đó đến Châu Phi", ông Kingston nhận định.

Nhật Bản cũng tin rằng Ả Rập Saudi cũng có thể đóng vai trò để Trung Quốc tiếp cận sâu rộng hơn tới châu Phi, ông Kingston nói.

Yoichi Shimada, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học tỉnh Fukui ở Nhật Bản tỏ ra đồng tình, nhưng cho rằng Nhật Bản khó có thể tác động tới giới lãnh đạo Ả Rập Saudi, đặc biệt khi quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi đã rơi xuống mức rất thấp.

"Trong ngắn hạn, ông Kishida muốn đối tác cung cấp dầu mỏ ổn định. Trong các vấn đề khác, Thủ tướng Nhật bản thực tế có rất ít ảnh hưởng đối với giới lãnh đạo Ả Rập Saudi", ông Shimada nói.

Ông Shimada cho rằng, ông Kishida nên nhấn mạnh tầm quan trọng của Tokyo trong mối quan hệ với Riyadh. Những lo ngại về khí thải carbon cũng là vấn đề được quan tâm nhưng chỉ nên coi là thứ yếu.

"Nhật Bản nên làm rõ rằng nước này không có ý định can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ả Rập Saudi để tránh việc Riyadh càng thúc đẩy quan hệ hợp tác gần gũi hơn với Bắc Kinh", ông Shimada nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Lý do Ả Rập Saudi thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, phớt lờ lo ngại của Mỹ

Thúc đẩy nguồn thu từ du lịch là yếu tố quan trọng trong Sáng kiến Tầm nhìn 2030 của thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman (MBS) và Trung Quốc là quốc gia có nguồn khách du lịch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN