Đòn đáp trả Ấn Độ nhằm vào Trung Quốc sau cuộc đụng độ chết người

Căng thẳng biên giới Trung-Ấn khiến Ấn Độ không còn mặn mà tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và sẽ thay đổi chính sách với hàng hóa Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Theo SCMP, RCEP là hiệp định thương mại do 15 quốc gia ký kết, trong đó có Trung Quốc. Hiệp định từng mở ra tương lai hứa hẹn vì cơ hội kết nối hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.

Tháng 11.2019, Ấn Độ đã rút khỏi đàm phán hiệp định, nhưng vẫn để ngỏ khả năng tham gia. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tác động tiêu cực đến thị trường Ấn Độ.

Cuộc đụng độ chết người ở biên giới Trung-Ấn hôm 15.6 không chỉ khiến Ấn Độ không còn mặn mà đàm phán RCEP, mà còn là cơ sở để thay đổi chính sách thương mại với Bắc Kinh.

“Căng thẳng biên giới tác động đến toàn bộ các mặt trong mối quan hệ Trung-Ấn”, Madhav Nalapat, giáo sư địa chính trị ở Ấn Độ, nhận định.

Cuộc đụng độ chết người hôm 15.6 ở thung lũng Galwan khiến 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng, 76 người bị thương và một số lượng không xác định quân nhân Trung Quốc thương vong.

Hôm 23.6, các quốc gia tham gia RCEP mong muốn sẽ đàm phán xong vào cuối năm nay và Ấn Độ sẽ tham gia. “Chúng tôi tin rằng sự tham gia của Ấn Độ góp phần vào sự phát triển và thịnh vượng trong khu vực. RCEP vẫn là lựa chọn mở với Ấn Độ”, tuyên bố chung cho biết.

Ở thời điểm hiện tại, hoạt động giao thương và đầu tư của Trung Quốc ở Ấn Độ bị ảnh hưởng mạnh.

Theo tờ India Today, kể từ tuần này, hải quan tại các cảng biển của Ấn Độ sẽ siết chặt kiểm soát hàng hóa Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn để được nhập khẩu vào Ấn Độ, vì chưa có lệnh cấm toàn diện.

Cùng ngày, giới chức bang Maharashtra ở Ấn Độ thông báo ngừng dự án trị giá 500 triệu USD với nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall Motors.

Giới chức bang giải thích rằng cần phải chờ chỉ thị mới từ chính quyền liên bang, theo Reuters.

Ngày 23.6, Ấn Độ yêu cầu người bán hàng trên chợ trực tuyến do chính phủ quản lý phải nêu rõ nguồn gốc hàng hóa xuất xứ, dù không nhắc trực tiếp đến hàng hóa Trung Quốc.

Hôm 25.6, tờ Bloomberg đưa tin, Ấn Độ sẽ áp đặt các biện pháp kiểm tra chất lượng và đánh thuế nặng hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhà chức trách Ấn Độ đã lên danh sách đối với ít nhất 370 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, để đảm bảo rằng các mặt hàng này sẽ chỉ được sản xuất trong nước và không tiếp tục nhập khẩu, nguồn tin giấu tên cho biết.

Các mặt hàng bao gồm hóa chất, thép, điện tử, máy móc hạng nặng, đồ nội thất, giấy, máy móc công nghiệp, cao su, thủy tinh, đồ kim loại, dược phẩm, phân bón và đồ chơi bằng nhựa.

Các mặt hàng Trung Quốc nằm trong diện tăng thuế nhập khẩu vào Ấn Độ bao gồm đồ nội thất, máy nén dùng cho điều hòa không khí và các linh kiện xe hơi. Giới chức Ấn Độ hiện chưa thông báo sẽ tăng thuế nhập khẩu thêm bao nhiêu % đối với hàng hóa Trung Quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Ấn Độ tố Trung Quốc dàn quân ở biên giới tranh chấp

Trung Quốc đã đưa một lượng lớn binh sĩ và vũ khí dọc vùng tranh chấp ở dãy Himalaya, vi phạm thỏa thuận song phương,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN