Đội tiêm kích MiG-15 Triều Tiên từng khiến Mỹ khiếp sợ

Một lần, 30 tiêm kích MiG-15 Triều Tiên lao vút qua phi đội 100 máy bay Mỹ, bắn hạ một phần ba máy bay ném bom B-29, khiến người Mỹ khiếp sợ.

Đội tiêm kích MiG-15 Triều Tiên từng khiến Mỹ khiếp sợ - 1

Tiêm kích MiG-15 của Liên Xô.

Liên Xô đã cung cấp cho Triều Tiên và Trung Quốc hàng trăm máy bay tiêm kích MiG-15. Những máy bay này tham chiến vào ngày 1.11.1950  và liên tiếp bắn rơi máy bay phe đồng minh.

MiG-15 dễ dàng đạt tốc độ vượt trội, di chuyển linh hoạt và có hỏa lực mạnh hơn bất cứ máy bay Mỹ và Anh nào khác, kể cả F-86 Saber của Mỹ. Với khẩu pháo 37mm gắn phía trước, tiêm kích này có thể giáng đòn mạnh mẽ vào đối phương, đặc biệt là khi được điều khiển bởi phi công điêu luyện của Liên Xô, được bí mật cử sang hỗ trợ Triều Tiên.

Chỉ riêng một ngày năm 1951, nhóm 30 tiêm kích MiG-15 lao vút qua hàng ngũ 100 máy bay Mỹ, xé nát đội hình oanh tạc cơ B-29. Một phần ba số máy bay ném bom Mỹ bị bắn rụng trong khi Triều Tiên không mất một chiếc nào.

Kinh hãi trước tổn thất lớn như vậy, chỉ huy Mỹ đã phải ra lệnh ngừng toàn bộ nhiệm vụ tác chiến trên không. MiG-15 chính là chiếc tiêm kích làm thay đổi cán cân sức mạnh trong Chiến tranh Triều Tiên.

Để tìm cách bắn rơi phi cơ MiG-15, các chỉ huy Mỹ đã đặt ra nhiệm vụ phải thu được ít nhất một chiếc còn hoạt động được. Nhưng nhiệm vụ đó không hề dễ dàng.

Chiến dịch Moolah

Năm 1952, các lực lượng Mỹ đã lập ra chiến lược lôi kéo các phi công bất mãn lái chiếc MiG-15, dù đó là phi công Trung Quốc, Triều Tiên hay Liên Xô.

Đội tiêm kích MiG-15 Triều Tiên từng khiến Mỹ khiếp sợ - 2

Truyền đơn Mỹ thả xuống Triều Tiên để thu hút phi công đào tẩu.

Để có được máy bay MiG-15 còn nguyên vẹn, Mỹ sẵn sàng trả 50.000 USD tiền mặt cho các phi công đào thoát cùng với quyền tị nạn chính trị tại bất cứ quốc gia phương Tây nào do họ chọn. Phi công đào tẩu đầu tiên còn nhận thêm 100.000 USD.

Chiến dịch Moolah nếu thành công không chỉ mang lại cho quân đội Mỹ khí tài quân sự có giá trị của Liên Xô mà còn thể hiện chiến thắng địa chính trị quan trọng.

Từ tháng 4.1953, Lầu Năm Góc mở cuộc chiến truyền thông mạnh mẽ. Các chương trình phát thanh từ Nhật Bản nói về các khoản tiền thưởng hậu hĩnh. Các máy bay B-29 thả truyền đơn đến khu vực căn cứ không quân Trung Quốc và Triều Tiên dọc theo sông Áp Lục. Hơn một triệu truyền đơn được thả trong tháng 4 và tháng 5.

Kết quả thu được hết sức thất vọng. Cho đến khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc ngày 27.7.1953, không có phi công nào đào tẩu. Mặc dù ở châu Âu, một phi công Ba Lan đã bỏ trốn khỏi châu Âu với chiếc MiG-15.

Bất ngờ thành công?

Đội tiêm kích MiG-15 Triều Tiên từng khiến Mỹ khiếp sợ - 3

Chiếc MiG-15 phi công Triều Tiên No Kum-Sok bàn giao cho không quân Mỹ.

Trên thực tế, chiến dịch Moolah không hoàn toàn thất bại. Trong các ngày sau các đợt rải truyền đơn và phát thanh tuyên truyền, phi công phe đồng minh phương Tây nhận thấy có sự sụt giảm đột ngột hoạt động của tiêm kích MiG.

Bên cạnh đó, các máy bay MiG trong giai đoạn tháng 5.1953 cũng dễ dàng bị phe đồng minh bắn hạ. Dường như phi công lão luyện của Liên Xô - được cho là bắn hạ gần 2.000 máy bay Liên Hợp Quốc từ năm 1950 đã không còn cất cánh hỗ trợ Triều Tiên.

Phía Mỹ kết luận rằng, Liên Xô đã rút phi đội MiG-15 vì lo ngại mất máy bay và phi công dày dạn kinh nghiệm.

Khoản tiền 100.000 USD

Nếu chiến dịch Moolah không hoàn toàn thất bại, vậy khoản tiền thưởng 100.000 USD về tay ai? Sáng ngày 21.9.1953, gần hai tháng sau khi hiệp ước đình chiến trên bán đảo Triều Tiên được ký kết, một tiêm kích MiG-15 bất ngờ hạ cánh xuống căn cứ không quân Kimpo, gần Seoul (Hàn Quốc). Thật bất ngờ, phi công có tên No Kum-Sok nói mình không hề biết đến khoản tiền thưởng trong chiến dịch Moolah.

Đội tiêm kích MiG-15 Triều Tiên từng khiến Mỹ khiếp sợ - 4

Phi công Triều Tiên đào tẩu không hề biết gì về chiến dịch Moolah.

Sau khi được giải thích, anh ta khẳng định phi công Triều Tiên sẽ không đào tẩu vì không hiểu rõ trị giá của đồng tiền Mỹ. Phi công trẻ này sau đó vẫn nhận được 100.000 USD.

Chiếc MiG-15 của No được đem về Okinawa (Nhật Bản) để phi công Mỹ kiểm tra và bay thử nghiệm. Mỹ từng cố gắng trả chiếc MiG-15 lại cho Triều Tiên nhưng không thành công. Hiện máy bay này vẫn đang được trưng bày tại bảo tàng Không quân Quốc gia Mỹ.

Trở lại câu chuyện về chàng phi công trẻ Triều Tiên, sau khi được cấp quốc tịch Mỹ, No Kum-Sok chuyển đến sống ở Mỹ, lấy bằng kỹ sư tại Đại học Delaware. Kết thúc sự nghiệp trong ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ, No trở thành giáo sư và viết một cuốn sách kể lại hành trình đào tẩu của mình. Cuốn sách xuất bản năm 1996. No Kum-Sok vẫn còn sống đến ngày nay ở tuổi 84.

Sau này, Mỹ tiếp tục sử dụng chiến thuật này nhằm tịch thu phương tiện quân sự của đối phương. Năm 1966, Mỹ khởi động chiến dịch Fast Buck với lời hứa trả 35.000 USD cho chiếc MiG-21 và trực thăng Mil Mi-6 trong Chiến tranh Việt Nam.

Cũng trong năm 1966, chiến dịch Diamond đã thành công trong việc tịch thu 1 chiếc MiG-21 của phi công Iraq đào tẩu. Nhờ vậy mà năm 1967, trong trận chiến trên không tại cao nguyên Golan, không quân Israel bắn rơi 6 máy bay MiG-21 của Syria mà không thiệt hại bất cứ phi cơ nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Military History Now ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN