Điều sâu xa khiến Thái tử Ả Rập Saudi ngày càng “quay lưng” với Mỹ
Thái tử Mohammed bin Salman (MbS) đang theo đuổi chiến lược phục vụ lợi ích riêng của Ả Rập Saudi, kể cả khi điều này làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman muốn xây dựng chiến lược độc lập phục lợi ích quốc gia.
Theo Reuters, thái tử MbS đang thực hiện các chiến lược tách biệt với Mỹ, miễn là phục vụ lợi ích của Ả Rập Saudi, dù đó là khôi phục quan hệ với kẻ thù của Mỹ như Iran, thúc đẩy hợp tác với đối thủ của Mỹ là Trung Quốc, hay cắt giảm sản lượng khai thác dầu, gián tiếp tạo ra lợi ích cho Nga - quốc gia đang chịu các lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ và phương Tây.
Mục đích sâu xa của chiến lược là phục vụ "Tầm nhìn 2030", trong đó Ả Rập Saudi đặt mục tiêu chuyển đổi kinh tế rộng lớn, không còn là quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ. Mục tiêu mà thái tử MbS, quốc vương tương lai của Ả Rập Saudi nhắm tới là mở rộng cơ hội kinh doanh và khai thác nguồn thu từ du lịch, trong bối cảnh cạnh tranh khu vực đang gia tăng.
Theo giới phân tích, thái tử MbS đã bắt đầu thay đổi chiến lược kể từ năm 2019, sau khi phiến quân Houthi thân Iran giáng đòn tập kích gây thiệt hại cho các cơ ở dầu mỏ của Ả Rập Saudi. Thái tử đặt dấu hỏi về vai trò của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh ở Trung Đông.
Sự thất vọng của thái tử MbS với Mỹ càng gia tăng khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào năm 2021. Ông Biden thường xuyên chỉ trích các chính sách của thái tử MbS, rút Mỹ khỏi chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Yemen do thái tử phát động, chỉ trích thái tử vì vai trò trong cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Với chiến lược mới, Ả Rập Saudi không muốn can dự vào các cuộc xung đột, căng thẳng tiềm tàng trong khu vực.
Abdulaziz Sager, nhà phân tích người Ả Rập Saudi, nói: "Riyadh đang tự mình thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trong và ngoài khu vực để hướng tới chiến lược Tầm nhìn 2030”.
Thái tử MbS đã chọn con đường ngoại giao, khôi phục quan hệ với Iran, nối lại quan hệ với Syria trong nỗ lực xây dựng lại các liên minh khu vực, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sự bảo trợ của Mỹ.
Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, Ả Rập Saudi đang đang lên kế hoạch mời Tổng thống Syria Bashar al-Assad tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập. Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra tại Riyadh vào tháng 5/2023. Động thái này sẽ chính thức chấm dứt tình trạng cô lập trong khu vực của Syria.
Gần đây, Ả Rập Saudi cũng trở thành đối tác đối thoại của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), hướng tới trở thành thành viên chính thức. SCO là khối an ninh có Nga và Trung Quốc.
Theo giới quan sát, Ả Rập Saudi đang muốn vun đắp mối quan hệ lâu dài với Bắc Kinh và Moscow, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực đến Washington.
Một quan chức Ả Rập Saudi đã lên tiếng trấn an, nói rằng Nga, Mỹ hay Trung Quốc đều là các đối tác quan trọng của Ả Rập Saudi. "Chúng tôi không muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh hay tranh chấp giữa các siêu cường. Chúng tôi muốn trở thành quốc gia có vai trò quan trọng trong các chính sách ở khu vực và có ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu", quan chức giấu tên nói.
Hôm 3/4, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thuộc Nhà Trắng, John Kirby nói Ả Rập Saudi vẫn là đối tác chiến lược của Mỹ, ngay cả khi hai quốc gia có những bất đồng.
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Ả Rập Saudi một lần nữa được chứng minh trong chính sách dầu mỏ. Hôm 2/4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và Nga (OPEC+) đã tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm 1,16 triệu thùng dầu mỗi ngày. Động thái khiến Mỹ bày tỏ sự phản đối vì làm giá dầu thế giới tăng trở lại.
Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Ả Rập Saudi, nói quyết định cắt giảm cho thấy các nhà sản xuất dầu hàng đầu trên thế giới không còn chịu sự chi phối của Mỹ và phương Tây.
Quyết định trên của OPEC+ cũng giúp gián tiếp tạo ra lợi ích với Nga, vì giá dầu tăng sẽ giúp Nga tăng nguồn thu, trái với mong muốn của Mỹ.
Nhưng nhìn chung, Ả Rập Saudi đang muốn theo đuổi một chính sách độc lập, trong đó đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. "Ả Rập Saudi không chỉ kiếm được nhiều tiền hơn từ dầu mỏ mà còn thông qua dầu mỏ để tạo ra vị thế địa chính trị lớn hơn khi thị trường ngày càng thắt chặt như hiện nay", Jim Krane, nhà nghiên cứu đến từ Viện baker thuộc Đại học Rice ở Mỹ, nói.
Quốc gia dầu mỏ Trung Đông đã gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với tư cách là đối tác đối thoại.
Nguồn: [Link nguồn]