Đô đốc Mỹ, Trung họp bàn về Biển Đông hôm nay

Hải quân Mỹ và Trung Quốc tổ chức hội đàm cấp cao để thảo luận về những căng thẳng ở Biển Đông sau khi Lầu Năm góc điều khu trục hạm tuần tra vùng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay, Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, và Đô đốc Wu Shengli, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc hôm nay sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến kéo dài trong một giờ.

Nội dung của cuộc họp là để thảo luận về các hoạt động gần đây ở Biển Đông cũng như mối quan hệ giữa Hải quân hai nước. Đây là cuộc họp trực tuyến thứ 3 giữa lãnh đạo Hải quân hai nước.

Đô đốc Mỹ, Trung họp bàn về Biển Đông hôm nay - 1

Đô đốc John Richardson (phải), Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, và Đô đốc Wu Shengli, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc trao đổi trong một hội nghị quốc tế. Ảnh: Reuters

Cuộc họp này được đưa ra trong bối cảnh, Mỹ điều khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh một trong những đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông hôm thứ Ba (27.10), thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.

 Bắc Kinh đã giận dữ triệu tập Đại sứ Mỹ để phản đối hành động trên. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã điều hai chiến hạm - tàu tên lửa lớp Type 052C Lan Châu và tàu hộ vệ tên lửa lớp Sovremennyy Đài Châu – để bám đuôi, theo sát tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ.

Bình luận về những động thái mới nhất dấy lên căng thẳng ở Biển Đông gần đây, chuyên gia Hải quân Ni Lexiong ở Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải cho rằng: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều không mong muốn xảy ra xung đột quân sự. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là, lợi ích cốt lõi của cả hai nước lại va chạm với nhau ở Biển Đông. Rất khó để thấy bên nào chịu xuống nước trước”.

Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines…

Bất chấp sự phản đối của các nước có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động cải tạo, bồi đắp phi pháp biến một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trở thành những hòn đảo nhân tạo có khả năng sử dụng cho các mục đích quân sự.

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc động thái của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải và tuyên bố không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng lãnh hải quanh các hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng (theo Reuters) ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN