Đội tàu sân bay Mỹ “nắn gân” tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương
Tàu sân bay hạt nhân USS Harry Truman đã có mặt ở Đại Tây Dương sau khi khởi hành từ Địa Trung Hải, động thái nhằm đáp trả hoạt động do thám của các tàu ngầm Nga ở ngoài khơi bờ đông nước Mỹ.
Cận cảnh tàu sân bay hat nhân USS Harry Truman của Mỹ.
Theo Sputnik, tuần trước, đội tàu sân bay hạt nhân USS Harry Truman đã đi qua eo biển Gibraltar, sau nhiều ngày cập cảng Marseille ở miền nam nước Pháp.
Với việc xâm nhập vào Đại Tây Dương, tàu sân bay Mỹ bước vào vùng biển mang ý nghĩa chiến lược mà Mỹ đã bỏ quên kể từ gần một thập kỷ qua.
Hộ tống tàu sân bay Truman có 6 tàu khu trục tên lửa đẫn đường và một khinh hạm tên lửa của Đức. Đây là một trong những con tàu nổi có năng lực chống ngầm mạnh nhất của NATO ở thời điểm hiện tại. Những con tàu như vậy thường không xuất hiện ở Đại Tây Dương, theo Sputnik.
Các chuyên gia hàng hải nhận định, hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry Truman ở Đại Tây Dương thể hiện hai chiến lược của Lầu năm Góc.
Một là “mở cuộc chạy đua sức mạnh” với Nga trong khu vực và hai là thể hiện chiến lược “không thể đoán định trước”, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
Các quan chức Mỹ và NATO từ lâu đã cảnh báo về hoạt động của tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương. “Nga đầu tư mạnh mẽ vào năng lực hải quân, đặc biệt là tàu ngầm. Ở Đại Tây Dương, các tàu ngầm Nga gần như không có đối thủ”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hồi tháng 12.2017.
Động thái điều tàu sân bay của Mỹ được cho là nhằm đáp trả hoạt động của tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương.
“Hoạt động của các tàu ngầm Nga đã đạt đến mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh”, các quan chức NATO nói, nhấn mạnh rằng đội tàu ngầm Nga ngày càng hoạt động gần bờ đồng minh NATO hơn.
Lực lượng ngầm dưới biển của Nga “đang thách thức hệ thống phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu của NATO. Điều này giúp cho họ chiếm ưu thế nếu xung đột nổ ra trong tương lai”, Đô đốc James Foggo, chỉ huy hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi nói.
Trong khi đó, Đô đốc John Perkins, phát ngôn viên hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi từ chối tiết lộ nhiệm vụ của nhóm tác chiến tàu sân bay Truman. Nhưng ông Perkins khẳng định tàu sân bay USS Harry Truman sẽ tiếp tục hoạt động bảo vệ lợi ích của Mỹ và NATO trong khu vực.
Bryan Clark, chuyên gia về quân sự nhận định, sự xuất hiện của nhóm tác chiến tàu sân bay Truman là cơ hội để các tàu khu trục Mỹ diễn tập khả năng chống ngầm với đồng minh Anh, Pháp.
“Các đồng minh của Mỹ ngoài khơi Đại Tây Dương cần được huấn luyện chống ngầm”, ông Clark nói, nhấn mạnh rằng “họ sẽ tập trận cùng tàu Anh tàu Pháp để săn tàu ngầm Nga”.
Hải quân Anh và Nga thời gian qua từng nhiều lần đụng độ nhau ở phía bắc Đại Tây Dương. Hồi tháng Giêng, khinh hạm HMS Westminster được điều đi chặn nhóm tàu Nga ở eo biển Anh.
Hồi tháng 5, Sputnik đưa tin, hải quân Mỹ đã tái khởi động Hạm đội 2, phụ trách mặt trận Đại Tây Dương trước “mối đe dọa gia tăng từ Nga”.
Cơ quan chỉ huy Hạm đội 2 đã chính thức hoạt động trở lại kể từ đầu tháng 7. Điều đáng chú ý là cơ quan chỉ huy này và cảng nơi tàu Truman đóng quân đều đặt tại Norfolk, bang Virginia.
Quốc gia hợp tác với Trung Quốc sẽ được thu về một khoản tiền lớn.