Đòn thuế quan của Tổng thống Trump không còn làm khó được Trung Quốc?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nếu Trung Quốc đang tức giận vì bị Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa nước này thì sự tức giận đó được che giấu rất kỹ.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần rồi công bố đòn thuế quan mới nhằm vào một số đối tác thương mại hàng đầu, cả Canada và Mexico đều tuyên bố trả đũa. Hôm 3-2, ông chủ Nhà Trắng đồng ý tạm hoãn áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ cả hai nước này sau khi đạt được thỏa thuận riêng với họ.

Phản ứng chừng mực

Tuy nhiên, mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc vẫn có hiệu lực từ ngày 4-2. Ngay sau đó, Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp đáp trả, bao gồm áp thuế 15% đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp, một số xe tải, ô tô nhập khẩu từ Mỹ.

Trung Quốc cũng tuyên bố khởi động cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google, đồng thời đưa cả hai công ty Mỹ là PVH Corp (công ty quần áo sở hữu các thương hiệu như Calvin Klein) và công ty công nghệ sinh học Illumina vào danh sách trừng phạt tiềm tàng. Ngoài ra, Bắc Kinh dọa đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Những phản ứng này được giới chuyên gia nhận định là "khởi động nhẹ nhàng".

Hồi năm 2018, khi ông Trump khởi động loạt thuế đầu tiên nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố "không sợ một cuộc chiến thương mại". Lần này, Trung Quốc vẫn kêu gọi Mỹ đối thoại và thỏa hiệp.

Các container được dỡ xuống từ một tàu hàng tại cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. Ảnh: THX

Các container được dỡ xuống từ một tàu hàng tại cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. Ảnh: THX

Điều này không có nghĩa là bước đi thuế quan mới nhất nói trên không gây thiệt hại cho Bắc Kinh, một phần vì mức thuế 10% lần này được bổ sung vào hàng loạt thuế quan mà ông Trump đã áp đặt đối với hàng chục tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Sự tự tin của Trung Quốc

Theo đài BBC, phản ứng vừa phải của chính phủ Trung Quốc một phần là do họ không muốn khiến người dân lo lắng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, cũng có lý do là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện không còn phụ thuộc vào Mỹ nhiều như trước.

Bắc Kinh đã củng cố các thỏa thuận thương mại với một loạt quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia.

Chuyên gia Chong Ja Ian tại Trung tâm nghiên cứu Carnegie China nhận định mức thuế bổ sung 10% có thể không mang lại đòn bẩy mà ông Trump mong muốn.

Theo ông Chong, Trung Quốc có lẽ cho rằng họ có thể chịu đứng mức thuế này và đang tỏ ra điềm tĩnh. "Nếu không phải là vấn đề quá lớn, thì không có lý do gì để gây hấn với chính quyền ông Trump" - chuyên gia này nhận định.

Ngoài ra, Bắc Kinh có thể còn nhìn thấy cơ hội khi ông Trump đang gieo rắc sự chia rẽ ngay trong sân sau của Mỹ, thậm chí còn đe dọa áp thuế lên Liên minh châu Âu (EU), chỉ trong tháng đầu tiên ông nhậm chức. Những hành động của nhà lãnh đạo này có thể khiến các đồng minh khác của Mỹ không chắc điều gì đang chờ đợi họ phía trước.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc sẽ muốn thể hiện mình là một đối tác thương mại toàn cầu bình tĩnh, ổn định và hấp dẫn hơn.

"Ẩn mình" chờ cơ hội?

"Chính sách nước Mỹ trên hết của ông Trump sẽ mang đến thách thức và mối đe dọa cho hầu hết quốc gia trên thế giới. Từ góc độ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, sự suy yếu trong vai trò lãnh đạo và uy tín của Mỹ sẽ có lợi cho Trung Quốc" - ông Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (trụ sở ở Washington), nhận định, đồng thời nói thêm trên cấp độ quan hệ song phương, diễn biến này có thể không thuận lợi đối với Bắc Kinh.

Ông John Delury, chuyên gia tại ĐH Yonsei (Hàn Quốc), cũng cho rằng học thuyết "nước Mỹ trên hết" của ông Trump có thể làm suy yếu hơn nữa vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington. Theo ông Delury, sự kết hợp giữa biện pháp thuế quan và đóng băng viện trợ nước ngoài gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Mỹ không quan tâm đến quan hệ đối tác hoặc hợp tác quốc tế.

Với phản ứng như lúc này, Trung Quốc có lẽ hy vọng đạt được một thỏa thuận với Mỹ để tránh mức thuế bổ sung và ngăn quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này rơi vào vòng xoáy mất kiểm soát. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng điều này không thể kéo dài lâu vì cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều xem Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ.

Trung Quốc chắc chắn lo ngại về mối quan hệ với Mỹ và những tác động tiêu cực mà cuộc chiến thương mại mới có thể gây ra cho kinh tế đất nước. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách tận dụng sự chuyển dịch chính trị hiện tại để thu hút cộng đồng quốc tế về phía mình và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Tổng thống Trump có vẻ muốn hoãn lịch nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đòn thuế quan mới đây của Trung Quốc nhằm trả đũa việc Mỹ áp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN