Dòm ngó lãnh thổ một loạt nước Trung Á, Trung Quốc bị phản ứng mạnh
Trong lúc yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông đang gây bão dư luận, Bắc Kinh gần đây tiếp tục đưa ra yêu sách "lịch sử" tương tự đối với vùng núi Pamir ở nước láng giềng Tajikistan.
Đáng chú ý, vùng Pamir được biết đến là khu vực giàu trữ lượng vàng, bạc, đồng, đá quý, tài nguyên hydrocarbon... và thậm chí là urani.
Hai trang web nổi tiếng ở Trung Quốc gần đây đã đăng lại bài viết của sử gia Cho Yao Lu, theo đó cho rằng "toàn bộ vùng Pamir ở Tajikistan từng thuộc về Trung Quốc và nên được trả lại (cho Bắc Kinh)".
Theo bài viết, sau sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh (1644-1911), một số lãnh thổ đã bị chiếm giữ thời Trung Hoa Dân quốc (1911-1949). Đã có vài lãnh thổ lấy lại được nhưng vùng Pamir vẫn bên ngoài Trung Quốc trong 128 năm qua vì sức ép của các cường quốc thế giới.
Vùng núi Pamir của Tajikistan. Ảnh: iStock Images
Bài viết dẫn đến phản ứng giận dữ của chính phủ Tajikistan. Trong cuộc trao đổi với Đại sứ Trung Quốc Liu Bing tại thủ đô Dushanbe hôm 22-7, Thứ trưởng Ngoại giao Tajikistan Khusrav Noziri gọi bài viết là không thể chấp nhận, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh phải có các biện pháp cần thiết để ngăn việc đăng tải những nội dung như thế trên truyền thông.
Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc chọc giận Tajikistan vài ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 16-7 có cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp của 5 nước Trung Á. Phát biểu tại cuộc họp, ông Vương nhận định: "Trung Quốc luôn tin rằng Trung Á có vị trí chiến lược quan trọng trên trường quốc tế hôm nay".
Đây không phải là bài viết đầu tiên gây tranh cãi khi đề cập đến chủ quyền của Bắc Kinh đối với lãnh thổ của một nước Trung Á trong năm 2020.
Trang Tuotiao.com, trụ sở ở Bắc Kinh, đăng bài viết có tựa đề "Tại sao Kyrgyzstan không quay về với Trung Quốc sau khi độc lập?".
Bài viết giải thích rằng thời Đế quốc Mông Cổ, 510.000 km vuông của Kyrgystan (tương đương toàn bộ lãnh thổ nước này) là một phần lãnh thổ Trung Quốc nhưng bị đế quốc Nga chiếm giữ. Bài viết cho rằng cũng như Mông Cổ, Kyrgystan từng là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó, trang Sohu.com (cũng đặt trụ sở ở Bắc Kinh) hồi tháng 4 cũng cho đăng bài viết có tựa đề: "Tại sao Kazakhstan háo hức quay về với Trung Quốc?", trong đó có nội dung cho rằng "Kazakhstan nằm trên phần lãnh thổ mà trước đây thuộc về Trung Quốc".
Bộ Ngoại giao Kazakhstan hôm 14-4 đã triệu Đại sứ Trung Quốc Zhang Xiao đến để phản đối nội dung này.
Thứ trưởng Ngoại giao Tajikistan Khusrav Noziri (phải) trao đổi với Đại sứ Trung Quốc Liu Bing tại Tajikistan hôm 22-7. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Tajikistan
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, một số nước Trung Á từng thuộc Liên Xô, như Kazhakhstan và Tajikistan đều gặp khó khăn về kinh tế và chính trị.
Ngoài việc cung cấp các khoản vay cho các nước này, Trung Quốc còn tận dụng sự thiếu ổn định về kinh tế chính trị để điều chỉnh hiệp định biên giới với Kazakhstan (năm 1994), Kyrgyzstan (1996) và Tajikistan (2002).
Sau năm 1991, Bắc Kinh đầu tư nhiều vào Trung Á, nhất là sau khi công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc thậm chí còn sử dụng ngoại giao nợ tại Kyrgyzstan và Tajikistan.
Vào năm 2016, phân nửa khoản nợ bên ngoài của Kyrgyzstan (1,4 tỉ USD) và Tajikistan (1,1 tỉ USD) là các khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Lợi dụng tình cảnh không thể trả nợ của các nước này, Bắc Kinh đã buộc họ nhượng lại các mỏ và đất nông nghiệp.
Việc phân định biên giới giữa Trung Quốc và Tajikistan bắt đầu vào năm 1999. Theo thời gian, Tajikistan đã nhượng 200 km vuông lãnh thổ cho Trung Quốc. Đến năm 2002, hai bên ký thỏa thuận trước đó về việc nhượng 1.000 km vuông đất ở vùng núi Pamir cho Trung Quốc. Dù vậy, mãi đến năm 2011, thỏa thuận này mới được quốc hội Tajikistan phê chuẩn để được Bắc Kinh xóa nợ.
5 năm sau đó, Tajikistan cho phép Trung Quốc mở một căn cứ quân sự trong bối cảnh vẫn còn nợ Bắc Kinh đầm đìa. Bắc Kinh hiện là chủ nợ của hơn phân nửa nợ nước ngoài của Dushanbe.
Nguồn: [Link nguồn]
Mực nước tại đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đạt mức kỷ lục vào ngày 21.8, dấy lên rủi ro nước tràn đập,...