Doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc bị đẩy vào thế khó
Các thương hiệu nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc còn phải trả lời thêm câu hỏi: Chọn lợi nhuận hay nguyên tắc, đạo đức?
Các sản phẩm của H&M bị xóa khỏi nhiều trang thương mại điện tử
Với triển vọng lớn vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ trong chưa đầy 1 thập kỷ tới, Trung Quốc từ lâu đã là thị trường trọng yếu của các doanh nghiệp trên khắp thế giới.
Nhưng, để kiếm được “mẩu bánh” trên thị trường vốn rất cạnh tranh này, đôi khi, các thương hiệu nước ngoài đang làm ăn tại đây còn phải trả lời thêm câu hỏi: Chọn lợi nhuận hay nguyên tắc, đạo đức?
“Các doanh nghiệp bị ép ở giữa”
Đó là câu hỏi đau đầu mà các doanh nghiệp nước ngoài như thương hiệu thời trang H&M (Thụy Điển), Nike (Mỹ), Adidas (Đức) và một số thương hiệu bán lẻ nổi tiếng khác của phương Tây… từng nhiều lần phải đối mặt trong những căng thẳng chính trị trước đây.
Nay họ tiếp tục phải đối diện 2 vấn đề: nhân quyền tại Tân Cương và cái gọi là tuyên bố đòi chủ quyền “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông.
Với vấn đề Tân Cương, các nước Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã đồng thuận trừng phạt Trung Quốc vì cáo buộc cưỡng ép về nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ và một số nhóm dân tộc thiểu số… trong khi Bắc Kinh cực lực bác bỏ.
Liên quan đến tranh cãi này, các thương hiệu đa quốc gia H&M, Nike, Adidas… đang bị đe dọa tẩy chay tại Trung Quốc vì tuyên bố không sử dụng bông do lao động được cho là đã bị cưỡng bức phải sản xuất tại Tân Cương.
Thậm chí, một số trang thương mại điện tử Trung Quốc như: Alibaba (BABA) và JD.com (JD)… đã xoá các sản phẩm của H&M.
Trong một diễn biến khác, thương hiệu như H&M còn bị giới chức Trung Quốc sờ gáy, nhắc nhở phải sửa đổi bản đồ hiển thị định vị trên trang web bản tiếng Trung, bằng cách nào đó ép H&M phải đưa thêm cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tuyên bố nhằm đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Sau H&M, nhiều thương hiệu thời trang đẳng cấp thế giới như: Chanel, Louis Vuitton, Gucci, UNIQLO, YSL… cũng được phát hiện có đăng bản đồ hiển hiện “đường lưỡi bò” phi pháp, “nuốt” gần như trọn Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trên trang web phiên bản tiếng Trung Quốc.
Những thông tin này dù chưa chính thức được các doanh nghiệp nói trên thừa nhận nhưng nó đã gây ra những phản ứng tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh của họ ở nhiều nơi.
Hãng tin CNN dẫn lời ông James McGregor, Chủ tịch Công ty Tư vấn APCO Worldwide cho rằng: “Tôi nghĩ Trung Quốc thực sự cảm thấy bị đe dọa vì loạt trừng phạt mới đến từ phương Tây nên họ quyết định đáp trả mạnh mẽ nhất lên các doanh nghiệp, để họ tác động lại với chính quyền chủ quản với hy vọng sẽ giảm nhẹ trừng phạt”.
Nhưng, trước bối cảnh các doanh nghiệp đa quốc gia cũng bị chính quyền, các nghị sĩ, nhà đầu tư đến từ các nước phương Tây gây áp lực rất mạnh về vấn đề Tân Cương; hứng chịu làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng nhiều nơi trong đó có Việt Nam vì đã “chiều lòng” Trung Quốc về cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò”, họ sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn cuối cùng.
“Các doanh nghiệp đang bị ép ở giữa. Chắc chắn sẽ không có câu trả lời nhiệm màu”, ông McGregor nói.
Chấp nhận hy sinh đạo đức
Khi đặt chân tới Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải hiểu, họ sẽ phải nhượng bộ một số khía cạnh trong hoạt động kinh doanh như thành lập doanh nghiệp chung với đối tác địa phương.
Dù gần đây, một số quy định thu hút doanh nghiệp nước ngoài đã được nới lỏng nhưng vẫn còn nhiều công ty phàn nàn rằng, những yêu cầu từ Bắc Kinh buộc họ phải chấp nhận chia sẻ công nghệ của mình để đổi lấy “tấm vé” vào Trung Quốc, theo CNN.
Với sức mạnh của một thị trường khổng lồ hấp dẫn trên mọi lĩnh vực từ ô tô, quần áo, phim ảnh cho đến hàng xa xỉ phẩm, các chuyên gia cho rằng, không ít công ty có truyền thống sẵn sàng “chiều” Trung Quốc.
“Khi các doanh nghiệp bị buộc phải lựa chọn, họ tìm mọi cách để không phải công khai lựa chọn của mình”, ông Isaac Stone Fish, người sáng lập công ty nghiên cứu rủi ro kinh doanh tại Trung Quốc Strategy Risks nhận định. Thậm chí, trong khi cân bằng lợi ích, đôi khi, “các công ty chấp nhận hy sinh đạo đức”, ông Fish nói thêm.
Còn theo nhà cố vấn cấp cao tại châu Á, Giám đốc Dự án Nghiên cứu Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, bà Bonnie Glaser: Trung Quốc có đòn bẩy kinh tế cực lớn. Họ sử dụng đòn bẩy này để gây tổn hại tới những ngành hoặc công ty nào đó mà họ không phải chịu tác động ngược.
Chẳng hạn, trong căng thẳng với Australia, Trung Quốc đã áp thuế cực cao hoặc đặt ra một số rào cản với ngành xuất khẩu rượu, thịt bò, gỗ… nhưng chừa lại một số mặt hàng công nghiệp của Australia có khả năng ảnh hưởng tới sức phục hồi kinh tế của Bắc Kinh như quặng sắt.
Bà Glaser cho biết, chiến lược trừng phạt các doanh nghiệp nước ngoài Trung Quốc thường dùng đó là “sát kê hãi hầu” (giết gà, doạ khỉ) vì “họ biết rõ, các nước khác đang theo dõi mọi diễn biến”.
Căng thẳng còn sôi sục
Song, theo các chuyên gia, giữa lúc căng thẳng về vấn đề Tân Cương, trong khi các gian hàng của H&M trên thị trường thương mại điện tử bị vùi dập thì một số thương hiệu như Nike và Adidas tạm thời bình an vô sự.
Lý giải cho sự bí ẩn này, Chủ tịch APCO Worldwide, ông McGregor cho rằng, khả năng các thương hiệu như Nike, Adidas đã thiết lập được quan hệ rất sâu với Bắc Kinh.
“Một số tổ chức của Trung Quốc đang phụ thuộc vào nguồn tiền của Nike và Adidas cùng một số thương hiệu thể thao khác trong khi H&M chỉ là một nhà bán lẻ tham gia vào thị trường đơn thuần”, ông McGregor nói.
Giới chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, căng thẳng sẽ tiếp tục tăng cao bởi Bắc Kinh dự kiến sẽ chủ trì Thế vận hội mùa đông 2022 trong khi đã có hàng chục tổ chức vận động đã kêu gọi tẩy chay sự kiện này.
Ông McGregor cho rằng, nếu căng thẳng tiếp tục sôi sục, Trung Quốc đứng trước nguy cơ tự làm hoen ố hình ảnh của mình trên trường quốc tế.
Nhưng trước tiên, thế khó vẫn rơi vào các công ty đa quốc gia. Vì vậy, “hầu hết các doanh nghiệp đang tìm cách cúi đầu như một chiến thuật tạm thời để vượt qua dông bão trong thời điểm này”, ông McGregor nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Một trang web quân sự Trung Quốc hôm 1.4 đăng thông tin về một loạt siêu tàu ngầm có khả năng mang tới 48 tên lửa đạn...