Đòn bẩy cho đương kim Tổng thống Mỹ

Sự kiện: Tin tức Mỹ Joe Biden

Người đứng đầu Nhà Trắng Joe Biden ngày 8/3 (giờ Việt Nam) đã có bài phát biểu quan trọng trước lưỡng viện Quốc hội. Đây là Thông điệp liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông và nó được đánh giá là đòn bẩy cho ông trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới, khi ông phải thuyết phục cử tri rằng, mình xứng đáng ở lại Nhà Trắng.

Xoa dịu những lo lắng

Trong bài phát biểu quan trọng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến nhiều thành tựu đối nội, cũng như những cam kết của ông nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay. Ông đã dành thời lượng khá lớn trong bài phát biểu của mình để nói về tình hình kinh tế, vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ. Ông nêu rõ, khi ông nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đang ở bờ vực khủng hoảng, tuy nhiên nền kinh tế Mỹ hiện đang là “nỗi ghen tị của thế giới”.

Nhấn mạnh mục đích của ông là cắt giảm thâm hụt liên bang 3.000 tỷ USD bằng cách đánh thuế các tập đoàn lớn và giới siêu giàu, Tổng thống Joe Biden cho biết, mức thuế tối thiểu doanh nghiệp sẽ được tăng lên ít nhất 21% và ông đề xuất mức thuế tối thiểu 25% đối với các tỷ phú ở Mỹ, điều sẽ giúp mang lại 500 tỷ USD trong 10 năm tới.

Bên cạnh đó, ông cũng nêu bật những điều chính quyền của ông đã và sẽ làm để giúp cải thiện cuộc sống của người dân Mỹ qua cam kết sẽ tiếp tục giảm giá thuốc kê đơn đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục duy trì Đạo luật chăm sóc sức khỏe gia cả phải chăng và đảm bảo bảo hiểm y tế cho hàng triệu người dân Mỹ.

Tổng thống Joe Biden cho rằng, nước Mỹ đang phải đối mặt với một “thời điểm chưa từng có”. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Joe Biden cho rằng, nước Mỹ đang phải đối mặt với một “thời điểm chưa từng có”. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Joe Biden cũng cho biết sẽ tạo điều kiện cho người dân mua nhà với ưu đãi tín dụng thuế hằng năm, cắt giảm quan liêu để các công ty xây dựng được tiếp cận các nguồn tài chính liên bang nhằm xây 1,7 triệu ngôi nhà trên cả nước, xây mới và cải tạo 2 triệu ngôi nhà để giúp giảm giá thuê nhà. Quyền sinh sản cũng là đề tài chủ chốt trong bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden, với cam kết đưa quyền phá thai của phụ nữ trở lại các bộ luật của Mỹ.

Tổng thống Joe Biden cũng gửi thông điệp rõ ràng tới nhóm cử tri trẻ khi đề cập đến chính sách khí hậu và chống bạo lực súng đạn của mình. Ông nhấn mạnh, nước Mỹ đang tạo nên lịch sử bằng cách đối đầu với cuộc khủng hoảng khí hậu và chính quyền của ông có kế hoạch giảm một nửa phát thải carbon vào năm 2030, tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, xây dựng 500.000 trạm sạc xe điện, tiết kiệm 30% đất và nước ở Mỹ vào năm 2030. “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” của ông cũng đã giúp giảm tỷ lệ tội phạm giết người và tỷ lệ tội phạm xuống một trong những mức thấp nhất trong vòng 50 năm.

Đề cập tới vấn đề an ninh biên giới, Tổng thống Joe Biden cho biết, tháng 11 năm ngoái, đội ngũ của ông đã bắt đầu đàm phán với một nhóm các Thượng nghị sỹ lưỡng đảng và kết quả là một dự luật lưỡng đảng với các biện pháp cải cách an ninh biên giới cứng rắn nhất từ trước tới nay. Dự luật này sẽ thuê thêm 1.500 nhân viên an ninh biên giới, thêm 100 thẩm phán nhằm giải quyết hàng triệu trường hợp di cư xin vào Mỹ. Dự luật này cũng sẽ cho phép Tổng thống có thẩm quyền khẩn cấp đóng cửa biên giới tạm thời khi số người di cư ở biên giới quá tải. Tổng thống Joe Biden hy vọng Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ thông qua dự luật này.

Về đối ngoại, ông kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, nhấn mạnh chính quyền Kiev đang đề nghị hỗ trợ quân sự và vũ khí, chứ không phải binh lính để giúp chống lại Nga trong cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 3. Ông tuyên bố, Mỹ sẽ không điều quân tới Ukraine. Đề cập tới quan hệ với Trung Quốc, ông tuyên bố Washington muốn cạnh tranh với Bắc Kinh nhưng không muốn xung đột. Ông cũng khẳng định đã tái khởi động quan hệ đối tác và liên minh của Mỹ ở Thái Bình Dương và đảm bảo rằng, những công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ không thể được sử dụng trong sản xuất vũ khí của Trung Quốc.

Liên quan đến cuộc xung đột tại Trung Đông, Tổng thống Joe Biden tuyên bố giải pháp hai nhà nước là giải pháp duy nhất, đồng thời đề nghị các nhà lãnh đạo Israel ngay lập tức viện trợ nhân đạo cho người Palestine. Ông nhấn mạnh, cứu và bảo vệ những sinh mạng vô tội phải là ưu tiên hàng đầu. Ông cũng tuyên bố sẽ thực hiện các hành động để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI), nỗ lực xây dựng chính sách kiểm soát súng đạn.

Màn so găng của những “người cũ”

Với các kết quả trong bầu cử “Siêu thứ Ba” và không có đối thủ cạnh tranh, ông Joe Biden và ông Donald Trump chỉ cần một thời gian ngắn nữa là chính thức có đủ số phiếu đại biểu cần thiết để “danh chính ngôn thuận” đối đầu với nhau. Cho đến thời điểm này thì người dân Mỹ đã bắt đầu chuyển sang đánh giá xem ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Hiện, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden tiếp tục tái đắc cử có vẻ thấp hơn đối thủ Donald Trump, nhưng không phải không có cơ hội lật ngược. Theo đó, mặc dù tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của các cử tri trung thành, mức độ dẫn đầu của cựu Tổng thống Donald Trump đang có xu hướng giảm. Kết quả một số cuộc thăm dò cũng cho thấy vị thế của ông Joe Biden đang dần ổn định trong cuộc đua vào Nhà Trắng và sự trỗi dậy của ông Donald Trump đã hạ nhiệt. Đặc biệt tại các bang chiến địa, tỷ lệ ủng hộ ông Joe Biden cũng ngang ngửa, thậm chí có bang còn vượt trội hơn so với đối thủ.

Theo giới quan sát, kết quả bầu cử và chiến thắng của ông Donald Trump trong bầu cử “Siêu thứ Ba” có thể khiến đảng Cộng hòa thay đổi cương lĩnh tranh cử, quan điểm chính trị, đặc biệt là chính sách đối ngoại trong thời gian tới. Trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, lãnh đạo đảng Cộng hòa đã nhiều lần phản đối các quyết định của ông, đặc biệt là về các chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, sự phản đối với các quan điểm chính sách của ông Trump trong đảng Cộng hòa đang giảm dần, ví dụ như đa số thừa nhận Mỹ nên đứng ngoài các vấn đề toàn cầu, đồng thuận phản đối việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine… Trong trường hợp Tổng thống Joe Biden tái cử, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục xu hướng chính sách đối ngoại ủng hộ chủ nghĩa đa phương nhưng mang tính thực dụng hơn nhằm củng cố vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ. Chính quyền ông Joe Biden tiếp tục can dự sâu rộng với LHQ, Liên minh châu Âu (EU), tái tham gia các thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu năng lượng xanh… nhưng thực dụng hơn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại khi nỗ lực xây dựng các thể chế mới như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), thay vì thúc đẩy các thỏa thuận kiểu cũ hoặc các thỏa thuận thương mại song phương (FTA).

Một điểm đáng lưu ý, trận tái đấu này là cuộc tranh cử mà rất ít người Mỹ mong muốn. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cả hai đều có tỷ lệ cử tri ủng hộ thấp. Đây là cuộc tranh cử lặp lại đầu tiên giữa hai vị tổng thống Mỹ kể từ năm 1956. Cuộc bầu cử tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ sâu sắc ở một đất nước vốn nhiều mâu thuẫn do sự phân cực chính trị, nhất là sau màn tranh cử gây tranh cãi giữa hai ứng cử viên này năm 2020.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, nếu ông tái đắc cử thì cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ một lần nữa tìm cách lật ngược kết quả bầu cử.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khổng Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN