Đón tin tốt về lũ lụt sông Dương Tử, người TQ vẫn không thể "ăn ngon ngủ yên"
Giới chức Trung Quốc tuyên bố trận lũ lụt tồi tệ nhất kể từ "đại hồng thủy" năm 1998 trên sông Dương Tử (Trường Giang), đoạn thuộc tỉnh Giang Tây, đã qua đỉnh lũ. Tuy nhiên, giờ chưa phải lúc để người dân nơi đây nghỉ ngơi.
Video: Nước lũ cuốn trôi cây cầu cổ 400 tuổi ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc hôm 13/6/2020. Nguồn: CGTN
"Tôi muốn con đê phải được mở rộng hơn nữa", SCMP dẫn lời kỹ sư thủy lực Liu Liangwu nói với người dân địa phương chiều 13/7.
Ông Liu "bám trụ" tại Giang Châu - thị trấn bao quanh bởi nước sông, thuộc khu vực đồng bằng sông Dương Tử, thành phố Cửu Giang. Giang Châu được bao bọc bởi đoạn đê dài 10 km. Trước diễn biến bất thường của mưa lũ năm nay, đoạn đê không thể giữ an toàn cho người dân trong thị trấn trước sự hoành hành của lũ lụt.
Nước lũ đã dâng cao hơn đê bao của thị trấn, buộc người dân và binh sĩ đồn trú nơi đây phải dùng bao cát, bạt nhựa để gia cố đoạn đê.
Kỹ sư thủy lực Liu Liangwu (đeo băng đỏ trên tay) kiểm tra đoạn đê bao quanh thị trấn Giang Châu. Ảnh: SCMP
Mưa lớn kéo dài hơn một tháng qua tại Trung Quốc khiến mực nước sông Dương Tử dâng cao, gây lũ lụt ở nhiều nơi. Ảnh: SCMP
Hôm 13/7, văn phòng thủy văn thuộc Ủy ban thủy lợi Trường Giang tuyên bố, trận lũ trên sông Dương Tử, đoạn thuộc khu vực Cửu Giang, đã qua đỉnh lũ. Mực nước hiện tại ở đây là 22,81 mét (cao nhất kể từ năm 1998).
Việc giám sát trực tiếp cho thấy mực nước trên sông Dương Tử đã ổn định, nhưng các sông, ao hồ khác trong khu vực, bao gồm cả hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc - Bà Dương, vẫn tiềm ẩn đe dọa, theo Liu.
Hôm 13/7, hồ Bà Dương, cách thị trấn Giang Châu gần 100 km, ghi nhận mực nước cao lịch sử 22,6 mét - hơn 3,6 mét so với mức cảnh báo cao nhất của hồ. Lượng nước tại hồ Bà Dương dự kiến tăng thêm trong ngày 14/7 trước khi giảm dần vào 3 ngày tiếp theo, theo giới chức tỉnh Giang Tây.
Chính quyền địa phương kêu gọi ưu tiên sơ tán người già và trẻ em ở một số thị trấn, bao gồm cả Giang Châu. Trong khi đó, giới chức tỉnh Giang Tây khuyến cáo một số thị trấn gần hồ nước ngọt Bà Dươngsử dụng các hồ chứa để đối phó tình trạng ngập lụt cũng như mở các con đập để xả nước.
Người dân sống dọc sông Dương Tử và gần hồ Bà Dương đã áp dụng hàng loạt biện pháp "phòng thủ". Những người giám sát giống ông Liu theo dõi chặt chẽ việc nước lũ tràn vào thị trấn, bảo vệ bờ kè bên sông và gia cố các con đê để ngăn tình trạng đê vỡ, khiến thị trấn chìm trong "biển nước".
"Trong trận lũ lụt lịch sử năm 1998, đoạn đê bị vỡ từ rất sớm và toàn bộ thị trấn bị ngập nặng. Nếu nước lũ tràn vào thị trấn, nhà cửa và đồng ruộng của chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm. Hầu hết chúng tôi là nông dân nên thiệt hại sẽ không thể tưởng tượng nổi", Shi Yuhua, người dân thị trấn Giang Châu, chia sẻ.
Theo ông Shi, người dân thay nhau tuần tra, giám sát đoạn đê 24/24. Vài trăm mét lại có một trạm canh gác được thiết lập, với 6-8 người túc trực.
Binh sĩ Trung Quốc hỗ trợ người dân phòng chống lũ lụt. Ảnh: SCMP
Kỹ sư thủy lực Liu lo lắng hơn về lượng mưa. Ngay cả khi đoạn đê không gặp sự cố, mưa lớn kéo dài sẽ khiến nước sông Dương Tử dâng cao, tràn vào thị trấn. 5 ngày qua, Liu thường xuyên tuần tra và nhắc nhở người dân địa phương tiếp tục bồi đắp đê cao hơn mỗi khi nước dâng cao.
Nhưng Liu cũng phát hiện dấu hiệu tích cực, mang lại hy vọng cho người dân. "Hôm 12/7, mực nước tăng hơn 30 cm nhưng tới ngày 13/7, con số này chỉ còn 2 cm. Nếu tiếp tục theo chiều hướng này, chiến thắng lũ lụt của người dân đã tới rất gần", vị kỹ sư thủy lực nói.
Những trận lũ lụt xuất hiện dọc sông Dương Tử được "châm ngòi" bởi các cơn mưa nặng hạt kéo dài từ đầu tháng 6. Lũ lụt đã lan rộng tới 27/31 tỉnh thành của Trung Quốc đại lục. Hơn 34 triệu người Trung Quốc bị ảnh hưởng do mưa lũ bất thường, ít nhất 140 người tử vong và mất tích, theo các số liệu chính thức.
Căn cứ vào ảnh chụp vệ tinh, một cựu tướng quân đội Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đã xả lũ tại đập Tam Hiệp, đập...
Nguồn: [Link nguồn]