Chiến sự Nga - Ukraine sẽ kết thúc trong 24 giờ khi ông Donald Trump về lại Nhà Trắng?
Ông Donald Trump từng nói sẽ chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine trong 24 tiếng khi ông về lại Nhà Trắng và điều này đang được giới chuyên gia tranh luận sôi nổi.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine “trong vòng 24 giờ”. Giờ đây, ông Trump đã tái đắc cử tổng thống, liệu rằng ông có thể thực hiện điều mình đã nói?
Chiến sự Nga - Ukraine sẽ kết thúc “trong vòng 24 giờ”?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thành Trung, giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng việc ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 rằng sẽ kết thúc chiến sự Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ một khi chiến thắng và nhậm chức. Tuy nhiên, ông không nói rõ kế hoạch ra sao. Theo học giả này, rất khó để ông Trump thực hiện lời hứa đó bởi đây là một vấn đề hết sức phức tạp.
“Ông Trump có thể cắt giảm viện trợ cho Ukraine và điều này sẽ giúp Nga giành được lợi thế trên chiến trường. Tuy nhiên, liệu đây có phải là cách giải quyết xung đột nhanh chóng hay không, khi khiến một bên tự thua và bên kia thắng? Bên cạnh đó, Nga không phải là bên dễ dàng để Mỹ sắp đặt hay bắt buộc ngồi vào bàn đàm phán, đặc biệt là khi Nga hiện đang có lợi thế trên chiến trường” - TS Trung nhận định về chiến sự Nga - Ukraine.
Lính Ukraine khai hỏa vào mục tiêu Nga ở Pokrovsk (tỉnh Donetsk) hồi tháng 9. Liệu chiến sự Nga - Ukraine sẽ kết thúc một khi ông Trump về lại Nhà Trắng? Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Cùng ý kiến, GS Stephen R. Nagy - khoa Chính trị và Quốc tế học, ĐH Cơ đốc giáo quốc tế (Nhật) - cũng không nghĩ rằng ông Trump sẽ giải quyết cuộc chiến sự Nga - Ukraine trong một sớm một chiều. Theo học giả này, bên thực sự có thể giải quyết xung đột là Ukraine và họ cần quyết định tiến tới một giải pháp hòa bình hoặc tìm một giải pháp thay thế.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, GS Stephen R. Nagy cho rằng chiến sự Nga - Ukraine không chỉ liên quan đến Mỹ, Nga, Ukraine mà còn cả châu Âu và có thể là nước khác nữa. Ông Nagy cho rằng bất kể ông Trump làm gì, châu Âu và các quốc gia khác cũng sẽ có lợi ích quan trọng trong việc tìm cách kết thúc cuộc xung đột này.
Trong khi đó, ThS Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, lại cho rằng việc ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine trong vòng một ngày cũng có cơ sở. Theo ông Việt, ông Trump có tư duy của một doanh nhân và mục tiêu quan trọng nhất của ông Trump là tập trung phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho người dân Mỹ.
“Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine khoảng 108 tỉ USD. Ông Trump có thể đã thấy rằng việc tiếp tục viện trợ thì khó đảo ngược được kết quả và càng khiến cuộc chiến kéo dài thêm. Nếu đầu tư vào “dự án” này không mang lại lợi ích thì tại sao lại tiếp tục đổ tiền vào mà không đầu tư ở nơi khác? Với tư duy kinh doanh đó thì ông Trump khả năng lớn là sẽ sớm gây áp lực cho Ukraine ngồi vào đàm phán để chấm dứt chiến tranh” - chuyên gia Hoàng Việt nhận định về chiến sự Nga - Ukraine.
Cả Quốc hội và Tổng thống Mỹ đều có thể tác động đến viện trợ quân sự của Mỹ cho Kiev khi một bên nắm hầu bao và một bên phê chuẩn viện trợ. Hiện tại, đảng Cộng hòa đã giữ Thượng viện và phiếu bầu ở Hạ viện vẫn đang được kiểm đếm nhưng hiện đảng Cộng hòa đang dẫn trước đảng Dân chủ. Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện, ông Trump sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến chiều hướng của viện trợ nước ngoài của Mỹ.
Lối ra nào cho xung đột Nga - Ukraine?
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Jessica Trisko Darden - khoa Khoa học chính trị tại ĐH Virginia Commonwealth (Mỹ) và Giám đốc sáng kiến an ninh và chính sách đối ngoại tại ĐH William & Mary (Mỹ) - phương án khả dĩ nhất để ông Trump giải quyết chiến sự Nga - Ukraine là tạo điều kiện cho một cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Theo học giả này, kỹ năng đàm phán của ông Trump và đòn bẩy của Mỹ đối với Ukraine có thể khiến cả Nga và Ukraine sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Ông Trump sẽ vừa muốn duy trì mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Ukraine và vừa muốn tương tác với Nga nhiều hơn so với chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên, khó khăn sẽ là thuyết phục Ukraine chấp nhận nhượng bộ về mặt lãnh thổ mà Nga có thể yêu cầu.
“Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần khẳng định rằng Nga sẽ không bao giờ tấn công Ukraine nếu ông là tổng thống. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn giải quyết nó càng sớm càng tốt. Việc ông Trump nói rằng ông sẽ kết thúc cuộc chiến “trong vòng 24 giờ” nên được hiểu là phép ẩn dụ cho nhu cầu cấp thiết phải chấm dứt chiến tranh, thay vì là một khung thời gian cụ thể” - PGS-TS Jessica Trisko Darden, khoa Khoa học chính trị tại ĐH Virginia Commonwealth (Mỹ) và Giám đốc sáng kiến an ninh và chính sách đối ngoại tại ĐH William & Mary (Mỹ), nhận định với Pháp Luật TP.HCM.
“Báo đài đưa tin nhiều về mối quan hệ cá nhân thân thiết của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Trump cũng có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Mối quan hệ của ông Trump với cả hai nhà lãnh đạo sẽ là một lợi thế trong việc giải quyết xung đột” - PGS-TS Trisko Darden nhận định.
Sau khi ông Trump đắc cử, ông Zelensky đã gọi điện thoại chúc mừng và cho biết hai người đã có cuộc trò chuyện “tuyệt vời”. Tổng thống Ukraine còn khẳng định ông ủng hộ cách tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh” của ông Trump trong các vấn đề toàn cầu và nói rằng nếu ông Trump duy trì nguyên tắc này trong nhiệm kỳ tổng thống thì “Mỹ và toàn thế giới chắc chắn sẽ hưởng lợi”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump gặp nhau tại TP New York (Mỹ) vào ngày 27-9-2024. Liệu chiến sự Nga-Ukraine sẽ kết thúc một khi ông Trump về lại Nhà Trắng? Ảnh: REUTERS
Tờ The Wall Street Journal từng dẫn lời ba nguồn tin thân cận với tổng thống đắc cử Trump cho biết có một đề xuất trong nội bộ ông Trump rằng Kiev hứa sẽ không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ít nhất trong 20 năm tới nhưng đổi lại Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine để ngăn chặn các cuộc tấn công khác của Nga trong tương lai.
Theo kế hoạch này, về cơ bản Nga và Ukraine sẽ “đóng băng” giao tranh trên tiền tuyến và hai bên sẽ thống nhất mở một khu phi quân sự. Chưa rõ bên nào sẽ giám sát khu vực này nhưng một cố vấn của ông Trump cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình ở đây sẽ không có sự tham gia của quân đội Mỹ, cũng không phải lực lượng của một tổ chức quốc tế do Mỹ tài trợ, chẳng hạn như Liên hợp quốc.
Trong bài bình luận trên kênh Channel News Asia, GS Stefan Wolff - khoa An ninh quốc tế ĐH Birmingham (Anh) cho rằng trong mọi khả năng, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng sẽ thiên về phía Nga hơn là Ukraine. Chẳng hạn, Ukraine chấp nhận những yêu sách về mặt lãnh thổ của Nga, trong đó có việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Với thái độ không thân thiện đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Trump có thể đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi liên minh để buộc châu Âu ký một thỏa thuận nào đó với Nga.
Về cục diện chiến sự, theo ông Wolff, vì cả Moscow và Kiev đều muốn có lợi thế trước bất kỳ cuộc đàm phán nào nên rất có thể cuộc chiến sẽ ngày càng tăng nhiệt. Nga sẽ tăng áp lực lớn hơn nữa lên miền Đông Ukraine, tăng tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine và có khả năng sẽ có nhiều lính Triều Tiên tham gia chiến đấu ở tỉnh Kursk (Nga) hơn nữa - nếu thông tin Triều Tiên đưa lính tới Nga là sự thật.
Về phần mình, Ukraine có thể sẽ huy động mọi nguồn lực còn lại để cố gắng giữ những khu vực đã chiếm được ở tỉnh Kursk như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán, đồng thời đẩy lùi quân Nga hoặc ít nhất là giữ vững, ở các mặt trận hiện tại.
NATO có trụ vững dưới thời ông Trump? Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên châu Âu trong NATO và đe dọa rút khỏi NATO nếu các nước này không đóng góp nhiều hơn cho chi tiêu quân sự của khối. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trisko Darden cho rằng ông Trump vẫn nhìn thấy giá trị của NATO nhưng không nghĩ rằng Mỹ nên trả tiền cho an ninh của châu Âu. Ông Trump - trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình với tư cách là tổng thống Mỹ - đã thành công trong việc khiến hầu hết quốc gia thành viên NATO tăng chi tiêu quân sự. Bằng chứng là hồi tháng 6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết chi tiêu quốc phòng của các thành viên trong khối năm nay sẽ tăng 18%, mức tăng cao nhất trong nhiều thập niên, trong đó 23 quốc gia sẽ chi 2% GDP trở lên. Bên cạnh đó, Pháp và Đức - hai đầu tàu của châu Âu - cũng đã tuyên bố thừa nhận rằng các nước châu Âu sẽ cần tăng trách nhiệm của mình đối với an ninh. PGS-TS Trisko Darden nhận xét rằng cuối cùng thì “di sản chính sách đối ngoại của ông Trump ở châu Âu sẽ là một châu Âu độc lập, an toàn hơn cũng như làm tăng trách nhiệm của các nước châu Âu đối với an ninh tập thể ở khu vực này”. |
Nguồn: [Link nguồn]
Bình luận về việc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hứa sẽ kết thúc chiến tranh, phía Nga nhấn mạnh rằng luận điểm đó phải được thực hiện bằng hành...