Đồng lòng phản đối hành vi đơn phương, phi pháp ở Biển Đông
Một lần nữa những tiếng nói, quan điểm về sự cần thiết và cách thức duy trì hòa bình, ổn định và an ninh cũng như đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông lại vang lên bao trùm, lấn át những phát biểu mà thực tế cho thấy “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng, làm một nẻo” tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 2022.
Ai là “bá quyền hàng hải” ở Biển Đông?
Tại cuộc gặp bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2022 diễn ra từ ngày 10 đến 12-6 ở Singapore, các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Nhật Bản, Mỹ và Australia đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung 2022, trong đó phản đối các hành vi “đi ngược với luật pháp quốc tế” tại Biển Đông, nhất là các nội dung đã được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm làm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới hiện trạng Biển Đông thông qua việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp và các hành động cưỡng ép hoặc dọa dẫm.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng 3 quốc gia Australia, Nhật Bản và Mỹ cũng tái khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về Biển Đông “là cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp”. Đồng thời, các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế, nhất là các nội dung đã được phản ánh trong UNCLOS 1982 đối với các tranh chấp, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không cùng các hoạt động hợp pháp khác trên vùng biển này.
Nhiều tiếng nói và quan điểm chung tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2022 phản đối các hành vi đơn phương phi pháp ở Biển Đông
Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia, Nhật Bản và Mỹ về vấn đề an ninh ở Biển Đông được đưa ra sau phát biểu nhận nhiều hoài nghi và phản ứng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngay trước đó tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2022. Trong bài phát biểu có chủ đề “Tầm nhìn của Trung Quốc đối với trật tự khu vực” tại Singapore ngày 12-6, ông Ngụy Phượng Hòa đã lên án điều mà ông gọi là “bá quyền hàng hải” ở Biển Đông.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc “một số cường quốc” đang tiến hành “bá quyền hàng hải”, điều động tàu chiến và máy bay chiến đấu “hoành hành” ở Biển Đông. Dù ông Ngụy Phượng Hòa không nêu rõ quốc gia nào nằm trong số “một số cường quốc” thực hiện “bá quyền hàng hải” ở Biển Đông, song tất cả đều biết người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc đang hướng sự cáo buộc, chỉ trích vào ai. Đồng thời với việc lên án “một số quốc gia” thực hiện “bá quyền hàng hải” ở Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh theo đuổi “một Biển Đông hòa bình, hữu nghị và hợp tác”, và khẳng định “Trung Quốc sẽ đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế”. Ông Ngụy Phượng Hòa còn yêu cầu các nước láng giềng phải đoàn kết, cảnh giác nhằm “ngăn chặn một số nước bên ngoài khu vực can thiệp vào các vấn đề của khu vực và biến Biển Đông thành vùng biển rắc rối”.
Giới quan sát tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2022 cho rằng, phát biểu của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc na ná như các ý tứ, luận điểm trong nhiều bài xã luận của một số báo lớn của Trung Quốc khi đề cập tới vấn đề an ninh ở Biển Đông. Một điểm đáng chú ý mà giới quan sát cũng chỉ là ra là, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc dường như đã “quên” khi không hề nhắc đến thực tế ai cũng thấy Trung Quốc mới là quốc gia đang ráo riết tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông, tìm cách tăng sức ép quân sự và tự tạo ra các quy định trái phép để hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ ở Biển Đông.
Những hành động quân sự hóa đe dọa hòa bình, an ninh
Nhìn vào thực tế diễn ra ở Biển Đông thời gian qua, bất kỳ ai cũng thấy rất rõ ai là “bá quyền hàng hải”, ai đang gây căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và tự do hàng không ở Biển Đông bằng việc ngày càng leo thang quân sự hóa vùng biển này. Ngay trong những ngày mà diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2022 diễn ra ở Singapore, Trung Quốc thông báo tổ chức cuộc tập trận trong 2 ngày 11 và 12-6 tại Biển Đông. Đây cũng là cuộc tập trận mới nhất trong hàng loạt cuộc tập trận của Trung Quốc ở vùng biển có tuyến đường vận tải biển huyết mạch toàn cầu, đồng thời là không gian sinh tồn của nhiều quốc gia trong khu vực.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, theo thông tin đăng tải trên trang web chính thức của Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc, nước này đã tiến hành hoặc lên kế hoạch tổ chức ít nhất 35 cuộc tập trận, diễn tập quân sự ở Biển Đông. Trước đó, trong năm 2021, cũng theo thông tin từ Cơ quan An toàn hàng hải Trung Quốc, nước này cũng đã tiến hành ít nhất 51 cuộc tập trận, diễn tập quân sự ở Biển Đông. Trong đó có ít nhất 20 cuộc tập trận, diễn tập diễn tra ở Vịnh Bắc bộ và ít nhất 1 cuộc tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở Biển Đông không chỉ gây lo lắng sâu sắc cho các quốc gia trong khu vực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tự do hàng hàng hải và tự do hàng không mà điều đó được xem là sự phô trương sức mạnh quân sự, đe dọa trên vùng biển mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách phi pháp.
Một thực tế hiển nhiên khác cho thấy Trung Quốc “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng, làm một nẻo” trong vấn đề Biển Đông, đó là Bắc Kinh đã ráo riết bồi đắp, cải tạo phi pháp các đảo, thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam bị chiếm đóng trái phép thành các căn cứ quân sự quy mô lớn. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) John Aquilino trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 3-2022 cho rằng, Trung Quốc có thể đã xây xong cơ sở quân sự trên 3 thực thể Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị họ chiếm đóng trái phép.
Để minh chứng cho nhận định trên, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, hoạt động xây dựng kho tên lửa, nhà chứa máy bay chiến đấu, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác của Trung Quốc trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập dường như đã hoàn tất. Việc hoàn tất xây dựng các cơ sở quân sự trên 3 thực thể này cũng như các đảo và thực thể khác bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông giúp mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc ra ngoài bờ biển của họ, bao phủ lên gần như toàn bộ vùng biển chiến lược này.
Chung sức đồng lòng ngăn chặn tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông là một đòi hỏi cấp bách lúc này. Tại tuyên bố đưa bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Australia, Nhật Bản và Mỹ đã tái khẳng định ủng hộ mạnh mẽ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tầm quan trọng của hiệp hội trong việc thúc đẩy các quy chuẩn và hành vi tích cực, đóng góp cho an ninh khu vực và Biển Đông.
Nguồn: [Link nguồn]
Một đội MK11 đóng tại Biển Đông có thể đóng vai trò như thiết bị cảm biến để phát hiện và truyền vị trí tàu chiến Trung Quốc cho Mỹ và đồng minh.