Đòn tập kích kép giúp drone Ukraine hạ xe tăng mai rùa Nga
Lính Ukraine dùng hai drone FPV tập kích liên tiếp cùng một chỗ để xuyên phá giáp mai rùa và vô hiệu hóa xe tăng Nga.
Lữ đoàn Phòng vệ Lãnh thổ số 108 Ukraine ngày 13/7 đăng video triển khai thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV) tự sát nhắm vào một xe tăng T-62 Nga đang đứng yên trước hàng rào "răng rồng" chuyên dùng để ngăn tăng thiết giáp.
Chiếc xe tăng được bọc giáp phủ kín hầu như toàn thân theo dạng mai rùa, biện pháp được lực lượng Nga thường xuyên áp dụng trong những tháng qua nhằm bảo vệ khí tài khỏi các cuộc tập kích của drone FPV tự sát.
Video quay bằng máy bay không người lái (UAV) trinh sát cho thấy một drone FPV lao vào phần trên của giáp mai rùa, tạo ra vụ nổ và cột khói bốc lên dày đặc, song dường như chỉ phá được lớp giáp bên ngoài, không gây thiệt hại cho xe tăng.
Lực lượng Ukraine sau đó triển khai thêm một drone FPV để tung đòn đánh bồi, quả đạn tập kích vào lỗ thủng trên giáp mai rùa mà chiếc drone đầu tiên tạo ra. Đòn đánh làm xe tăng Nga bốc cháy và bị vô hiệu hóa.
"Lính Nga tưởng rằng nếu họ trang bị cấu trúc bảo vệ dạng này lên nóc xe tăng, nó sẽ giúp chiếc xe được bảo vệ tuyệt đối khỏi drone", Lữ đoàn 108 Ukraine bình luận. "Tuy nhiên, tổ vận hành SkyForce thuộc Lữ đoàn đã chứng minh điều ngược lại".
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Drone FPV Ukraine tung đòn tập kích kép vào xe tăng mai rùa Nga trong video đăng ngày 13/7. Video: Lữ đoàn 108 Ukraine
Lực lượng Nga bắt đầu triển khai xe tăng dạng mai rùa từ tháng 4. Tuy không thể chống lại đạn pháo, tên lửa chống tăng hay mìn, nó được coi là phương pháp hiệu quả để ứng phó drone FPV, khí tài đang được sử phổ biến trên chiến trường. Drone FPV thường chỉ mang đầu nổ nặng một hoặc vài kg nên không thể gây sát thương lớn cho xe tăng khi vướng giáp mai rùa.
Chiến thuật "tập kích kép" là phương pháp mà Lữ đoàn 108 sử dụng để khắc phục nhược điểm này, mô phỏng cơ chế gây sát thương của đầu đạn chống tăng.
Theo chuyên gia quân sự David Axe của Forbes, các đầu đạn chống tăng hiện đại thường có hai liều nổ độc lập. Liều nổ đầu tiên sẽ xuyên phá giáp, mở đường cho liều nổ thứ hai lao vào và phát nổ bên trong, tối đa hóa sát thương gây ra.
"Phương pháp tập kích của nhóm SkyForce khi tấn công xe tăng mai rùa đã biến cặp drone trở thành đầu đạn kép như vậy. Một drone khoét lỗ ở lớp giáp mai rùa, tạo điều kiện để chiếc thứ hai lao vào, tung đòn hủy diệt", Axe cho hay.
Một xe tăng Nga với giáp mai rùa thô sơ trong bức ảnh đăng ngày 14/7. Ảnh: Forbes
Dù vậy, việc điều khiển drone FPV đánh trúng cùng một vị trí không phải dễ thực hiện, do đây là khí tài tương đối khó điều khiển. Theo chuyên gia Axe, chưa chắc các đơn vị Ukraine có thể áp dụng nhuần nhuyễn phương pháp này như tổ vận hành drone của Lữ đoàn 108.
Cũng không rõ liệu các xe tăng lắp giáp mai rùa khác của Nga, đặc biệt là các dòng hiện đại hơn T-62, có dễ bị tổn thương như vậy trước chiến thuật tập kích kép bằng drone FPV hay không.
"Không phải giáp mai rùa của xe tăng nào cũng thô sơ như nhau. Một số được chế tạo từ kim loại phế liệu, số khác được thiết kế và lắp đặt cẩn thận hơn, nên mang tới khả năng bảo vệ tốt hơn", chuyên gia của Forbes cho biết.
(PLO)- Các phi công Nga lái tiêm kích Su-30 đã phát triển các chiến thuật chuyên biệt để chống lại tiêm kích F-16 mà các nước phương Tây sắp chuyển tới cho Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]