ĐNA: Phát hiện mới ở hang Hổ mang hé lộ bí ẩn về quá trình con người tiến hóa?
Một chiếc răng được khai quật trong hang động ở một quốc gia Đông Nam Á giúp phác họa một chương chưa rõ ràng trong câu chuyện về tiến hóa của loài người.
Phát hiện mới ở hang Hổ mang, Lào, có thể giúp giải câu đố về sự tiến hóa của loài người. Ảnh: Fabrice Demeter
Hãng CNN hôm 17/5 đưa tin, các nhà nghiên cứu cho rằng chiếc răng thuộc về một phụ nữ trẻ sống cách đây ít nhất 130.000 năm và rất có thể đây là một người Denisovan - nhóm người sơ khai bí ẩn được xác định lần đầu tiên vào năm 2010.
Chiếc răng, thuộc hàm dưới, là bằng chứng hóa thạch đầu tiên của người Denisovan ở khu vực Đông Nam Á và có thể giúp giải câu đố về sự tiến hóa của loài người.
Chiếc răng, có niên đại khoảng 131.000 đến 164.000 năm, được phát hiện trong hang Hổ mang được cho là thuộc về một phụ nữ Denisovan. Ảnh: Fabrice Demeter
Hóa thạch duy nhất của người Denisovan được tìm thấy trong hang động Denisova, thuộc dãy Altai, Siberia, Nga (khu vực Bắc Á). Tuy nhiên, bằng chứng di truyền cho thấy, người Denisovan còn xuất hiện xa hơn về phía nam (ngày nay là Philippines, Papua New Guinea và Úc.
"Điều này chứng tỏ, người Denisovan có thể cũng có mặt ở Nam Á. Và kết quả này ủng hộ cho nhận định của một số nhà di truyền học khi cho rằng người hiện đại và người Denisovan có thể đã sinh sống cùng nhau ở Đông Nam Á", Clément Zanolli, tác giả nghiên cứu và một nhà nghiên cứu về cổ sinh vật học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, cho biết.
Các nhà khảo cổ học phát hiện chiếc răng tại hang Cobra (tạm dịch: Hang Hổ mang), cách thủ đô Viêng Chăn của Lào 260km về phía bắc. Hang Hổ mang bắt đầu được khai quật từ năm 2018.
Nghiên cứu, xuất bản trên tạp chí Nature Communications hôm 17/5, ước tính, chiếc răng này có niên đại khoảng 131.000 đến 164.000 năm. Các nhà khoa học đưa ra ước tính này căn cứ vào phân tích trầm tích trong hang động, niên đại của 3 bộ xương động vật tìm thấy ở cùng tầng đá phát hiện chiếc răng, và tuổi của lớp đá chứa hóa thạch.
"Răng giống như hộp đen của một cá thể. Chúng lưu giữ nhiều thông tin sinh học và cuộc sống của mỗi con người. Các nhà cổ nhân học thường sử dụng răng để mô tả hoặc để phân biệt các loài. Vì vậy, răng là các hóa thạch rất hữu ích với chúng tôi", ông Zanolli cho hay.
So sánh với răng người cổ đại
Các nhà nghiên cứu đã so sánh các đường gờ và vết lõm trên chiếc răng mới tìm thấy với những chiếc răng hóa thạch khác của người cổ đại. Họ phát hiện chiếc răng mới không giống với răng của người Homo sapien hay Homo erectus - một chủng người cổ đại đầu tiên bước đi với dáng đứng thẳng, sống ở châu Á.
Chiếc răng trong hang động ở Lào gần giống nhất với chiếc răng của một người Denisovan được phát hiện ở cao nguyên Tây Tạng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
"Hãy tưởng tượng việc tìm thấy chiếc răng như bạn đang du hành vào một thung lũng giữa những ngọn núi. Những thung lũng và ngọn núi này là đại diện cho đặc trưng của một chủng loài", ông Zanolli nói.
Một số người hiện đại có gene của người Denisovan vì có thời điểm tổ tiên của người hiện đại là người Homo sapien đã sống cùng với người Denisovan và sinh con đẻ cái. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể nhìn lại lịch sử loài người bằng cách phân tích dữ liệu di truyền ngày nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Đàn ông bị cấm tới khu rừng của những người phụ nữ khỏa thân. Thậm chí, chỉ cần đứng ngoài nhòm ngó vào trong, họ cũng bị trừng phạt.