Đòn của Trung Quốc nhắm vào quốc gia châu Âu cho Đài Loan mở văn phòng đại diện?
Sản lượng hàng hóa Litva xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh vào tháng 12.2021, sau khi văn phòng đại diện Đài Loan tại Litva chính thức bắt đầu hoạt động vào ngày 18.11.2021.
Một tàu chở hàng từ Litva chuyển sang cập cảng Đài Loan, thay vì Trung Quốc.
Trung Quốc ngày 20.1 công bố dữ liệu hải quan, cho thấy hàng hóa từ Litva xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 91,4% vào tháng trước, so với cùng kỳ năm 2020.
So sánh với tháng 11.2021, sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Litva sang Trung Quốc giảm 91,1%. Trong nhiều tuần qua, các nhà xuất khẩu ở Litva phàn nàn về việc bị đóng băng hàng hóa xuất sang Trung Quốc.
Căng thẳng leo thang giữa Litva và Trung Quốc, sau khi văn phòng đại diện Đài Loan hoạt động ở nước này kể từ tháng 11.2021.
Không lâu sau đó, các doanh nghiệp nói Litva bị xóa khỏi danh sách thông quan với Trung Quốc, nghĩa là không thể thực hiện các chuyến hàng.
Chỉ 3,8 triệu USD giá trị hàng hóa được Litva xuất sang Trung Quốc vào tháng 12.2021, so với mức 43,1 triệu USD cùng kỳ năm 2020, hoặc 42,8 triệu USD của tháng 11.2021.
Trung Quốc là đối tác chính nhập khẩu hợp kim đồng-kẽm chưa gia công và các sản phẩm từ gỗ của Litva, cũng như nhiều mặt hàng khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay chưa từng khẳng định cấm hàng hóa từ Litva xuất khẩu sang nước này. Bắc Kinh cho rằng, các doanh nghiệp trong nước tẩy chay hàng hóa từ các quốc gia “đe dọa chủ quyền Trung Quốc”.
Giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách gặp quan chức Trung Quốc để làm rõ vấn đề trên. Nhưng phía Trung Quốc luôn lấy lý do “bận chống dịch Covid-19”, yêu cầu EU tôn trọng các quy định của hải quan.
Vidmantas Janulevicius, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Litva, nói tình hình vẫn chưa được cải thiện. “Các công ty Litva đang cố gắng đòi lại tiền hoặc nhận lại hàng hóa mắc kẹt tại các cảng biển Trung Quốc”, ông Janulevicius nói.
Nhiều công ty Đức, Pháp, Thụy Điển cũng bị chặn các đơn hàng xuất khẩu tới Trung Quốc, vì trong lô hàng có sản phẩm nguồn gốc từ Litva. Điều này khiến giới chức châu Âu đau đầu.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu ngần ngại nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì lo ngại bị tẩy chay hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc.
Pháp, quốc gia mới nhận ghế Chủ tịch Hội đồng châu Âu, tuyên bố sẽ đẩy nhanh các biện pháp đáp trả. “Chúng tôi chỉ trích các hành động cưỡng ép của Trung Quốc. EU có cơ sở pháp lý đáp trả và chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến trình để các biện pháp cưỡng chế của Trung Quốc liên quan đến Litva chấm dứt”.
Hôm 18.1, các nhà lập pháp châu Âu kêu gọi EU cần có hành động kiên quyết hơn nữa với Trung Quốc, nếu không sẽ phải đối mặt với sự cưỡng ép lớn hơn từ Bắc Kinh.
Trong một lá thư gửi tới lãnh đạo EU, một nhóm 41 nhà lập pháp nói EU không hành động “chỉ càng làm suy yếu sự thống nhất của liên minh, khiến Trung Quốc càng lấn tới, giảm vai trò của EU trên toàn cầu”.
Tuần này, Slovenia là quốc gia châu Âu mới nhất hứng chịu sự chỉ trích từ Trung Quốc, khi xác nhận có kế hoạch cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện để thúc đẩy quan hệ hợp tác.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Lithuania vừa nói rằng quyết định cho phép Đài Loan (Trung Quốc) mở văn phòng đại diện ở Vilnius sử dụng tên...