Kỳ lạ đơn vị 6.000 "siêu nhân" dưới nước của Nhật Bản: Một mạng người đổi một "mạng" tàu
Kế hoạch “một người diệt một tàu” thu hút sự chú ý của Bộ tư lệnh tối cao đế quốc Nhật và một đơn vị đặc biệt được thành lập để thực hiện kế hoạch này. Thành viên của các đơn vị này sẽ ở dưới biển nhiều tuần, chờ tàu đổ bộ đối phương tới, rồi tung đòn tự sát.
Ảnh minh họa về các phi công Kamikaze của Nhật Bản. Ảnh: Wallpaper Access
Ngày 25/10/1944, ở khu vực ngoài khơi đảo Leyte, Philippines, thủy thủ đoàn của tàu sân bay Mỹ USS St. Louis kinh hãi chứng kiến một tiêm kích A6M Zero của quân Nhật đang lao về phía họ.
Bất chấp hỏa lực phòng không từ phía Mỹ, tiêm kích của đế quốc Nhật khi đó không đổi hướng, ngày một tiến gần hơn và cuối cùng đâm sầm xuống tàu sân bay Mỹ, gây ra vụ nổ lớn. Nửa giờ sau, tàu sân bay USS St. Louis chìm do hư hỏng nặng. Theo trang Today I Found Out, tàu sân bay USS St. Louis chính là "nạn nhân" đầu tiên của chiến thuật Kamikaze (Thần Phong - Gió thần) - lính Nhật thực hiện các vụ tấn công liều chết nhằm vào quân Đồng Minh trong Thế chiến II.
Không chỉ đơn thuần áp dụng cho các tiêm kích, chiến thuật Kamikaze còn được áp dụng với một số vũ khí và đơn vị khác như tàu ngầm Kairyu, thủy lôi Kaiten, xuồng cao tốc Shinyo... Tuy nhiên, kỳ quái nhất phải kể đến Fukuryu – đơn vị "một người diệt một tàu" (hay còn được biết đến với các tên gọi khác như "rồng ẩn mình", người nhái cảm tử).
Biệt đội "một người diệt một tàu" còn được gọi là biệt đội "rồng ẩn mình" hay người nhái cảm tử. Ảnh: The Untold Past
Đơn vị Fukuryu được thành lập vào cuối năm 1944 bởi đại tá Kiichi Shintani, người tới từ Trường chống tàu ngầm thuộc căn cứ hải quân Yokosuka.
Dự đoán Mỹ sắp tấn công, đại tá Shintani lo ngại kế hoạch sử dụng ngư lôi và xuồng cảm tử để hạ tàu đổ bộ của Washington sẽ không hiệu quả. Lý do nằm ở việc thiếu nhân lực và vật liệu cần thiết cho nhiệm vụ kiểu này.
Vì vậy, đại tá Shintani đề xuất sử dụng một đội thợ lặn, phục kích sẵn dưới nước trong nhiều tuần tại các địa điểm quân Mỹ dự kiến đổ bộ. Vào ban đêm, các thợ lặn này sẽ nổi lên và tấn công trực tiếp các tàu đổ bộ của đối phương.
Tuy đòi hỏi thiết bị và chiến thuật phức tạp, nhưng cũng như các phi công cảm tử, kế hoạch của đại tá Shintani – “một người diệt một tàu”- có sức hấp dẫn với Bộ tư lệnh tối cao Nhật Bản khi đó. Tháng 11/1944, các nghiên cứu cũng như việc đào tạo người nhái bắt đầu tại thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa và thị trấn ven biển Kawatana, thuộc tỉnh Nagasaki, dưới sự chỉ đạo của đại úy Masayuki Sasano.
Đơn vị người nhái cảm tử của đế quốc Nhật ban đầu có khoảng 4.000 thành viên, trong đó một nửa là tình nguyện và nửa còn lại là lính nghĩa vụ. Sau đó, thành viên đơn vị này tăng lên khoảng 6.000 người. Họ được đế quốc Nhật kỳ vọng sẽ hủy diệt 30% tổng số tàu đổ bộ của đối phương.
Thành viên đơn vị này được trang bị một bộ đồ lặn chuyên dụng làm bằng vải cao su kèm mũ thép. Một hệ thống bình thở đơn giản, với 2 bình chứa 3,5 lít oxy, đặt ở sau lưng thợ lặn. Khí CO2 sinh ra trong quá trình hô hấp sẽ được lọc sạch bởi một ống đựng Sodium Hydroxide.
Với 9kg chì được gắn xung quanh và các thiết bị thở, bộ đồ lặn đặc biệt cho phép đội quân người nhái có thể “đi bộ dưới biển” ở độ sâu khoảng 5-7 mét trong khoảng 8 giờ. Đế quốc Nhật khi đó còn chế tạo một loại thức ăn dạng lỏng để giúp người nhái có thể tồn tại dưới nước.
Phác thảo bộ đồ lặn đặc biệt của người nhái Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia
Trước một trận đánh, đơn vị người nhái cảm tử sẽ sống trong các boongke đặc biệt dưới biển - từ đây các người nhái có thể nổi lên để tấn công tàu địch mà không bị phát hiện.
Số boongke làm từ bê tông này được đưa xuống các vị trí chiến lược ngoài khơi và có phòng khép kín (airlock), giường, thực phẩm và dưỡng khí cho 40-50 người tồn tại trong 10 ngày.
Một số boongke còn trang bị bệ phóng ngư lôi và ống nghe dưới nước để phát hiện các tàu đang đến cũng như đảm bảo quá trình liên lạc giữa các boongke.
Các hố cá nhân dưới nước, được làm từ ống thép, cũng được phát triển để giúp bảo vệ người nhái khỏi hỏa lực của đối phương. Đơn vị người nhái cảm tử dự kiến chỉ hoạt động ở vùng biển sâu hoặc ban đêm để tránh bị phát hiện. Nếu bị bại lộ, các thành viên rất dễ trúng đòn tấn công từ trên không hoặc hỏa lực của tàu đổ bộ.
Vũ khí chính của đơn vị người nhái cảm tử là mìn loại 5 - khối chất nổ nặng 15 kg, có kíp kích nổ - buộc cố định vào một que tre dài 5 mét. Cơ chế kích nổ của vũ khí này là va chạm.
Trong chiến đấu, người nhái cảm tử sẽ đâm phần đầu que tre buộc mìn vào đáy của tàu đổ bộ, chấp nhận liều mạng để phá hủy tàu đối phương.
Minh họa về biệt đội người nhái cảm tử của đế quốc Nhật Bản. Ảnh: Tednomura
Mỗi người nhái dự kiến bảo vệ một khu vực có diện tích 390 mét vuông. Khoảng cách giữa mỗi người nhái là 60 mét để tránh vụ nổ của người này khiến người khác thiệt mạng. Các người nhái sẵn sàng bỏ mạng để diệt tàu đổ bộ của đối phương nhưng đương nhiên không muốn chết lãng xẹt vì vụ nổ mìn của đồng đội.
Tháng 10/1945, đơn vị người nhái cảm tử lên kế hoạch đào tạo bổ sung 2.000 người. Cùng với 4.000 người trước đó, đơn vị này được chia thành 3 tiểu đoàn chính: Arashi 71 - trú tại thành phố Yokosuka, Arashi 81 - trú tại cảng Kure, và Kawatana trú tại thành phố Sasebo. Tất cả chịu sự chỉ huy chung của đại tá Shintani.
Ít nhất 3 boongke đã được đưa xuống vịnh Tokyo. Một số boongke khác được đưa tới ngoài khơi bờ biển Kujukurihama và Kajimagaura.
Tuy nhiên, ngay từ đầu, dự án về đơn vị người nhái cảm tử đã gặp phải những vấn đề lớn. Do tình trạng nghiêm trọng của quá trình sản xuất thời chiến ở Nhật Bản năm 1944, nhiều máy thở bị lỗi, dẫn đến cái chết của không ít học viên. Tới ngày 30/7/1945, có 1.200 người nhái đã tốt nghiệp ở các trường huấn luyện nhưng thực tế chỉ có 600 bộ đồ lặn để sử dụng.
Cuối cùng, đế quốc Nhật đã đầu hàng Đồng Minh trước khi đơn vị người nhái cảm tử được triển khai. Ngay sau khi đế quốc Nhật đầu hàng, hải quân Mỹ đã có cuộc điều tra kỹ lưỡng về đơn vị người nhái để đánh giá trang thiết bị cũng như mức độ hiệu quả tiềm năng của đơn vị này.
Đại tá Shintani và đại úy Sasano phủ nhận sự tồn tại của các boongke ngầm dưới vịnh Tokyo. Một số nguồn tin cho rằng, cấp trên đã hạ lệnh cho họ không được tiết lộ thông tin quan trọng cho đối phương.
Tháng 12/1945 và tháng 1/1946, một cặp tàu hải quân Mỹ đã thực hiện các cuộc khảo sát vịnh Tokyo bằng thiết bị định vị dưới nước. Cuộc khảo sát phát hiện 4 điểm tiếp xúc được cho là của các boongke ngầm. Tuy nhiên, vì độ sâu và điều kiện nguy hiểm dưới biển khi đó, hải quân Mỹ quyết định không cử thợ lặn xuống kiểm tra. Thay vào đó, hải quân Mỹ thả các quả bom chống tàu ngầm xuống dưới để phá hủy các boongke (nếu có).
Cuộc điều tra của hải quân Mỹ kết luận rằng hiệu quả của đơn vị người nhái cảm tử không cao do sự thiếu ổn định của các bình thở. Tuy nhiên, nếu các vấn đề này được khắc phục, đơn vị này có thể gây ra thương vong nghiêm trọng cho quân Đồng Minh.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự kiện “Hắc thuyền” đánh dấu cú chuyển mình đáng chú ý nhất trong lịch sử Nhật Bản - từ một nước phong kiến...