Đông dân nhất thế giới: Ấn Độ được hay mất?

Ấn Độ có dân số và lực lượng lao động đông nhất thế giới. Nhưng lợi thế này có thể trở thành thảm họa nếu không được tận dụng tốt.

Ấn Độ tìm cách giải bài toán về dân số đông (ảnh: Aljazeera)

Ấn Độ tìm cách giải bài toán về dân số đông (ảnh: Aljazeera)

1. Dân số Ấn Độ đông nhất thế giới

Phân tích dữ liệu mới từ Liên hợp quốc hôm 14/4 cho thấy, dân số Ấn Độ đạt 1.425.782.975 người, cao hơn hàng chục nghìn người so với số dân 1.425.748.032 của Trung Quốc.

Thông tin trên được công bố bởi trang phân tích dữ liệu MarketWatch (trụ sở chính tại Mỹ).

Theo Reuters, dân số Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng nhanh, trong khi dân số Trung Quốc có xu hướng giảm. Ngày 17/1, Cục Thống kê Trung Quốc thông báo, dân số nước này đã giảm sau hàng thập kỷ tăng liên tục. Dân số Trung Quốc cũng bắt đầu có xu hướng già hóa.

2. Lợi thế của Ấn Độ

Tỷ lệ sinh của Ấn Độ đã tăng chậm lại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có số dân trong độ tuổi lao động đông nhất thế giới – hơn 1,1 tỉ người, chiếm khoảng 75% quy mô dân số.

Năm 1952, Ấn Độ là quốc gia áp dụng chương trình kế hoạch hóa gia đình đầu tiên trên thế giới. Khi đó, quốc gia vùng Nam Á có khoảng 350 triệu dân. Kinh tế đất nước khó khăn khiến chính quyền kêu gọi mỗi gia đình chỉ sinh tối đa 2 con.

Đến năm 1960, chính quyền của cựu Thủ tướng Indira Gandhi bắt đầu thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn nhằm giảm tỷ lệ sinh. Trung bình, một phụ nữ Ấn Độ vào những năm 1960 sinh tới 6 con. Vào những năm 1970, Ấn Độ buộc hàng triệu đàn ông triệt sản, theo Aljazeera.

“Trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển kinh tế của Ấn Độ là tốc độ gia tăng dân số đáng báo động”, Bộ trưởng Y tế và Kế hoạch hóa Ấn Độ S. Chandrasekhar phát biểu vào năm 1967.

Ấn Độ từng tìm cách giảm tỷ lệ sinh (ảnh: Aljazeera)

Ấn Độ từng tìm cách giảm tỷ lệ sinh (ảnh: Aljazeera)

Vào những năm 1980 và 1990, Ấn Độ mở cửa kinh tế cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ tăng mạnh. Nguồn lao động đông đảo được xem là lợi thế to lớn của nước này.

Theo các chuyên gia, với vị trí là nước đông dân nhất thế giới, Ấn Độ đang được hưởng “lợi tức nhân khẩu học”. Phần lớn dân số Ấn Độ nằm trong độ tuổi lao động, từ 15 – 64 tuổi.

“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế phần lớn là dựa vào lợi tức nhân khẩu học. Ở Ấn Độ, chúng tôi có sẵn điều đó”, Mahesh Vyas – giám đốc điều hành Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), trụ sở ở Mumbai – nói.

Theo Aljazeera, ngoài lực lượng lao động lớn, giá rẻ, Ấn Độ cũng có lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người. Đầu tư phát triển nguồn lao động trẻ là điều Ấn Độ đang hướng đến.

2. Quả bom hẹn giờ

Sinh viên biểu tình phản đối nạn thất nghiệp ở Ấn Độ vào năm 2021 (ảnh: Aljazeera)

Sinh viên biểu tình phản đối nạn thất nghiệp ở Ấn Độ vào năm 2021 (ảnh: Aljazeera)

Theo dữ liệu từ chính phủ Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong giai đoạn năm 2017 – 2018 là 6,1%, cao nhất trong vòng 45 năm. Giai đoạn 2021 – 2022, tỷ lệ này là 4,1%, vẫn ở mức khá cao.

Theo trung tâm CMIE, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở Ấn Độ trong tháng 3/2023 là 7,8%. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này là 8,5%. Đây là những con số đáng báo động, cho thấy Ấn Độ dường như chưa sử dụng tốt nguồn lực dân số.

Mỗi năm, có khoảng 5 triệu người gia nhập vào lực lượng lao động ở Ấn Độ. Tỷ lệ thất nghiệp cao kéo theo gánh nặng phúc lợi xã hội và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh.

“Thất nghiệp là một trong những thách thức lớn nhất đối với kinh tế Ấn Độ trong tương lai. Trong 2 thập kỷ qua, tình trạng này chưa có dấu hiệu được cải thiện”, Himanshu – phó giáo sư kinh tế tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) – nhận xét.

“Chúng tôi chưa nhận thấy các chỉ số tốt về tiềm năng sử dụng lao động trẻ của Ấn Độ”, ông Himanshu nói thêm.

Hàng triệu người Ấn Độ đi bộ về quê trong đợt dịch Covid-19 (ảnh: Aljazeera)

Hàng triệu người Ấn Độ đi bộ về quê trong đợt dịch Covid-19 (ảnh: Aljazeera)

Khoảng 40 triệu người lao động từ thành thị ở Ấn Độ đã bỏ về nông thôn trong đợt bùng phát dịch Covid-19 (2020 – 2022). Vài năm gần đây, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Ấn Độ có xu hướng tăng, trong khi lao động làm việc ở lĩnh vực công nghiệp ngày càng giảm.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, tăng trưởng đầu tư ở Ấn Độ đã giảm gần một nửa, từ mức trung bình hàng năm là 10,5% giai đoạn 2000-2010 xuống còn 5,7% trong giai đoạn 2011-2021.

Theo Aljazeera, Ấn Độ đang để lãng phí nguồn lực lao động.

Lực lượng lao động ở Ấn Độ sẽ không trẻ mãi. Dân số trong độ tuổi lao động ở nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2041, sau đó giảm dần, theo các chuyên gia.

“Ấn Độ chỉ có cơ hội một lần trong đời”, bà Radhicka Kapoor – giáo sư tại Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế Ấn Độ – nhận xét.

“Phải tăng thu hút vốn đầu tư và đưa mọi người vào lao động sản xuất. Nếu không, lợi thế về dân số của Ấn Độ có thể biến thành thảm họa nhân khẩu học”, chuyên gia Vyas cảnh báo.

Nguồn: [Link nguồn]

Ấn Độ soán ngôi Trung Quốc, thành quốc gia đông dân nhất thế giới

Phân tích dữ liệu mới nhất từ Liên Hiệp Quốc cho thấy dân số Ấn Độ trong ngày 14-4 đã đạt 1.425.782.975 người, cao hơn hàng chục ngàn người so với con số 1.425.748.032 được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Quốc – Aljazeera ([Tên nguồn])
Tin tức Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN