Đô đốc Mỹ thán phục vì tốc độ phát triển quân sự quá nhanh từ Trung Quốc
Một đô đốc hàng đầu của Mỹ đã phải thốt lên rằng - Trung Quốc là một đối thủ ấn tượng, có thể đạt được các mục tiêu phát triển trước thời hạn.
Quân đội Trung Quốc đạt bước tiến phi thường
Phát biểu tại một phiên thảo luận về tương lai của Hải quân Mỹ ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 28/4, Đô đốc Michael Gilday, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ cho biết: “Chúng tôi dành sự tôn trọng lớn với Trung Quốc vì khả năng học hỏi và phát triển của họ”.
Lực lượng hải quân và các quân chủng khác của quân đội Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và hướng tới thực hiện một chương trình đóng tàu đầy tham vọng để đưa hải quân nước này vươn lên dẫn đầu thế giới.
“Họ không chỉ đạt được những bước tiến phi thường trong lĩnh vực quân sự mà còn ở khía cạnh kinh tế, không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn cầu. Họ đã đi trước mọi thời hạn mà họ từng đặt ra cho mình”, ông Gilday cho biết thêm.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sampson của Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan. Ảnh - SCMP
Ông Gilday nói rằng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc từng đặt ra mục tiêu là trở thành cường quốc quân sự khu vực vào năm 2035 và toàn cầu vào năm 2050. Họ đang vượt trước kế hoạch này và Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu đầu vào năm 2027.
Nhận định tích cực của quan chức này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung liên tục xấu đi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có các hoạt động tự do hàng hải của Lầu Năm Góc ở eo biển Đài Loan và khu vực Biển Đông đang tranh chấp.
Mới nhất, Hải quân Mỹ đã triển khai một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đi qua Eo biển Đài Loan. Đây là hành trình thứ tư của lực lượng này trong năm nay. Nếu như Lầu Năm Góc cho rằng hoạt động này là "quá cảnh thông thường" thì Trung Quốc lên án đây là một sự khiêu khích.
“Trong báo cáo Chiến lược Quốc phòng tháng trước, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng: Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược tiềm tàng nhất của chúng tôi và là thách thức thường trực đối với cơ quan này”. |
Thêm vào đó, sự ngờ vực về Trung Quốc trong dư luận Mỹ cũng tiếp tục tăng lên. Một cuộc khảo sát của Pew được công bố hôm thứ Năm cho thấy 82% người Mỹ có cái nhìn không tích cực đối với Trung Quốc, tăng 6% kể từ năm 2021. Các cuộc khảo sát gần đây ở Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu cũng cho kết quả tương tự.
Mỹ tìm cách ứng phó với Bắc Kinh
Trong bối cảnh này, nhằm chuẩn bị sẵn sàng trước mọi tình thế đối đầu với Trung Quốc, Hải quân Mỹ đã phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn trong khi ngân sách bị hạn chế, ông Gilday cho hay.
Chẳng hạn, họ đã phải dừng chương trình đóng các mẫu tàu cũ, tập trung các nguồn lực vào việc tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu không chỉ ngay hôm nay mà còn luôn chủ động trong 5 năm tới cũng như phối hợp với các lực lượng khác của Mỹ như không quân, lục quân, thủy quân lục chiến, lực lượng an ninh mạng và vũ trụ.
Một trong những ưu tiên rất lớn mà Mỹ đang thực hiện để đối phó với Trung Quốc và các mối đe dọa khác, đó là kết hợp khả năng của trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh và tàu không người lái vào hoạt động của hải quân và lính thủy đánh bộ.
Ông Gilday nói, công nghệ không người lái đang phát triển nhanh chóng đến mức nhiều tàu không người lái nhỏ, dùng một lần có thể thay thế chức năng của các tàu truyền thống lớn.
Gần đây, Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm đối với công nghệ này trong hành trình dài tới 41.000 hải lý. Suốt chiều dài đó, bốn con tàu đi từ Vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ đến California theo hoạt động tự lái, chỉ duy nhất đoạn qua kênh đào Panama là cần con người vận hành.
Một chương trình hiện đại hóa khác là “Dự án Overmatch” nhằm cải tiến khả năng lưu trữ dữ liệu trên đám mây của các tàu thuyền Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, sáng kiến này không được thông tin rộng rãi.
Tại một hội nghị hồi tháng Hai, Chuẩn Đô đốc Doug Small, người đứng đầu chương trình trên, từng giải thích lý do rất cân nhắc về việc không công bố rộng rãi dự án này là vì lo ngại các đối thủ cạnh tranh sẽ tìm cách ăn trộm thông tin.
Theo ông Gilday, trong khi tác chiến, mỗi tàu chủ yếu phụ thuộc vào đám mây dữ liệu của riêng từng tàu để có thể duy trì hoạt động, ngay cả trong trường hợp bị ngắt kết nối với cơ sở dữ liệu đám mây khu vực quy mô lớn hơn như Hawaii hoặc những nơi khác.
Ưu tiên ngân sách đóng tàu mới
Một ưu tiên khác mà Mỹ đang đề cao là có được ngân sách đóng tàu mới để thay thế các tàu đã cũ.
Tàu sân bay USS Nimitz được hạ thủy vào năm 1975 hiện là tàu sân bay cũ nhất trên thế giới. Trang thiết bị của con tàu này kém xa 9 tàu sân bay thế hệ sau.
Năm tài khoá 2022, Mỹ chi ngân sách quốc phòng 782 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm trước. Tổng ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2023 đang được đề xuất là 813 tỷ USD.
Trong khi đó, công tác bảo trì cũng đang là một thách thức khi khoảng 75% số tàu được bảo trì tốn nhiều thời gian hơn dự kiến. Ngoài ra, vấn đề nhân lực, năng lực sửa chữa và bảo dưỡng các con tàu này cũng cần được chú ý - ông Gilday cho biết.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cũng đã buộc một số tàu hải quân phải lênh đênh trên biển trong thời gian rất dài vì lo ngại lây lan dịch bệnh khi vào bờ.
Điển hình, tàu sân bay Nimitz đã di chuyển liên tục 341 ngày mà không cập cảng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của thuỷ thủ đoàn mà còn tạo ra nhiều sức ép cho hoạt động hậu cần, cung ứng vật tư do nhu cầu điều trị về tâm lý, nhu cầu dinh dưỡng và nhiều vấn đề khác sẽ tăng cao.
Đô đốc Mỹ cũng đề cập đến vấn đề sắp xếp lịch trình triển khai các tàu thuyền mới, tránh việc ra mắt tới vài con tàu trong một năm và những năm sau lại không có tàu nào.
Việc triển khai liên tục như vậy làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, chương trình đào tạo thuyền viên, dịch vụ hỗ trợ và cả việc lập kế hoạch tác chiến.
Đô đốc Gilday cho biết lý tưởng nhất là hải quân Mỹ có thể đưa vào hoạt động ba tàu khu trục bình thường và hai tàu khu trục nhỏ mỗi năm và một tàu tiếp liệu cứ hai năm một lần vào cuối thập kỷ tới.
“Sự ổn định và kế hoạch được dự tính trước như vậy là tốt cho hải quân, tốt cho quốc gia và cũng tốt cho ngành công nghiệp này," ông Gilday nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa công bố 5 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Nga, chiếm 62% chi tiêu quân sự...