“Đòn đau” Trung Quốc có thể giáng trả Mỹ nếu tiếp tục bị ép về dịch Covid-19
Các chuyên gia phân tích cho rằng, Trung Quốc đang nắm giữ một "vũ khí" có thể gây thiệt hại nặng về tài chính cho xứ cờ hoa, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump ngày càng có nhiều chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh liên quan đến cách đối phó dịch Covid-19.
Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất khi nắm giữ gần 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ. Nếu bị bán ra một cách thiếu kiểm soát, trái phiếu Mỹ có thể sẽ sụt giảm mạnh về giá trị trên thị trường và gây thiệt hại lớn cho Washington, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Mỹ đang có kế hoạch phát hành thêm một số lượng đáng kể trái phiếu để có tiền bù đắp cho những khoản chi trong dịch bệnh và khôi phục kinh tế.
Cách đây vài tuần, một số hãng truyền thông Mỹ đưa tin, Nhà Trắng đã có cuộc thảo luận về những biện pháp để bù đắp tổn thất kinh tế do dịch Covid-19 gây ra, bao gồm cả việc hủy bỏ một phần hoặc tất cả nghĩa vụ thanh toán khoản nợ gần 1,1 nghìn tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữ thông qua hình thức trái phiếu.
Theo một số chuyên gia, Trung Quốc có thể sử dụng khoản nợ này như một cách thức “tự bảo vệ mình” trước những chỉ trích ngày càng gia tăng từ phía chính quyền Tổng thống Trump liên quan đến nguồn gốc và cách xử lý dịch bệnh.
Tổng thống Donald Trump ngày càng gia tăng sức ép và đe dọa sẽ trừng phạt Trung Quốc do cách phản ứng với Covid-19 (ảnh: AP)
“Thật là điên rồ. Nếu ý tưởng đó được thực hiện, đây có thể là một âm mưu chính trị nhằm vào ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Hành động này có thể hủy hoại nguồn ngân sách vốn đang thâm hụt của Mỹ”, Cliff Tan, chuyên gia nghiên cứu thị trường tại MUFG Bank, nhận xét khi được hỏi về khả năng Trung Quốc “bán tháo” trái phiếu Mỹ trong thời gian sắp tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, Mỹ có thể tăng thêm thuế nhập khẩu để trừng phạt Trung Quốc do những căng thẳng trong quan hệ 2 nước vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, Mỹ không thể hủy bỏ những khoản nợ đang do Trung Quốc nắm giữ vì điều này có thể phản tác dụng và sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư dành cho Washington.
Tuy nhiên, thông tin về ý tưởng “hủy nợ” được đưa ra bởi những quan chức hàng đầu của Mỹ theo như một số hãng tin đăng tải gần đây có thể khiến Trung Quốc lo ngại và có phản ứng, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ giữa 2 nước đang xấu dần, các nhà phân tích nhận định.
“Trong nhiều năm qua, không ít những lời kêu gọi chính phủ Trung Quốc từ bỏ việc nắm giữ quá nhiều trái phiếu của Mỹ. Trong những tháng tới, Trung Quốc có thể dừng mua trái phiếu do Mỹ phát hành để phát đi thông điệp của mình”, Iris Pang - chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ING, cho biết.
Trung Quốc có thể đáp trả bằng cách “bán tháo” trái phiếu Mỹ, theo một số chuyên gia kinh tế (ảnh: SCMP)
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc bán ra hoặc dừng mua trái phiếu trong hoàn cảnh kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn sẽ gây tác động tiêu cực đến ngân sách của chính quyền ông Trump.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng có thể xem xét tăng thuế quan hoặc giảm mua hàng nông sản Mỹ nếu căng thẳng giữa 2 nước không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trước đó, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Tuy nhiên, những cáo buộc về nguồn gốc của Covid-19 đang đặt dấu hỏi lớn về khả năng tiếp tục thực hiện cam kết này của Bắc Kinh.
Chen Zhiwu, giám đốc Viện Châu Á Toàn cầu tại Đại học Hồng Kông, cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung đang giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 40 năm trở lại đây.
Kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng tiêu cực do tác động của dịch bệnh (ảnh: SCMP)
David Chin – nhà sáng lập công ty tư vấn đầu tư Basis Point Consulting, cho rằng, nếu việc xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng bởi trừng phạt thuế quan và không thể dự trữ thêm đồng đô la Mỹ, Trung Quốc có thể bán một số lượng lớn trái phiếu Mỹ rồi thu về đồng nhân dân tệ.
Hành động của Trung Quốc có thể khiến đồng đô la Mỹ sụt giảm mạnh về giá trị và chấm dứt tình trạng “đô la nắm quyền”.
“Cách làm này là kiểu: Tôi chìm, bạn cũng chìm theo. Không thể tiếp cận thị trường Mỹ bằng việc xuất khẩu, Trung Quốc có thể tự tìm cho mình những thị trường khác và dựa vào tiêu dùng nội địa. Họ có thể giao dịch với các quốc gia nằm trong dự án Vành đai Con đường và một số nước khác bằng đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, hành động này cũng khiến Trung Quốc phải nếm ‘trái đắng’”, ông David Chin nhận định.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thôi Thiên Khải - đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, đã lên tiếng kêu gọi Washington “chấm dứt trò chơi đổ lỗi” về dịch...