Donetsk và Luhansk quan trọng thế nào với Nga?
Cuộc đối đầu giữa Ukraine – Nga một lần nữa nóng lên sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận sự độc lập của 2 nhà nước tự xưng Donetsk và Luhansk. Theo một số chuyên gia Nga, tầm quan trọng của Donetsk và Luhansk xứng đáng nhận được sự ủng hộ của ông chủ Điện Kremlin.
Bản đồ Donetsk và Luhansk (ảnh: Bloomberg)
1. Ý nghĩa chiến lược của Donetsk và Luhansk
Tháng 4.2014, trong khi Kiev đang chìm trong các cuộc biểu tình và hỗn loạn, lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở 2 tỉnh miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk – gọi chung là Donbass – đã tuyên bố tách khỏi ảnh hưởng của chính quyền Kiev từ năm 2014 và thành lập “nhà nước độc lập”.
Trước khi tuyên bố ly khai, Donetsk và Luhansk là khu vực có nhiều người nói tiếng Nga sinh sống và là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Ukraine (chiếm 16% GDP nước này). 2 tỉnh miền đông với dân số 3,5 triệu người cũng là nơi có trữ lượng khoáng sản than, sắt khổng lồ của Ukraine.
Từ năm 2014, những cuộc giao tranh liên tục giữa phe ly khai và quân đội Ukraine để giành quyền kiểm soát Donetsk và Luhansk đã khiến ít nhất 15.000 người thiệt mạng.
Năm 2015, thỏa thuận Minsk được ký kết với hy vọng khôi phục hòa bình ở Donetsk và Luhansk nhưng các bên thường xuyên vi phạm. Bằng cách công nhận sự độc lập của 2 tỉnh miền đông, Nga cũng gián tiếp thể hiện sự hết kiên nhẫn đối với việc níu kéo thỏa thuận Minsk.
Ông Putin phát biểu sau khi ký sắc lệnh công nhận Donetsk và Luhansk độc lập (ảnh: Reuters)
Với Kiev, việc thu hồi Donetsk và Luhansk không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn là lời khẳng định kiên quyết về toàn vẹn lãnh thổ. Với Moscow, Donetsk và Luhansk là “vùng đệm” quan trọng đối với an ninh Nga trong bối cảnh NATO tìm cách mở rộng ảnh hưởng về phía đông. Công nhận độc lập cho Donetsk và Luhansk cũng giúp Nga “đường đường chính chính” đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới miền đông Ukraine, bảo vệ những người gốc Nga sống tại đây.
Tiếng pháo được cho sẽ là im bặt ở miền đông Ukraine sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga xuất hiện. Tháng 8.2008, Gruzia thất bại nhanh chóng trước quân đội Nga sau khi cố gắng giành lại quyền kiểm soát 2 khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia. Sau cuộc giao tranh, Nga cử hàng nghìn quân đồn trú ở Abkhazia và Nam Ossetia.
Nga muốn Donetsk và Luhansk giành được quyền tự chủ. Điều này giúp Donetsk và Luhansk có quyền phủ quyết chính sách thân phương Tây của Kiev và phát triển theo con đường riêng.
Nếu tỏ ra bất lực trước việc Donetsk và Luhansk được Nga công nhận độc lập, mức tín nhiệm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – người luôn muốn Ukraine gia nhập NATO – nhiều khả năng sẽ giảm nghiêm trọng. Nga có thể loại được một “cái gai trong mắt” mà không quá tốn công.
2. Mối quan hệ khăng khít giữa Nga – Donbass
Dân Donetsk và Luhansk ăn mừng sau quyết định của Nga (ảnh: RT)
Hôm 21.2, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tiết lộ từ tháng 4.2019, Moscow đã cấp 800.000 hộ chiếu Nga cho người dân ở Donbass. Điều này cho phép họ nhập quốc tịch Nga một cách dễ dàng.
Cả Donetsk và Luhansk đã từ bỏ đồng hryvnia của Ukraine và chuyển sang sử dụng đồng rúp của Nga. Các trường học ở Donetsk và Luhansk cũng áp dụng chương trình giảng dạy của Nga.
Năm 2021, Donetsk tuyên bố ngày 12.6 là “Ngày nước Nga”. Cuối năm 2021, ông Putin ký lệnh dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thương mại giữa Nga và Donbass.
Từ tháng 1.2021, Nga đã bắt đầu cung cấp vắc xin Sputnik V ngừa Covid-19 cho phe ly khai, bất chấp lệnh cấm từ Kiev, theo chính quyền tự xưng Donetsk. Việc được Mosow công nhận độc lập được xem là chiến thắng lớn đối với phe ly khai ở Donetsk và Luhansk. Điều quan trọng nhất đối với Donbass là “chiếc ô” bảo hộ quân sự của Nga, theo Reuters.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự kiện Tổng thống Nga Putin ký quyết định công nhận độc lập của 2 tỉnh miền đông Donetsk và Luhansk hôm 21.2 khiến nhiều nước đặc biệt chú ý và Trung Quốc cũng không ngoại...