Đóng băng chờ hồi sinh: Sẽ ra sao ngày sống lại nghìn năm sau?

Sự kiện: Bí ẩn khoa học

Người được hồi sinh có mang theo mầm bệnh gây họa cho thế giới sau này, tuổi tác của người được hồi sinh tính thế nào, hậu thế liệu sẽ đối xử với họ ra sao… là những vấn đề mà nhiều người thắc mắc trong trường hợp thi thể đóng băng thực sự sống dậy.

Ảnh minh họa: Black Gate Magazine

Ảnh minh họa: Black Gate Magazine

Nếu sống lại sau 1.000 năm, bạn sẽ ra sao?

Giả sử về mặt khoa học, nếu đóng băng chờ hồi sinh thành công thì thách thức thực tế của người được hồi sinh là gì?

Vấn đề thời gian là yếu tố quan trọng cần được xét đến. Nếu một người bị đóng băng và được hồi sinh trong vài năm (khó xảy ra), thì đó là một kịch bản khác nhiều so với viễn cảnh phải chờ đợi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Hãy tưởng tượng chúng ta có một thi thể được đóng băng từ năm 1921, cách đây 100 năm. Và giờ, khoa học kỹ thuật của chúng ta đã có đủ khả năng để hồi sinh thi thể đó hay chưa? 

Nếu có thể hồi sinh, thi thể đó có thể mang theo mầm bệnh mà chúng ta ngày nay chưa chuẩn bị để đối phó. Với các thi thể từ hàng trăm năm trước, mầm bệnh Trung Cổ cũng có thể gây ra hiểm họa tiềm tàng với thế giới ngày nay. Vì vậy, dù có thể hồi sinh nhưng chưa chắc người đó được phép đi lại tự do như ở thời đại của mình. Liệu người đó sẽ cảm thấy thế nào khi đã bỏ ra số tiền lớn để sung sướng trong tương lai, nhưng đến khi hồi sinh thì phải sống trong cảnh bị hậu thế “nuôi nhốt”?

Ngoài ra, vấn đề về ngôn ngữ cũng cần được xét đến. Ngày nay, các thế hệ lớn tuổi thường gặp khó khăn trong ngôn ngữ với các thế hệ trẻ hơn, dù trên danh nghĩa vẫn dùng chung một ngôn ngữ. Ngay cả khi ngôn ngữ không phát triển nhanh như trên các phương tiện truyền thông xã hội, vẫn sẽ có một rào cản giao tiếp với người bị đóng băng trong thời gian dài, có thể hàng trăm hay hàng nghìn năm. Chúng ta có thể hiểu được những bài viết cách đây 100 năm ở Anh nhưng đọc hiểu một văn tự thời Trung Cổ ở Anh chưa chắc đã là điều dễ dàng. 

Bên cạnh giao tiếp cơ bản, một vấn đề khác đặt ra là người được hồi sinh có thể hòa nhập tốt với xã hội hay không, từ việc đi lại, đối phó với kẻ xấu cho đến tìm kiếm việc làm. Theo New York Times, hầu hết các công ty Cryonics đều cung cấp dịch vụ lưu trữ các vật kỷ niệm, "sách ghi nhớ" và đĩa kỹ thuật số để giúp khách hàng, trong trường hợp được hồi sinh, phục hồi lại ký ức hoặc để vơi bớt nỗi nhớ quá khứ.

Nếu được hồi sinh thành công, liệu người sống lại có hòa nhập được với thế giới tương lai? Ảnh minh họa: Handout

Nếu được hồi sinh thành công, liệu người sống lại có hòa nhập được với thế giới tương lai? Ảnh minh họa: Handout

Giáo sư Joao Pedro de Magalhaes, người điều phối Mạng lưới nghiên cứu đóng băng chờ hồi sinh ở Anh, cũng ủng hộ nhận định phải mất tới cả nghìn năm, thậm chí lâu hơn để có thể hồi sinh thi thể đóng băng. Chia sẻ với Daily Star, giáo sư Magalhaes nói: "Nếu chúng ta có thể hồi sinh thành công một người được đóng băng, thậm chí phải mất tới hàng nghìn năm, đó vẫn là thành công". 

Vị giáo sư tới từ Anh cũng nhắc đến một vấn đề quan trọng đó là tuổi tác của một người nếu người đó được hồi sinh thành công.

"Nếu thi thể được đóng băng thì sẽ không có phản ứng hóa học và thời gian sinh học sẽ không xảy ra. Vì vậy, tuổi sinh học của một cá nhân, nếu được hồi sinh thành công, sẽ giống tuổi ở thời điểm họ bắt đầu được đóng băng", giáo sư Magalhaes nói thêm. 

Một thắc mắc được nhiều người đưa ra là: "Việc đóng băng người chết liệu có phải là vô ích? Vì dù gì người đó cũng đã chết. Nếu có thể 'hồi sinh' thành công đi nữa, cũng không thể chữa lành bệnh tật trong trường hợp người này chết vì bệnh".

Một số chuyên gia cho rằng, với sự phát triển của khoa học công nghệ trong tương lai, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Khoa học công nghệ ở thời điểm có thể hồi sinh người chết thành công thì khả năng chữa lành bệnh tật cũng rất cao.

Trang Cryonics cũng ủng hộ nhận định trên: "Chúng ta có thể khôi phục sự sống cho người 'được cho là đã chết' trong vài phút và thậm chí là vài giờ trong một số vụ đuối nước. Vì vậy, mọi thứ đều có thể thay đổi trong tương lai, nhất là với một bệnh nhân đã chết được đóng băng thi thể.

Cái chết 'tuyệt đối' chỉ xảy ra khi thông tin thiết yếu trong não bị phá hủy. Vì vậy, bảo quản nguyên vẹn được bộ não là còn hy vọng cho hồi sinh. Bảo quản não cũng là mục đích mà đóng băng thi thể hướng tới.  Với việc mắc bệnh dẫn đến cái chết, khi khoa học ngày càng phát triển, những căn bệnh gây tử vong sẽ tìm được cách chữa trị. 

Ví dụ, bệnh bại liệt và dịch hạch từng là những căn bệnh gây tử vong vì không có thuốc chữa, nhưng giờ chúng không còn đáng sợ như vậy nữa. Các căn bệnh khác cũng vậy. Nhiều chuyên gia cho rằng, chữa khỏi các bệnh hiểm nghèo hiện nay, kể cả việc ngăn quá trình lão hóa, cũng chỉ là vấn đề thời gian".

Ngoài những thách thức thực tế, Cryonics còn khiến nhiều người đặt dấu hỏi về vấn đề đạo đức, theo RTE. 

Sự đồng ý được cho là chìa khóa của bất kỳ quy trình y tế nào và Cryonics cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu bạn không biết rõ về những gì sắp xảy ra với mình, thì sự đồng ý đó có bị xem là miễn cưỡng hoặc liều lĩnh hay không?

Ví dụ, bất kỳ ai đăng ký Cryonics đều không biết họ sẽ bị đóng băng trong bao lâu và cũng không biết sẽ sống trong tình cảnh nào khi được hồi sinh. Ai sẽ đồng hành với họ nếu quá trình này tiếp diễn hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Điều gì xảy ra nếu số tiền họ chi ra để bảo quản thi thể bị cạn kiệt. 

Một dự án đóng băng chờ hồi sinh ở Chatsworth, bang California, Mỹ đã thất bại khi những người thực hiện cạn vốn. Các thi thể bị phân hủy sau đó. 

Khoa học về Cryonics đã phát triển rất nhiều trong nửa thế kỷ gần đây. Cùng với tầm nhìn về y học nano, nghiên cứu trường sinh bất tử, phát hiện về trí thông minh nhân tạo (AI) và những tiến bộ công nghệ khác, Cryonics không còn bị xem là viển vông như trước. Nhưng nó là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi.

Lý lẽ của những người ủng hộ

Ảnh: Whatitcosts

Ảnh: Whatitcosts

Những người ủng hộ đóng băng chờ hồi sinh cho rằng cái chết là một căn bệnh cần được chữa khỏi. Ngày nay, chúng ta không chỉ theo đuổi các phương pháp chữa trị các bệnh khác, mà còn làm mọi cách cứu người cận kề cái chết bằng các biện pháp can thiệp y tế, ví dụ như máy khử rung tim và hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân đau tim. 

Vì vậy, đóng băng chờ hồi sinh chỉ là một phần mở rộng hợp lý của y học. Những người ủng hộ cho rằng, nếu tìm hiểu kỹ, mọi người sẽ thấy đóng băng chờ hồi sinh không đáng sợ như họ từng nghĩ. Và khi chúng ta càng hiểu rõ về sinh học của con người và động vật, chúng ta càng thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết không còn quá rõ ràng. 

Một lý lẽ khác mà những người ủng hộ đóng băng chờ hồi sinh đưa ra xuất phát từ lý thuyết về đạo đức. Nếu tối đa hóa hạnh phúc là một mệnh lệnh đạo đức thì việc nhiều người còn sống có thể xem như có nhiều hạnh phúc trên thế giới. Không chỉ có thêm thời gian cho người đó trải nghiệm hoặc tạo ra nhiều hạnh phúc hơn, mà còn giúp gia đình, bạn bè của người đó bớt đau buồn, tin rằng người thân của họ sẽ không ra đi mãi mãi.

Lập luận của nhóm phản đối

Những người phản đối Cryonics cho rằng, cái chết là một phần tự nhiên và cần thiết của vòng đời. Về mặt sinh thái, việc hồi sinh người chết có thể làm đảo lộn sự cân bằng mong manh của cuộc sống, làm trầm trọng thêm tình trạng dân số đông, tiêu thụ nhiều tài nguyên, tạo ra nhiều chất thải...

Về văn hóa, Joseph Weizenbaum - người từng là giáo sư khoa học máy tính của Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) - viết rằng: "Cái chết chính là điều cuối cùng mà chúng ta có thể làm cho thế giới. Nếu làm trái quy luật đó, thế hệ kế tiếp sẽ không cần phải phát triển văn hóa nhân loại. Văn hóa sẽ giậm chân tại chỗ, không thể phát triển và chết dần. Khi văn hóa mất đi, nhân loại cũng sẽ diệt vong".

Ngoài những tác động bên ngoài, mong muốn được sống lâu hơn có thể hình thành tính cách xấu, theo những người phản đối Cryonics. Họ cho rằng việc muốn sống lâu hơn thể hiện sự ích kỷ và thiếu công bằng. Nếu bất tử, chúng ta sẽ không biết trân trọng thời gian còn sống. Chúng ta trân trọng nhiều thứ như vẻ đẹp ngoại hình hay những đóa hoa vì chúng không tồn tại mãi mãi. 

----------------------

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhu cầu về đóng băng chờ hồi sinh tăng cao. Tuy nhiên, đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến hàng tỷ sinh mạng trên thế giới mà còn tác động tới những người không còn sống. Có rất nhiều khó khăn liên quan tới việc đóng băng chờ hồi sinh trong mùa đại dịch. Bài tiếp theo đăng trên mục Thế giới, sáng 22/11 sẽ làm rõ vấn đề này. 

Đóng băng chờ hồi sinh trong đại dịch Covid-19

Hàng triệu người tử vong vì dịch Covid-19 dường như thúc đẩy nhiều người hơn kỳ vọng vào việc đóng băng chờ hồi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn khoa học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN