Điều xảy ra khi cấy ghép thận lợn biến đổi gen vào cơ thể người đàn ông chết não

Các bác sĩ phẫu thuật ở Mỹ cấy ghép thận lợn vào cơ thể một người đàn ông chết não và sau hơn một tháng, quả thận này vẫn hoạt động bình thường. Đây được coi là bước tiến đột phá, mở ra hi vọng để cấy ghép thận lợn trên người sống trong tương lai.

Bác sĩ Robert Montgomery là người trực tiếp cấy ghép quả thận lợn cho một người chết não để đánh giá chức năng hoạt động.

Bác sĩ Robert Montgomery là người trực tiếp cấy ghép quả thận lợn cho một người chết não để đánh giá chức năng hoạt động.

Các nhà khoa học trên thế giới trong những năm qua đã chạy đua, tìm cách sử dụng nội tạng động vật để cứu sống mạng người. Các thử nghiệm cho đến nay chủ yếu dừng lại ở những người chết não, hiến tặng cơ thể còn sống cho y học. Những người này được coi là đã chết nhưng cơ thể vẫn còn quá trình trao đổi chất, qua đó phù hợp để thực hiện các thí nghiệm cấy ghép.

Trung tâm y tế NYU Langone Health ở thành phố New York (Mỹ) hôm 16/8 công bố thông tin, cho biết đây là quả thận lợn hoạt động trong cơ thể người lâu nhất từ trước đến nay. Các nhà nghiên cứu cho biết, họ vẫn sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của quả thận trong tháng thứ hai.

"Liệu quả thận lợn có thể hoạt động bình thường như nội tạng người? Cho đến nay, có vẻ là như vậy", bác sĩ Robert Montgomery, giám đốc viện cấy ghép của NYU Langone, nói với hãng tin AP.

Hôm 14/7, ông Montgomery đã trực tiếp thay thế hai quả thận của người chết não bằng một quả thận lợn. "Mọi thứ có vẻ rất tốt", ông Montgomery nói khi đó, cho biết quả thận vẫn bài tiết các chất thải như bình thường.

Quả thận dùng để cấy ghép được lấy từ một con lợn biến đổi gene để loại bỏ các phân tử sinh học mà hệ thống miễn dịch của con người phản ứng lại.

"Chúng tôi đã thu thập bằng chứng cho thấy, ít nhất là đối với quả thận, chỉ cần loại bỏ gene liên quan đến sự đào thải và kết hợp với dùng thuốc ức chế miễn dịch thì thận lợn vẫn có thể hoạt động bình thường trong cơ thể người", ông Montgomery nói.

Khả năng một ngày nào đó nội tạng lợn có thể cấy ghép an toàn trên người đã thuyết phục gia đình hiến tặng cơ thể người đàn ông Maurice Miller, 57 tuổi, cho thí nghiệm. Ông Miller về cơ bản đã qua đời với căn bệnh ung thư não.

"Tôi nghĩ đây là điều em trai tôi mong muốn, để có thể giúp đóng góp vào tiến bộ của y học. Vậy nên gia đình tôi đồng ý hiến tặng cơ thể cho thí nghiệm", chị gái ông Miller, bà Mary Miller-Duffy nói với AP.

Những nỗ lực cấy ghép nội tạng động vật sang người, hay còn gọi là cấy ghép ngoại lai, đã thất bại trong nhiều thập kỷ do hệ thống miễn dịch của con người phản ứng lại. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang sử dụng lợn biến đổi gen để nội tạng của chúng phù hợp hơn với cơ thể con người.

Năm ngoái, các nhà khoa học ở Mỹ cũng cấy ghép tim lợn cho một người đàn ông còn sống. Quả tim hoạt động bình thường trong hai tháng rồi đột ngột ngừng đập vì nguyên nhân mà các nhà khoa học chưa thể xác định.

Ước tính hơn 100.000 người ở Mỹ hiện vẫn đang chờ ghép tạng. Hàng ngàn người qua đời mỗi năm trong khi chờ đợi.

Bác sĩ Muhammad Mohiuddin đến từ Đại học Maryland tỏ ra thận trọng. "Chúng ta vẫn chưa biết quả thận lợn khi được cấy ghép cho người sống sẽ ra sao. Nhưng các thử nghiệm trên là cần thiết để công chúng 'không bị sốc' trước khi cấy ghép trên người sống", ông Mohiuddin nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Canh bạc ”sinh tử” của người đàn ông đầu tiên nhận ghép tim lợn ở Mỹ

Ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ) là ca phẫu thuật ghép tim lợn đầu tiên cho người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - AP ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN