Ông Donald Trump và bán đảo Triều Tiên: Vẫn lối tiếp cận ‘từ trên xuống’?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bán đảo Triều Tiên một khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ thế nào khi tình hình khu vực này không còn giống khi ông làm tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước là điều giới quan sát và cộng đồng thế giới đang quan tâm theo dõi.

Ông Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng trong cương vị tổng thống Mỹ thứ 47 vào đầu năm tới, sau khi chiến thắng cuộc đua tổng thống vừa qua. Bên cạnh các điểm nóng địa chính trị khác, bán đảo Triều Tiên là một trong những mối quan tâm lớn trong chính sách đối ngoại Mỹ.

Giới quan sát đang rất chờ đợi xem tình hình bán đảo Triều Tiên thời gian tới sẽ thế nào khi bản thân ông Trump đã giành khá nhiều tâm sức cho khu vực này trong nhiệm kỳ đầu, đặc biệt trong bối cảnh khu vực này đang tăng nhiệt với nhiều động thái nóng từ Triều Tiên và Hàn Quốc gần đây.

Nhân chiến thắng của ông Trump, Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn một số chuyên gia để lắng nghe những nhận định, phân tích về tương lai chính sách của Mỹ với bán đảo Triều Tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông. Các nhận định, phân tích được đưa ra dựa trên những chính sách của ông Trump đối với bán đảo Triều Tiên ở nhiệm kỳ đầu và việc Hàn Quốc là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tổ chức ở Hà Nội vào tháng 2-2019. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tổ chức ở Hà Nội vào tháng 2-2019. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tiếp cận “từ trên xuống”, sẽ lại có thượng đỉnh Trump - Kim?

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thành Trung, giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, tin rằng ông Trump thời gian tới vẫn sẽ duy trì cách tiếp cận mang tính “từ trên xuống” mà ông đã áp dụng với Triều Tiên trong nhiệm kỳ trước.

“Tôi tin ông Trump thích sự đối thoại mang tính từ trên xuống giống như những gì chúng ta thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên: Ông Trump có hai cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un” - TS Nguyễn Thành Trung nhận định.

Theo vị chuyên gia này, ông Trump chọn cách tiếp cận “từ trên xuống” vì nó “mang tính kinh doanh”. Thay vì để các nhóm làm việc cấp dưới đàm phán rồi từng bước lên cấp cao hơn, ông Trump chọn làm việc trực tiếp từ cấp cao nhất rồi mới dần dần đến các cấp thấp hơn, nhằm thúc đẩy mọi việc trôi chảy hơn.

“Đó là phong cách của ông Trump và tôi không nghĩ điều đó sẽ thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai. Ông ấy sẽ tiếp tục “vừa đấm vừa xoa” với Triều Tiên” - TS Nguyễn Thành Trung dự đoán, đồng thời nhắc lại “chuỗi đấu khẩu” kéo dài từ năm 2017 sang 2018 giữa ông Trump và ông Kim, rồi đích đến cuối cùng là hai cuộc gặp thượng đỉnh.

Khả năng ông Trump sẽ khôi phục chính sách ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Khắc Giang - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore) - cũng cho rằng ông Trump có thể tiếp tục tiếp cận ngoại giao cá nhân với hy vọng đạt được thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tương tự, TS Stephen R. Nagy - khoa Chính trị và quốc tế học, ĐH Cơ đốc giáo quốc tế (Nhật) - cũng lạc quan về khả năng hai bên sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương như hồi năm 2019.

“Vẫn có khả năng diễn ra một hội nghị thượng đỉnh nữa giữa ông Trump và ông Kim. Thượng đỉnh này có thể liên quan việc giảm số lượng quân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Về phía Bình Nhưỡng, nước này có thể theo đuổi một số loại thỏa thuận hòa bình trên thực tế để đổi lấy sự công nhận quốc tế rằng Triều Tiên là quốc gia hạt nhân” - theo TS Nagy.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên, Bàn Môn Điếm (Hàn Quốc) ngày 30-6. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên, Bàn Môn Điếm (Hàn Quốc) ngày 30-6. Ảnh: REUTERS

Giới phân tích ở Hàn Quốc cũng đồng tình với các quan điểm rằng ông Trump sẽ khôi phục chính sách ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên.

“Ông Trump khả năng ​​sẽ khôi phục lại ngoại giao cá nhân với ông Kim Jong-un và theo đuổi phong cách từ trên xuống. Đầu tiên là tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo và sau đó là tổ chức các cuộc đàm phán ở cấp thấp hơn. Đổi lại, Triều Tiên có thể gây sức ép buộc Mỹ chấp nhận Bình Nhưỡng là một quốc gia hạt nhân và yêu cầu nới lỏng lệnh trừng phạt” - tờ Korea Times dẫn lời ông Yang Moo-jin, Hiệu trưởng Trường ĐH Nghiên cứu Triều Tiên (Seoul, Hàn Quốc).

GS Seo Jung-kun tại ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc) thì cho rằng ông Trump có thể muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với ông Kim vào thời điểm giữa cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào năm 2026 và trong thời gian bầu cử tổng thống Mỹ lần tới vào năm 2028 để định hình dấu ấn đối ngoại của bản thân ông.

Tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ngày 18-7, ông Trump từng nói rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “nhớ” ông và tin tưởng rằng Bình Nhưỡng sẽ không tiếp tục “phản ứng thái quá” khi ông trở lại Nhà Trắng.

Triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Dù dự đoán ông Trump sẽ tiếp tục năng nổ tiếp cận Triều Tiên như nhiệm kỳ đầu song các chuyên gia không lạc quan lắm về triển vọng hòa bình, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong nhiệm kỳ tới của ông.

TS Nguyễn Thành Trung nói rằng dù ông đánh giá cao nỗ lực của ông Trump nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhưng ông không đặt nhiều kỳ vọng vào những gì tổng thống Mỹ sắp tới có thể làm được. Cùng ý kiến, TS Nagy cho rằng tình hình hiện tại đã không còn như trước nên Mỹ hay bất cứ quốc gia nào muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên cần phải có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại.

“Phương trình đã thay đổi. Rất khó để chính quyền của ông Trump hay bất kỳ chính quyền phương Tây nào có thể tác động đến chiến lược của Triều Tiên mà không phải đưa ra những thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại” - GS Nagy nêu quan điểm.

Giải thích về nhận định trên, ông Nagy nói rằng Triều Tiên thời gian qua đã cho thấy sự quyết tâm trong việc theo đuổi mục tiêu củng cố khả năng răn đe hạt nhân dài hạn. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng vị thế của Triều Tiên hiện tại đã khác trước đây, nhất là khi nước này xây dựng mối quan hệ ngày càng mật thiết với Nga.

TS Nguyễn Khắc Giang cũng không lạc quan về triển vọng đạt được việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. “Việc đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn là một thách thức lớn, do sự khác biệt về lợi ích và thiếu tin cậy giữa hai bên. Trong hoàn cảnh hiện tại, khả năng này không dễ xảy ra” - TS Nguyễn Khắc Giang nhận định với Pháp Luật TP.HCM.

Giới quan sát ở Hàn Quốc cũng nghi ngại triển vọng sẽ có được giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, họ còn lo khả năng chính quyền mới ở Mỹ sẽ xao lãng an ninh bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều điểm nóng xung đột như ở Ukraine và Trung Đông, chưa kể sự cạnh tranh với Trung Quốc, theo Korea Times.•

Ông Trump nhất trí sẽ họp thượng đỉnh với tổng thống Hàn Quốc

Trong cuộc điện đàm ngày 7-11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương trong tương lai gần, theo hãng thông tấn Yonhap.

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết rằng trong cuộc điện đàm ông Yoon đã chúc mừng “chiến thắng vang dội” của ông Trump và bày tỏ hy vọng tiếp tục hợp tác với Mỹ dưới chính quyền của ông Trump. Đáp lại, ông Trump cảm ơn ông Yoon và bày tỏ mong muốn tiếp tục mối quan hệ hợp tác Mỹ - Hàn Quốc. Hai nhà lãnh đạo đồng ý sẽ sớm ấn định ngày và địa điểm cho cuộc gặp trực tiếp.

Trong cuộc gọi kéo dài khoảng 12 phút, hai bên đã thảo luận về an ninh, kinh tế và các vấn đề toàn cầu. Phó Cố vấn Kim nói thêm rằng hai nhà lãnh đạo cũng đề cập Triều Tiên và thông tin về hoạt động của quân đội Triều Tiên ở Ukraine.

“Hai bên chia sẻ tình hình về năng lực hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên, việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), các hành động khiêu khích liên tục bằng tên lửa đạn đạo, thả bóng bay rác và gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS)” - theo ông Kim.

Ngoài ra, ông Yoon và ông Trump cũng cam kết thúc đẩy hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn.

Truyền thông Triều Tiên ngày 12/11 cho biết, nước này đã phê chuẩn hiệp ước phòng thủ chung với Nga, được lãnh đạo hai nước ký vào tháng 6 vừa qua. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY - ĐỨC HIỀN thực hiện ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN