Điều Mỹ rút ra từ hàng loạt vũ khí và phương thức chiến đấu mới triển khai ở Ukraine
Cuộc xung đột ở Ukraine nói chung và việc các vũ khí Mỹ được sử dụng, như lựu pháo M777, pháo phản lực HIMARS và nhiều vũ khí khác, đang giúp Mỹ rút kinh nghiệm và xây dựng phương thức chiến đấu phù hợp
Giới chức Mỹ đánh giá lựu pháo M777 bộc lộ nhiều nhược điểm trong xung đột ở Ukraine.
Theo CNN, cuộc xung đột ở Ukraine cũng mang đến cho Mỹ cơ hội để nghiên cứu xem các hệ thống vũ khí phương Tây hoạt động ra sao trong môi trường chiến đấu thực sự với cường độ cao.
Giới chức Mỹ cũng đánh giá các phương thức tác chiến mới mà Nga sử dụng, gồm tập kích quy mô lớn bằng tên lửa tầm xa và UAV cảm tử.
Ukraine "trở thành một phòng thí nghiệm vũ khí theo đúng nghĩa đen vì nhiều vũ khí Nga và Mỹ trước đây chưa từng được sử dụng để đối phó nhau trong môi trường tác chiến thực sự", một quan chức tình báo Mỹ nói. "Đây là cuộc thử nghiệm chiến đấu trong thế giới thực".
Đối với quân đội Mỹ, cuộc xung đột ở Ukraine là một nguồn dữ liệu khổng lồ về năng lực chiến đấu của pháo phản lực HIMARS hay lựu pháo M777 và nhiều vũ khí khác.
Theo CNN, giới chức Mỹ nhận thấy máy bay không người lái Switchblade 300 và tên lửa chống radar AGM-88 HARM hóa ra lại kém hiệu quả trên chiến trường hơn so với dự đoán. Các vũ khí Mỹ thành công nhất phải kể tới pháo phản lực M142 HIMARS. Giới chức Mỹ cũng có đánh giá về mức độ sửa chữa và bảo trì của các hệ thống vũ khí trong điều kiện tác chiến liên tục.
HIMARS là vũ khí Mỹ cung cấp cho Ukraine, gây được tiếng vang lớn nhất.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói cách thức Ukraine sử dụng pháo phản lực HIMARS để tập kích kho đạn, trung tâm chỉ huy và nơi Nga tập trung các binh sĩ sẽ được giới lãnh đạo quân sự nghiên cứu trong nhiều năm.
Theo CNN, một thông tin chi tiết quan trọng khác là về lựu pháo M777, loại vũ khí từng là một phần quan trọng trong sức mạnh trên chiến trường của Ukraine. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói lựu pháo M777 sẽ tạm thời phải ngừng hoạt động nếu các binh sĩ Ukraine bắn liên tục trong thời gian ngắn. Độ chính xác và tầm bắn của pháo cũng suy giảm. Trước đây, các binh sĩ Mỹ chưa từng sử dụng lựu pháo M777 với cường độ cao đến mức như vậy.
Theo quan chức Mỹ, các lựu pháo như M777 đang tỏ ra lỗi thời và không còn phù hợp với điều kiện tác chiến ở thế kỷ 21. "Trong thời đại mà các UAV liên tục quần thảo trên bầu trời, rất khó để che giấu các lựu pháo, vốn cần xe kéo chuyên dụng", một quan chức Mỹ giấu tên nói.
Giới chức Mỹ cũng chú ý đến cách quân đội Ukraine trang bị cho các nhóm binh sĩ tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin. Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, chỉ một nhóm vài binh sĩ Ukraine có thể thâm nhập từ hai bên sườn và bắn cháy xe tăng Nga.
Một nhóm binh sĩ Ukraine sử dụng súng máy hạng nặng gắn trên xe bán tải để đối phó UAV.
Nhắc đến các bài học kinh nghiệm trên chiến trường Ukraine, hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Jim Himes, thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói “lượng thông tin giá trị đủ để viết thành một cuốn sách".
Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng chú ý đến cách Nga sử dụng UAV trong giao tranh để phát triển cơ chế mới nhằm bảo vệ các binh sĩ Mỹ trong trường hợp bị tập kích bằng UAV, đặc biệt khi di chuyển trên xe bọc thép.
Ấn tượng với cách các UAV cảm tử được Nga sử dụng trong xung đột, giới chức Mỹ cũng muốn các nhà thầu quốc phòng chế tạo vũ khí tương tự với giá rẻ.
"Chúng tôi hy vọng ngành công ngiệp quốc phòng có thể chế tạo những UAV cảm tử có giá chỉ 10.000 USD/chiếc", một quan chức Mỹ giấu tên nói, theo CNN.
Ukraine không từ bỏ thành phố Soledar và giao tranh ở khu vực vẫn đang tiếp diễn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tối 15/1.
Nguồn: [Link nguồn]