Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất

Sự kiện: Tin tức Hàn Quốc
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quyết định phế truất của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol có hiệu lực ngay lập tức.

Diễn biến
11h45
Bầu không khí ảm đạm tại Phủ Tổng thống

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 1

Theo Yonhap News, Phủ Tổng thống Hàn Quốc chìm trong bầu không khí ảm đạm vào ngày 4/4, sau khi Tòa án Hiến pháp nhất trí phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Các trợ lý cấp cao theo dõi trực tiếp phán quyết từ văn phòng của họ, trong khi ông Yoon được cho là đã xem từ nơi ở của mình tại trung tâm Seoul. Hiện ông Yoon vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào về quyết định của tòa.

Một số trợ lý giữ im lặng sau phán quyết. Họ là những người từng nuôi hy vọng mong manh rằng vụ luận tội sẽ bị bác bỏ và đã chuẩn bị cho khả năng ông Yoon quay trở lại.

Ngay sau thông báo phế truất vào lúc 11h22, các quan chức đã hạ lá cờ tổng thống được treo trước Phủ Tổng thống tại Yongsan.

Với việc bị tước bỏ chức vụ, ông Yoon dự kiến sẽ sớm rời khỏi dinh thự tổng thống.

Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Yoon có chuyển về nhà riêng ở phía nam Seoul ngay trong ngày hay không, vì việc chuẩn bị có thể mất thời gian.

Cựu Tổng thống Park Geun-hye đã rời Phủ Tổng thống Cheong Wa Dae hai ngày sau khi Tòa án Hiến pháp giữ nguyên quyết định luận tội bà vào năm 2017.

11h16
Toàn cảnh vụ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị phế truất

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 2

3/12/2024 – Tổng thống Yoon tuyên bố thiết quân luật trong bài phát biểu toàn quốc.

4/12/2024 – Quốc hội bỏ phiếu yêu cầu ông Yoon dỡ bỏ thiết quân luật. Ông Yoon tuyên bố chấm dứt thiết quân luật.

7/12/2024 – Quốc hội tổ chức bỏ phiếu nghị quyết luận tội ông Yoon, nhưng bị hủy do không đủ số đại biểu cần thiết.

14/12/2024 – Quốc hội thông qua nghị quyết luận tội ông Yoon lần thứ hai.

14/1/2025 – Phiên xét xử chính thức đầu tiên của vụ luận tội ông Yoon bắt đầu nhưng kết thúc sau 4 phút do ông Yoon vắng mặt.

15/1/2025 – Cơ quan Điều tra Tham nhũng Cấp cao (CIO) bắt giữ ông Yoon.

16/1/2025 – Phiên xét xử thứ hai diễn ra. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và 4 người khác được chọn làm nhân chứng.

19/1/2025 – Tòa án Quận Tây Seoul phát lệnh bắt giữ ông Yoon.

21/1/2025 – Phiên xét xử thứ ba diễn ra. Ông Yoon lần đầu xuất hiện tại tòa.

23/1/2025 – Phiên xét xử thứ tư. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun ra trình diễn làm chứng.

26/1/2025 – Công tố viện truy tố ông Yoon với tội danh cầm đầu cuộc nổi loạn.

4/2/2025 – Phiên xét xử thứ năm. Trung tướng Lee Jin-woo (cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô) và các quan chức liên quan đến thiết quân luật ra làm chứng.

6/2/2025 – Phiên xét xử thứ sáu. Trung tướng Kwak Jong-keun (cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt) và các quan chức khác ra làm chứng.

11/2/2025 – Phiên xét xử thứ bảy. Cựu Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min, Cố vấn An ninh Shin Won-sik và các quan chức khác ra làm chứng.

13/2/2025 – Phiên xét xử thứ tám. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Cho Tae-yong và các quan chức khác ra làm chứng.

18/2/2025 – Phiên xét xử thứ chín. Hai bên (ông Yoon và quốc hội) trình bày lập luận tổng kết vụ án.

20/2/2025 – Phiên xét xử thứ mười. Thủ tướng Han Duck-soo và các quan chức khác ra làm chứng.

25/2/2025 – Phiên xét xử thứ mười một (phiên cuối cùng). Ông Yoon phát biểu lời kết.

7/3/2025 – Tòa án Quận Trung tâm Seoul ra lệnh trả tự do cho ông Yoon sau khi chấp nhận yêu cầu hủy lệnh bắt giữ.

8/3/2025 – Ông Yoon được trả tự do và trở về dinh thự chính thức.

1/4/2025 – Tòa án Hiến pháp thông báo sẽ công bố quyết định về vụ luận tội Yoon vào ngày 4/4.

4/4/2025 – Tòa án Hiến pháp phê chuẩn nghị quyết luận tội của Quốc hội, chính thức cách chức ông Yoon.

10h58
Ai có thể là tổng thống Hàn Quốc tiếp theo?

Hàn Quốc sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống sớm trong vòng 60 ngày sau khi tòa án cách chức ông Yoon. Theo hiến pháp, tổng thống Hàn Quốc phục vụ một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm.

Dưới đây là sáu ứng viên tiềm năng:

Lee Jae-myung

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập đang dẫn đầu, mặc dù bản thân ông cũng đang đối mặt với một số vấn đề pháp lý.

Ông Lee từng thất bại trước ông Yoon trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 với cách biệt sít sao nhất trong lịch sử. Khi thiết quân luật được tuyên bố, ông nằm trong số các nghị sĩ chạy đến quốc hội để đảm bảo lệnh này bị bác bỏ.

Năm ngoái, ông đã dẫn dắt đảng của mình giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội.

Han Dong-hoon

Cựu lãnh đạo đảng cầm quyền Sức mạnh Nhân dân (PPP) là người phản đối mạnh mẽ tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon.

Ông Han từ chức lãnh đạo PPP do mâu thuẫn trong đảng liên quan đến lời kêu gọi ông Yoon từ chức.

Ông nhận được sự ủng hộ từ các cử tri bảo thủ ôn hòa nhưng cũng đối mặt với chỉ trích từ những người ủng hộ ông Yoon trong PPP.

Kim Moon-soo

Cựu Bộ trưởng Lao động 73 tuổi có tỷ lệ ủng hộ cao hơn so với các ứng viên bảo thủ khác, mặc dù ông cho biết chưa cân nhắc tranh cử tổng thống.

Giống nhiều chính trị gia bảo thủ khác, ông Kim lên tiếng chỉ trích việc bắt giữ ông Yoon và phiên tòa luận tội.

Oh Se-hoon

Thị trưởng Seoul 4 nhiệm kỳ là người ủng hộ việc Hàn Quốc cân nhắc sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó với Triều Tiên.

Năm nay, ông Oh đã công bố khẩu hiệu cải cách quy định "KOGA (Korea Growth Again – Hàn Quốc Tăng trưởng Trở lại)", lấy cảm hứng từ phong trào "MAGA (Make America Great Again – Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại)" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hong Joon-pyo

Ông Hong, thị trưởng thành phố Daegu – thành trì của phe bảo thủ, cho biết đang chuẩn bị tranh cử tổng thống, dù trước đó đã kêu gọi Tòa án Hiến pháp không phế truất ông Yoon.

Ông là nghị sĩ 5 nhiệm kỳ của PPP và các đảng tiền nhiệm, đồng thời từng thất bại trước ông Moon Jae-in trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.

Kim Dong-yeon

Thống đốc tỉnh Gyeonggi đã nổi lên như một ứng viên tiềm năng khác từ phe đối lập.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng 1, ông Kim cho biết "những thời điểm khó khăn có thể đang chờ phía trước, đặc biệt là với các quốc gia như Hàn Quốc" và khẳng định rằng liên minh giữa Seoul và Washington sẽ "vô cùng vững chắc" bất kể ai đứng đầu chính phủ.

10h30
Ông Yoon phải rời dinh Tổng thống, bị tước nhiều quyền lợi

Ông Yoon và vợ phải rời khỏi dinh Tổng thống ở Hannam-dong, trung tâm thủ đô Seoul. Hiện chưa rõ ông Yoon sẽ quay về sống ở đâu nhưng trước khi nhậm chức, gia đình ông sống ở phía nam Seoul.

Do bị phế truất, ông Yoon cũng bị tước bỏ quyền lợi với tư cách cựu tổng thống như lương hưu, được hỗ trợ đi lại, điều trị tại bệnh viện…

Một khi qua đời, ông Yoon cũng sẽ không được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia, nơi các cựu tổng thống Hàn Quốc được an táng.

Dù vậy, ông Yoon vẫn sẽ được bảo vệ về mặt an ninh trong vòng 5 năm kể từ ngày bị phế truất. Theo Yonhap, cơ quan an ninh Hàn Quốc sẽ chỉ tập trung bảo vệ ông Yoon tại nhà riêng và ông sẽ không được cấp đoàn xe an ninh mỗi khi di chuyển.

10h26
Quyền Tổng thống Hàn Quốc lên tiếng

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 3

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo. Ảnh: Getty

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo, người đang nắm giữ vị trí quyền tổng thống, cho biết ông sẽ duy trì "tư thế an ninh vững chắc" nhằm tránh để lại bất kỳ khoảng trống nào trong an ninh quốc gia và ngoại giao.

Ông Han cũng cam kết chuyển giao quyền lực suôn sẻ cho tổng thống tiếp theo. Theo CNA, ông Han vẫn là quyền tổng thống cho đến khi có kết quả từ một cuộc bầu cử tổng thống mới.

10h09
Rắc rối của ông Yoon chưa kết thúc

Trong một vụ án hình sự riêng biệt, ông Yoon đã bị truy tố hồi tháng 1/2025 với cáo buộc nổi loạn.

Tội danh này có thể bị trừng phạt bằng án tù chung thân, thậm chí tử hình, mặc dù Hàn Quốc đã không thi hành án tử hình trong nhiều thập kỷ.

Bất chấp cáo buộc, ông Yoon kiên quyết phủ nhận việc ông là chủ mưu cuộc nổi loạn.

Ông Yoon trở thành nhà lãnh đạo đương nhiệm đầu tiên của Hàn Quốc bị bắt giữ vào tháng 1, sau khi ban đầu từ chối hợp tác với cuộc điều tra hình sự.

Hiện ông đã được trả tự do sau khi tòa án hủy lệnh bắt giữ, nhưng vụ án vẫn trong quá trình xét xử.

10h03
Ông Yoon bị phế truất, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Hàn Quốc?

Hàn Quốc sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày.

Tổng thống mới sẽ nhậm chức ngay sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia công bố kết quả.

Sau cuộc luận tội và phế truất năm 2017, cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào ngày 9/5, sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cách chức bà Park Geun-hye vào ngày 9/3.

Các cuộc thăm dò cho thấy lãnh đạo phe đối lập Lee Jae-myung, người từng suýt thua Yoon trong cuộc bầu cử năm 2022, đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử sớm, mà không có đối thủ lớn nào đáng kể.

10h
Tiến trình bầu cử tổng thống Hàn Quốc bắt đầu vào tháng tới

Theo Yonhap, với việc ông Yoon Suk Yeol bị phế truất, cuộc bầu cử bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ phải diễn ra trong 60 ngày. Thông thường, ngày bầu cử sẽ là ngày cuối cùng của thời hạn, nghĩa là vào ngày 3/6.

Thời hạn để các ứng viên đăng ký tranh cử sẽ là vào ngày 10 – 11/5. Thời gian vận động tranh cử sẽ là sau ngày đăng ký và cho đến trước khi bầu cử diễn ra.

Luật cũng yêu cầu quan chức muốn ứng cử tổng thống phải từ chức ít nhất 30 ngày trước cuộc bầu cử, nghĩa là thời hạn chót vào ngày 4/5.

9h50
Người Hàn Quốc ăn mừng khi ông Yoon bị phế truất

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 4

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 5

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 6

9h45
Người ủng hộ ông Yoon thất vọng

Người ủng hộ ông Yoon ở Seoul đau buồn trước phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 7

9h40
Phản ứng của các bên

Đảng cầm quyền Hàn Quốc nói “lặng lẽ chấp nhận” phán quyết của Tòa Hiến pháp khi ông Yoon bị phế truất. 

Phe đối lập tuyên bố hoan nghênh phán quyết của tòa, cho rằng quyết định này là “chiến thắng của người dân”.

9h30
Tòa Hiến pháp ra phán quyết phế truất ông Yoon

Tòa Hiến pháp ra phán quyết phế truất Tổng thống Yoon và quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống để chọn người kế nhiệm ông Yoon trong vòng 60 ngày.

Phán quyết cho biết ông Moon đã hành động vượt quá quyền hạn được quy định trong hiến pháp. Việc ban bố thiết quân luật đã vi phạm các quyền cơ bản của người dân, Reuters đưa tin. Tòa án cũng tuyên bố ông Yoon "không chỉ đơn thuần tuyên bố thiết quân luật, mà còn tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm hiến pháp và pháp luật khác, bao gồm việc huy động lực lượng quân đội và cảnh sát để cản trở Quốc hội thực thi quyền hạn của mình".

Những hành động của ông Yoon đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sự ổn định của nền cộng hòa dân chủ. Việc ban bố thiết quân luật của ông Yoon cũng can thiệp vào sự độc lập của ngành tư pháp, thẩm phán Moon kết luận.

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 8

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 4/4 đã bị Tòa Hiến pháp phế truất.

9h10
Phiên họp luận tội ông Yoon diễn ra

Thẩm phán Moon của tòa án hiến pháp cho biết việc xem xét luận tội ông Yoon là hợp lý về mặt thủ tục, Reuters đưa tin.

Ông Moon cho rằng khó có thể coi hành động của phe đối lập Hàn Quốc là một cuộc khủng hoảng quốc gia nghiêm trọng để biện minh cho việc Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật, theo Reuters.

Thẩm phán Moon, quyền Chánh án Tòa Hiến pháp, cho biết ông Yoon đã lạm dụng chức vụ quyền hạn khi huy động quân đội thực thi lệnh thiết quân luật.

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 9

8 thẩm phán Hàn Quốc họp luận tội ông Yoon hôm 4/4.

9h00
Tòa án Hiến pháp mở phiên họp để ra phán quyết về việc luận tội ông Yoon

Tòa án hiến pháp Hàn Quốc bắt đầu đưa ra phán quyết về việc luận tội Yoon Suk Yeol vào lúc 11h giờ địa phương (9h, giờ Việt Nam) trong phiên họp được truyền hình toàn quốc.

Theo New York Times, cuộc họp bắt đầu khi quyền Chánh án Moon Hyungbae đọc tuyên bố bao gồm phán quyết của tòa án về việc có nên cách chức hay phục chức cho Tổng thống Yoon hay không.

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 10

Bên trong Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc

8h55
Hàn Quốc tăng cường an ninh

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 11

Lối vào Tòa án Hiến Pháp đã bị cảnh sát Hàn Quốc phong tỏa, cấm người biểu tình tiếp cận.

Nhà chức trách Hàn Quốc đã triển khai 7.000 cảnh sát ở bên ngoài Tòa án Hiến pháp và khu vực xung quanh, khi tòa án sắp đưa ra phán quyết về việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, theo Yonhap.

Hơn 2.000 cảnh sát cũng được triển khai tới khu Hannam-dong, nơi có dinh tổng thống. 1.300 cảnh sát cũng được huy động tới Yeouido, phía nam Seoul.

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất - 12

Cảnh sát chống bạo động Hàn Quốc có mặt tại một con đường gần Tòa án Hiến pháp. 

Toàn bộ khu vực ngoại vi Tòa án Hiến pháp đã được cảnh sát bố trí chướng ngại vật. Mọi hình thức biểu tình đều bị cấm. Khong một ai được phép đi vào khu vực trước tòa Tòa án Hiến pháp ngoại trừ cảnh sát, nhân viên tòa án hoặc giới truyền thông.

Ngoài ra, nhà chức trách đã huy động có lực lượng bảo vệ an ninh cho các thẩm phán.

Người biểu tình Hàn Quốc mang biểu ngữ ủng hộ luận tội ông Yoon. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình Hàn Quốc mang biểu ngữ ủng hộ luận tội ông Yoon. Ảnh: Reuters.

Thời điểm sau khi ông Yoon Suk Yeol bị luận tội, tòa án không đưa ra quyết định ngay về việc ông có vi phạm hiến pháp hay không, mà thay vào đó đã dành hơn năm tuần để cân nhắc trong bí mật.

Quyết định mang tính bước ngoặt

Ông Yoon không có kế hoạch tham dự phiên tòa. Nếu bị phế truất, Hàn Quốc sẽ phải tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày. Nếu được khôi phục quyền lực, ông sẽ phải đối mặt với thách thức lèo lái nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trong bối cảnh Mỹ - đồng minh an ninh quan trọng nhất của Seoul – áp thuế quan cứng rắn.

Phán quyết này đánh dấu cao trào của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài - cuộc khủng hoảng làm lu mờ nỗ lực thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại.

Bên cạnh đó, ông Yoon, 64 tuổi, còn phải đối mặt với một phiên tòa hình sự về cáo buộc nổi loạn. Ông trở thành tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm đầu tiên bị bắt giữ vào ngày 15/1, nhưng được thả vào tháng 3 sau khi tòa án hủy bỏ lệnh bắt giữ với lý do có vấn đề về thủ tục điều tra.

Cơn bão chính trị từ sắc lệnh thiết quân luật

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ việc ông Yoon ban bố thiết quân luật vào ngày 3/12, với lý do cần trấn áp “các phần tử chống nhà nước” và ngăn chặn Đảng Dân chủ đối lập lạm dụng thế đa số trong quốc hội, điều mà ông cho là đang “hủy hoại đất nước”.

Tuy nhiên, sắc lệnh bị dỡ bỏ chỉ sau sáu giờ khi quốc hội bác bỏ nó, bất chấp nỗ lực của lực lượng an ninh nhằm phong tỏa tòa nhà lập pháp. Ông Yoon khẳng định không có ý định thực sự áp đặt tình trạng khẩn cấp và cho rằng sự việc không gây thiệt hại gì nghiêm trọng.

Các luật sư của quốc hội lập luận trước Tòa án Hiến pháp rằng hành động của ông Yoon giống như một “nhà độc tài”. Theo quy định, ít nhất sáu trong số tám thẩm phán phải đồng ý thì tổng thống mới bị phế truất.

Sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội

Sự chậm trễ hơn một tháng trong việc đưa ra quyết định đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa đảng cầm quyền - nơi nhiều thành viên ủng hộ việc khôi phục quyền lực cho ông Yoon - và phe đối lập, vốn cho rằng việc này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến trật tự hiến pháp.

Xã hội Hàn Quốc cũng rơi vào tình trạng chia rẽ sâu sắc, với những cuộc biểu tình lớn tại Seoul từ cả hai phe ủng hộ và phản đối ông Yoon. Cảnh sát đã triển khai hơn 14.000 sĩ quan để đề phòng nguy cơ bạo lực.

Dù kết quả thế nào, các nhà phân tích cho rằng phán quyết vào ngày 4/4 khó có thể làm dịu đi căng thẳng hiện nay.

Một câu hỏi lớn khác là liệu ông Yoon, người đã chịu nhiều tổn thất về uy tín do những bê bối cá nhân và mâu thuẫn chính trị, có thể tiếp tục điều hành hiệu quả trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ nếu được khôi phục quyền lực hay không.

Theo khảo sát của Gallup Korea công bố tuần trước, 60% người dân ủng hộ việc phế truất tổng thống, dù con số này đã giảm so với thời điểm ngay sau sắc lệnh thiết quân luật.

Một ngày trước khi Tòa án Hiến pháp quyết định số phận chính trị của ông Yoon Suk-yeol, Hàn Quốc gấp rút hoàn thiện văn bản pháp lý, siết chặt an ninh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Reuters ([Tên nguồn])
Tin tức Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN