Đỉnh dịch Omicron dần qua, đừng chủ quan với người lớn tuổi
Làn sóng dịch Omicron đang dần qua đỉnh nhưng vẫn có thể bùng lại nếu chủ quan và vẫn đặc biệt rủi ro với người lớn tuổi.
Video: Đỉnh dịch Omicron dần qua, đừng chủ quan với người lớn tuổi
Dữ liệu tại nhiều nước cho thấy làn sóng biến thể Omicron bắt đầu dần qua đỉnh khi số ca nhiễm mới có xu hướng giảm mạnh. Song giới chuyên gia cảnh báo vẫn cần tiếp tục cảnh giác do đặc tính của biến thể vẫn có thể khiến hệ thống y tế quá tải bất kỳ lúc nào.
Người dân Pháp xếp hàng xét nghiệm trước một hiệu thuốc ở thủ đô Paris hồi tháng 12-2021. Ảnh: AP
Tín hiệu tích cực ở nhiều khu vực
Theo tạp chí Fortune, Nam Phi đã đạt đỉnh từ cuối tháng 12 năm ngoái và hiện nước này ghi nhận khoảng 2.000-4.000 ca nhiễm mới/ngày, giảm mạnh so với mức 10.000-20.000 ca khi Omicron mới xuất hiện. Số ca nhập viện lúc này bằng 2/3 số ca nhập viện trong đợt dịch do biến thể Delta gây ra và hầu hết các trường hợp này đều được xuất viện nhanh.
Tại châu Âu, đợt dịch Omicron cũng đang bắt đầu chững lại và khả năng sẽ chạm đỉnh trong tháng này hoặc tháng sau. Đơn cử, số ca nhiễm trung bình/ngày trong tuần từ ngày 10 đến 16-1 ở Anh đã giảm 30.000 ca so với lúc Omicron bắt đầu lây lan. Theo ước tính của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, cứ 15 người ở Anh thì chỉ còn một người nhiễm bệnh.
Tỉ lệ lây nhiễm Omicron tại Pháp cũng có chiều hướng đi xuống. Tại những khu vực nóng như vùng thủ đô Ile-de-France (gồm tám tỉnh, trong đó có thủ đô Paris), số ca nhiễm từ hơn 4.100 ca/100.000 người dân hồi đầu tuần qua xuống còn gần 3.800 ca/100.000 người dân. Pháp có khả năng sẽ chạm đỉnh dịch trước tháng 2. Tuy nhiên, tờ Midi Libre dẫn lời Chủ tịch Hội đồng định hướng chiến lược vaccine Pháp - GS Alain Fischer nhận định phải tới tháng 3 mới có thể kiểm soát hoàn toàn đợt dịch. Những biến thể mới có thể xuất hiện nhưng nhiều khả năng sẽ yếu hơn Omicron, khi mức độ nguy hiểm của các biến thể virus đang giảm dần so với trước.
Giới chức y tế ở Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng dự đoán hai nước có khả năng sẽ đạt đỉnh dịch Omicron trong khoảng thời gian tương tự.
Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ hồi đầu tháng 1 từng dự báo rằng có thể hơn 50% dân số ở châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới.
Chưa nên vội mừng
Trước diễn biến tích cực trên, nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo các nước không chủ quan, vì còn nhiều yếu tố gây lo ngại. Thứ nhất, vẫn chưa thể đánh giá đúng được việc người dân quay lại trường học và chỗ làm sau kỳ nghỉ Giáng sinh và mừng năm mới vừa qua sẽ có tác động thế nào đến làn sóng dịch.
Thứ hai, đến nay hầu hết các ca nhiễm và nhập viện do Omicron đều là những nhóm tuổi nhỏ hơn, các chuyên gia vẫn chưa nói chính xác được liệu Omicron có làm tăng số ca nhập viện hay không trong trường hợp biến thể này lây lan mạnh trong các nhóm người dân lớn tuổi hơn.
Thứ ba, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid, dù làn sóng bệnh nhân nhập viện bắt đầu dịu lại, song hệ thống y tế vẫn sẽ chịu áp lực trong vài tuần tới để giải quyết nốt những trường hợp đang điều trị. Một hệ lụy khác của tình trạng quá tải hệ thống y tế kéo dài là độ linh hoạt trong chữa trị các bệnh nhân khác ngoài COVID-19 của các bệnh viện ở châu Âu bị ảnh hưởng, theo hãng tin AP. Thống kê từ Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh cho biết khoảng 13.000 bệnh nhân các bệnh khác ở Anh trung bình phải chờ hơn 12 tiếng trước khi có giường nằm. Nước Anh hiện cũng có khoảng 5,9 triệu dân đang phải chờ được khám sàng lọc ung thư và phẫu thuật theo lịch trình cũng như một số dịch vụ chăm sóc y tế khác. Các chuyên gia ước tính con số đó có thể tăng gấp đôi trong thời gian tới nếu không giảm được số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.
Ở Pháp, các nhân viên y tế liên tục buộc phải tăng ca và làm việc quá sức mỗi ngày để chăm sóc lượng bệnh nhân COVID-19 khổng lồ, không có thời gian lo cho các bệnh nhân khác. Chẳng hạn tại BV Strasbourg thuộc TP Strasbourg, tuần qua có khoảng 15% trong 13.000 nhân viên ở đây nghỉ việc. Tại một số bệnh viện khác, tỉ lệ nhân viên nghỉ việc có thể lên tới 20%.
Tỉ lệ trẻ em nhiễm Omicron ở Anh bất ngờ tăng vọt Theo tờ The Guardian, dữ liệu nghiên cứu của Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và hội chứng suy hô hấp cấp nặng (ISARIC) - được nhóm cố vấn khoa học của chính quyền Anh xuất bản hồi cuối tuần trước - cho thấy từ giữa tháng 12-2021 đến giữa tháng 1 năm nay khi biến thể Omicron lây lan nhanh khắp nước, tỉ lệ trẻ sơ sinh nhiễm và nhập viện đã tăng lên 42% so với trước đó. Trong đó, trẻ em sống tại những khu vực khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hầu hết trẻ sơ sinh nhiễm bệnh đều phải nhập viện với các triệu chứng sốt và ho. Dù vậy, bình luận về số liệu nói trên, GS Calum Semple thuộc ĐH Liverpool (Anh) cho biết trẻ sơ sinh nhiễm COVID-19 thường có các triệu chứng rất nhẹ. “Phụ huynh không nên quá lo lắng, hầu hết trẻ sơ sinh chỉ phải nhập viện trong một khoảng thời gian ngắn để kiểm tra. Tỉ lệ trẻ phải điều trị trong đơn vị chăm sóc tích cực cũng đang giảm dần theo thời gian” - chuyên gia này nói. |
Nguồn: [Link nguồn]
Mũi tiêm ngừa Covid-19 thứ tư giúp tăng lượng kháng thể ở mức cao hơn mũi tiêm thứ 3, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn ngừa...