Đo lường ảnh hưởng Trung Quốc với Iran
Phương Tây mong Trung Quốc tận dụng tầm ảnh hưởng của nước này gây áp lực lên Iran, nhưng dường như điều này không dễ dàng.
Ngay trước khi Iran nã hàng trăm tên lửa và UAV vào lãnh thổ Israel vào đêm 13-4 để trả đũa vụ Đại sứ quán Iran tại Syria bị không kích ngày 1-4, phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã thúc giục Trung Quốc (TQ) dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Iran, cũng như các lực lượng ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Đông, kiềm chế khiêu khích.
Dù Trung Quốc thân Iran…
Trả lời chuyên san Foreign Policy, ông Jon Alterman, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cho rằng dường như TQ là quốc gia duy nhất có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến Iran nếu TQ muốn.
Theo ông Alterman, việc Bắc Kinh có tầm ảnh hưởng lớn như vậy là do TQ là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, chiếm khoảng 1/3 tổng thương mại Iran và rất ít quốc gia có mối quan hệ kinh tế quan trọng với Iran như TQ. Cạnh đó, TQ cũng là người bảo vệ quan trọng cho các lợi ích của Tehran trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 14-2-2023. Ảnh: IRAN INTERNATIONAL
Khi căng thẳng giữa Israel và Iran tiếp tục leo thang, các nhà lập pháp Mỹ đang tăng cường áp lực hơn nữa lên TQ. Hôm 15-4, Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật trừng phạt năng lượng Iran-TQ, nhằm hạn chế công ty TQ mua dầu Iran.
Theo phía Mỹ, việc TQ mua dầu từ Iran đã mang lại doanh thu cho Iran 150 triệu USD mỗi ngày, tiếp thêm nguồn vốn hoạt động cho Iran, bao gồm việc phát triển hạt nhân và tên lửa. Hiện dự luật này đang được chuyển tới Thượng viện.
…nhưng chưa chắc tác động được
Tuy nhiên, dù Mỹ ngày càng trông cậy vào TQ để gây ảnh hưởng với Iran, một số chuyên gia cho rằng điều này là không đơn giản.
Trong hơn 1 thập niên, TQ là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, chủ yếu xoay quanh hoạt động buôn bán dầu mỏ. Từ năm 2020 đến năm 2023, các công ty TQ đã tăng gấp 3 lần lượng dầu nhập khẩu từ Iran, khiến doanh số bán dầu Iran tăng vọt lên mức cao nhất trong 10 năm.
Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế này có ảnh hưởng không cân bằng. Ví dụ, năm 2023, hơn 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran là sang TQ. Tuy nhiên, nguồn cung dầu của Tehran chỉ chiếm 10% tổng lượng hàng nhập khẩu của TQ vì nước này có nhiều nhà cung cấp khác ngoài Iran.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (giữa, Thứ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia - ông Waleed Elkhereiji (trái) và người đồng cấp Iran Ali Bagheri Kani tại Bắc Kinh vào ngày 15-12-2023. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Bà Patricia Kim, thành viên tại Viện Brookings (Mỹ), chia sẻ với Foreign Policy rằng việc TQ là đối tác thương mại lớn nhất của Iran và là người bảo vệ Iran ở các diễn đàn quốc tế, Bắc Kinh có các kênh liên lạc đặc quyền với Tehran và chắc chắn có nhiều ảnh hưởng đối với Tehran hơn Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, theo bà Kim, rất khó để nói Bắc Kinh có thể kiềm chế Tehran đến mức nào nếu các nhà lãnh đạo TQ quyết định đưa ra một cách tiếp cận can thiệp hơn, thay vì trung lập như hiện tại.
Ông William Figueroa, chuyên gia về quan hệ TQ-Iran tại ĐH Groningen (Hà Lan), cho rằng mặc dù TQ có một số đòn bẩy về buôn bán dầu, nhưng đòn bẩy đó gặp khó khăn cả về mặt chính trị và hậu cần.
Ví dụ như việc các nhà máy lọc dầu tư nhân của TQ hoạt động trên thị trường chợ đen mua trái phép phần lớn dầu Iran. Những nhà máy lọc dầu tư nhân này nổi tiếng là rất khó quản lý, khiến TQ gặp khó khăn trong việc kiểm soát trực tiếp việc nhập khẩu dầu Iran.
Trước đây, Iran đã thể hiện rằng nước này sẵn sàng thử nghiệm khách hàng lớn nhất của mình. Ví dụ, tháng 12 năm ngoái, Iran đã hạn chế vận chuyển dầu và tăng giá bán đối với TQ, làm giảm doanh số bán dầu. Ông Eric Olander, Tổng biên tập dự án đa phương tiện độc lập phi lợi nhuận China-Global South Project, đánh giá điều này đã “cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa hai nước có những giới hạn”.
“Ở Washington có quan điểm cho rằng vì bạn có quyền lực kinh tế nên điều đó sẽ chuyển thành quyền lực chính trị…Nhưng điều này không áp dụng cho trường hợp Iran. Iran đã được thử thách trong nhiều thập niên dưới các lệnh trừng phạt. Họ sẽ không hạ thấp an ninh quốc gia và những cân nhắc chính trị của mình trước TQ vì những cân nhắc về kinh tế” - ông Olander nhận định.
Trong khi đó, không có dấu hiệu TQ đoái hoài đến áp lực từ Mỹ. Bắc Kinh đã cẩn thận đứng bên lề cuộc chiến Israel-Hamas và tranh thủ xung đột này để liên kết với các nước ở phía nam bán cầu.
Ông Olander cho rằng việc Mỹ đề nghị TQ sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế Iran là điều vô nghĩa. Theo ông, không bao giờ Bắc Kinh có thể chấp nhận yêu cầu từ Mỹ, đặc biệt là việc kiềm chế Iran.
Trong bối cảnh quan hệ Israel - Iran đang trở nên căng thẳng sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và hàng trăm máy bay không người lái của Iran vào bên trong lãnh thổ Israel hôm 13/4 vừa qua, vụ tấn công bằng máy bay không người lái gần căn cứ quân sự phía Tây Bắc thành phố Isfahan, miền Trung Iran hôm 19/4 đang khiến thế giới lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện lan rộng khắp Trung Đông.
Nguồn: [Link nguồn]