Đối tác Pháp: Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân TQ đủ nghiêm trọng để đóng cửa lò phản ứng
Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), đồng sở hữu nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc, nói sẽ đóng cửa lò phản ứng nếu có thể, do hư hại thanh nhiên liệu hạt nhân.
Tập đoàn điện lực Pháp đề xuất đóng cửa một trong hai lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc.
Hôm 22.7, phát ngôn viên EDF nói nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, “đủ nghiêm trọng để đóng cửa lò phản ứng”.
Nếu nhà máy điện hạt nhân này ở Pháp, tập đoàn sẽ “đóng cửa lò phản ứng ngay lập tức vì các quy chuẩn vận hành ở Pháp”, phát ngôn viên cho biết.
Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn có hai lò phản ứng hạt nhân, công suất sản xuất điện tối đa của mỗi lò phản ứng là 1.750 MW.
Phát ngôn viên của EDF khẳng định không thúc giục Trung Quốc ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, nhấn mạnh quyết định cuối cùng vẫn thuộc về đối tác có cổ phần lớn nhất là Tập Đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CGN)
Hôm 22.7, phát ngôn viên EDF tái khẳng định việc có khí gas tích tụ bên trong lò phản ứng hạt nhân. Tập đoàn đã làm rõ vấn đề với đối tác Trung Quốc.
EDF nắm 30% cổ phần trong dự án xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. “Chúng tôi đã chia sẻ cho phía Trung Quốc đầy đủ các thông tin và lý do nếu ở Pháp, lò phản ứng phải bị ngừng hoạt động”, phát ngôn viên cho biết. “Quyết định cuối cùng tùy thuộc vào Trung Quốc”.
Đài CNN tháng trước đưa tin, Framatome, công ty con của EDF, tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, đã gửi cảnh báo “về mối đe dọa rò rỉ phóng xạ tiềm tàng”, hối thúc chính phủ Mỹ vào cuộc điều tra.
Không lâu sau, Trung Quốc xác nhận có rò rỉ phóng xạ ở một trong hai lò phản ứng hạt nhân của nhà máy do thanh nhiên liệu bị hư hại. Nhưng Trung Quốc nói “sự cố khác với tai nạn rò rỉ phóng xạ”, vì “các lớp bảo vệ vật lý vẫn an toàn”.
Nhà chức trách Trung Quốc khi đó khẳng định mức độ phóng xạ quanh nhà máy vẫn ở mức cho phép để hoạt động bình thường.
Theo nhà chức trách Trung Quốc, chỉ có 5 trong số 60.000 thanh nhiên liệu hạt nhân bị ảnh hưởng và “không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ ra môi trường”.
Nguồn: [Link nguồn]
Chính phủ Mỹ đang đánh giá thông tin có sự cố rò rỉ tại một nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông,...