Động đất: Syria thảm khốc hơn Thổ Nhĩ Kỳ

Tính đến tối 8-2 (giờ VN), thương vong vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên tới hơn 11.100 người chết và gần 55.000 người bị thương, đài CNN dẫn số liệu từ hai nước.

Thổ Nhĩ Kỳ đã có gần 8.600 người chết, gần 50.000 người bị thương. Syria hơn 2.500 người chết và hơn 4.600 người bị thương. Các con số này khả năng còn tăng cao, đặc biệt ở Syria.

Nỗ lực cứu hộ: Lực lượng cứu hộ đang cật lực chạy đua với thời gian để cứu người. Tuy nhiên, nhiệt độ giảm mạnh xuống dưới mức đóng băng gây nguy hiểm cho việc tìm kiếm những người sống sót ở cả hai bên biên giới.

Việc tiếp cận người sống sót rất khó khăn. Tại tỉnh Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ), tìm kiếm người sống sót là nhiệm vụ khổng lồ khi nhân viên cứu hộ phần lớn không sử dụng gì khác ngoài tay để đào bới. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, các dư chấn cũng là mối nguy hiểm tiềm ẩn. Xảy ra ít nhất 125 dư chấn cường độ từ 4,0 độ Richter trở lên sau trận động đất ban đầu.

Thảm họa nhân đạo: Sang ngày thứ ba sau động đất, quy mô khủng hoảng nhân đạo trở nên rõ ràng hơn. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính tới 23 triệu người có thể bị ảnh hưởng. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Syria, nơi Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết gần 70% dân số sống nhờ hỗ trợ nhân đạo trước trận động đất, sau thảm họa này tình hình còn nghiêm trọng hơn.

Trao đổi với CNN, TS Bachir Tajaldin - Giám đốc quốc gia Tổ chức Hiệp hội y tế người Mỹ gốc Syria (SAMS) tại Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rằng so với Thổ Nhĩ Kỳ thì tình hình ở Syria “thảm khốc hơn”. Theo TS Tajaldin, “tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ được điều phối thông qua một chính phủ sắp xếp rất tốt”, trong khi đó việc ứng phó khủng hoảng ở Syria rất khó khăn do kinh tế bắc Syria đã xấu đi nhiều sau hơn một thập niên xung đột.

LHQ cho biết đang tập trung vào các nhu cầu trước mắt như thực phẩm, chỗ ở, các mặt hàng phi thực phẩm và thuốc men. Tuy nhiên, LHQ cho biết con đường dẫn đến hành lang viện trợ nhân đạo duy nhất Bab al-Hawa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã bị hư hại.

Ngày 7-2, Đại diện thường trực của Syria tại LHQ Bassam Sabbagh chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu chống lại Syria đang cản trở viện trợ khẩn cấp đến Syria. Ông cho biết “rất nhiều máy bay chở hàng từ chối hạ cánh xuống các sân bay ở Syria do lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu”, đồng thời kêu gọi các nước thành viên LHQ giúp đỡ.

Phản ứng toàn cầu: Một lượng lớn hỗ trợ, viện trợ quốc tế đã và đang đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. NATO gửi hơn 1.400 nhân viên ứng phó khẩn cấp, đội cứu hộ của Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 8-2. Tuy nhiên, việc tiếp cận nhiều khu vực bị ảnh hưởng vẫn là một thách thức. Các đội tìm kiếm gặp khó khăn trong việc điều hướng các con đường bị chặn và các tòa nhà bị sập, trong khi vẫn phải hứng chịu các dư chấn dữ dội.

Chưa có nhiều thông tin nạn nhân nước ngoài. Ngày 8-2, Úc xác nhận bốn công dân nước này mất tích sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Hơn 12.000 người thiệt mạng vì động đất; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận có thiếu sót

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 8/2 thừa nhận có thiếu sót trong nỗ lực cứu hộ ban đầu khi trận động đất kinh hoàng xảy ra ở miền nam nước này. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Ân (Pháp luật TPHCM)
Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN