Đội tàu cá TQ đông chưa từng thấy gần quần đảo Ecuador: Chuyên gia phản bác Ngoại trưởng Mỹ

Truyền thông Trung Quốc cho rằng Mỹ đang lợi dụng các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc để gây bất hòa và kích động xung đột.

Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Marinetime Executive

Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Marinetime Executive

Tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 14/8 đưa tin, các chuyên gia hải dương học cấp cao của Trung Quốc đã chỉ trích các quan chức Mỹ, trong đó có cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vì không quan tâm đến môi trường và luôn có ý định thổi bùng ngọn lửa chống Trung Quốc trên toàn cầu. 

Cáo buộc và phản bác

Trong động thái mới nhất của mình, ông Pompeo cáo buộc đội tàu đánh cá thương mại của Trung Quốc "thường xuyên vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển, đánh bắt cá trái phép và hoạt động đánh bắt quá mức", nhắc đến vụ việc liên quan tới đội tàu cá với hơn 200 tàu gắn cờ Trung Quốc xuất hiện gần khu bảo tồn biển Galapagos của Ecuador.

Phản bác lại cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ, đại sứ quán Trung Quốc tại Ecuador tuyên bố, các tàu cá Trung Quốc hoạt động thường xuyên và hợp pháp tại vùng biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Galapagos và không gây ra mối đe dọa với bất kỳ ai.

Ông Pompeo cáo buộc đội tàu đánh cá đã tham gia vào hoạt động đánh bắt cá "trái phép, không báo cáo, không kiểm soát" (IUU) và "cố ý phá hoại môi trường".

Li Gang, trưởng phái đoàn Ủy ban khoa học Trung Quốc thuộc Tổ chức quản lý nghề cá khu vực Nam Thái Bình Dương (SPRFMO), cho biết đội tàu cá Trung Quốc là các tàu đánh cá hợp pháp được chính phủ Trung Quốc cấp phép và được đăng ký với SPRFMO theo các quy định liên quan đến bảo tồn và các biện pháp quản lý ngư nghiệp.

SPRFMO là một tổ chức liên chính phủ, cam kết bảo tồn lâu dài và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thủy sản ở Nam Thái Bình Dương, đồng thời bảo vệ các hệ sinh thái biển nơi có nguồn tài nguyên thủy sản.

"Không có tàu cá Trung Quốc nào được đưa vào danh sách IUU của SPRFMO kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 2013", ông Li cho biết hôm 12/8.

Một số phương tiện truyền thông cho rằng ngư dân Trung Quốc đã giết hại các loài được bảo vệ như cá mập để lấy vây, đăng tải các bức ảnh các nhân viên thực thi pháp luật đang kiểm tra vây cá mập trên tàu cá để làm bằng chứng. Tuy nhiên, ông Li cho biết không có bằng chứng xác định quốc tịch của con tàu trong các bức ảnh.

Hơn nữa, SPRFMO chưa thực hiện kiểm tra tàu cá vì vậy các nhân viên thực thi pháp luật không thể lên tàu cá để kiểm tra. Ông Li cho rằng các phương tiện truyền thông đưa thông tin như vậy là cố tình gây nhầm lẫn cho độc giả.

Theo Hoàn cầu, một số phương tiện truyền thông khác đưa tin các tàu đánh bắt mực của Trung Quốc là hợp pháp nhưng sau đó lại tuyên bố hoạt động của các tàu này vi phạm việc bảo vệ khu bảo tồn hải dương và gây hại cho cá mập.

Ông Li giải thích rằng hoạt động đánh bắt mực thường diễn ra vào ban đêm và những người câu mực dùng đèn chiếu sáng trên cao để thu hút mực tập trung tại khu vực có bóng của con thuyền. Sau đó, ngư dân bắt chúng bằng một dụng cụ đặc biệt không cần mồi.

Cũng theo ông Li, các ngư cụ mà ngư dân Trung Quốc sử dụng đã được chọn lọc và thân thiện với môi trường. Điều này nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. "Không có chuyện 'bắt nhầm' các loài như chim biển, cá mập, rùa và các động vật có vú đang được bảo vệ khác", Hoàn cầu dẫn lời ông Li chia sẻ hôm 12/8.

Hợp tác chung

Ngoại trưởng Ecuador cho biết nước này sẽ khảo sát các đội tàu đánh cá của Trung Quốc ở gần quần đảo Galapagos và dự kiến tổ chức đàm phán song phương với Trung Quốc về hoạt động đánh bắt cá của nước này ở gần quần đảo Galapagos.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin, cho biết, Trung Quốc và Ecuador đã có những trao đổi hữu nghị trong những ngày qua thông qua các kênh song phương.

Cơ quan kiểm ngư Trung Quốc quyết định cấm đánh bắt ở vùng biển phía tây quần đảo Galapagos từ tháng 9 đến tháng 11/2020. Động thái này được Ecuador đánh giá cao, theo ông Wang.

"Việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá 3 tháng tại khu vực gần quần đảo Galapagos không phải do áp lực từ phía Mỹ mà là để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu vực", Chen Xinjun, trưởng nhóm công nghệ Squid Jigging, thuộc Hiệp hội nghề cá xa bờ Trung Quốc, chia sẻ với Hoàn cầu.

"Lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng đi đầu trong việc quản lý ngư nghiệp", theo chuyên gia Li.

Hồi đầu tháng 6, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt với các tàu Trung Quốc tại ngư trường quan trọng này, bao gồm lệnh cấm đánh bắt ở tây nam Đại Tây Dương từ tháng 7 - 9/2020 và phía đông Thái Bình Dương từ tháng 9 - 11/2020, nhằm bảo vệ nguồn mực cũng như quá trình sinh sản của loài này.

Nguồn: [Link nguồn]

Đội tàu cá TQ hùng hậu sắp kéo đến, ”quân đội” Nhật Bản được lệnh sẵn sàng

Nhật Bản sắp phải đối phó với đội tàu cá Trung Quốc đông đảo sau khi Bắc Kinh dỡ lệnh đánh bắt gần quần đảo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Thời báo Hoàn cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN