Điều Mỹ lo ngại sau vụ Tổng thống Iran tử nạn

Chính quyền của ông Biden vẫn theo dõi chặt chẽ cách Iran phản ứng trước cái chết bất ngờ của Tổng thống Ebrahim Raisi, cảnh báo chỉ cần một cáo buộc cũng có thể làm leo thang căng thẳng.

Một người treo bức chân dung lớn của cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bên ngoài Đại sứ quán Iran ở Iraq ngày 20/5/2024. Ảnh: AFP

Một người treo bức chân dung lớn của cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bên ngoài Đại sứ quán Iran ở Iraq ngày 20/5/2024. Ảnh: AFP

Tờ Politico của Mỹ ngày 20/5 (giờ địa phương) đưa tin, tới lúc này, các quan chức cấp cao của Mỹ mong đợi sẽ có rất ít (nếu có) thay đổi trong chính sách của Iran trước khi nước này bầu Tổng thống mới.

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei, 85 tuổi, vẫn là người nắm quyền lực lớn nhất ở quốc gia này. Vấn đề chính trị khó đoán ở Iran lúc này được cho là xoay quanh việc ai sẽ được bầu vào vị trí tổng thống. 

Ngoài ra, một câu hỏi khác cũng thu hút sự quan tâm về chính trị Iran đó là ai sẽ kế nhiệm Lãnh đạo tối cao Khamenei. Cố Tổng thống Raisi từng là một ứng viên tiềm năng cho vị trí này nhưng sự ra đi của ông trong vụ rơi trực thăng đã khiến câu hỏi này thêm phần khó giải đáp.

Theo Politico, Washington đang theo dõi cách Iran xử lý tình thế chính trị rối ren như thế nào và cách xử lý đó có tác động gì với quá trình tìm người thay thế Lãnh đạo tối cao Khamenei.

Chính quyền của ông Biden cho rằng, Iran sẽ quá bận tâm để giải quyết vấn đề chính trị rối ren trước mắt nên không thực hiện các thay đổi lớn với chính sách trong khu vực, bao gồm cả việc hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm đang gây khó khăn cho Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi.

"Tôi không kỳ vọng vào bất kỳ thay đổi chính sách nào," một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói. Năm quan chức giấu tên khác cũng có nhận định tương tự.

Ngày 20/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã "gửi lời chia buồn" của Washington tới Tehran về cái chết của Tổng thống Iran, Ngoại trưởng Iran cùng 7 người khác trên trực thăng. Động thái này khiến nhiều người bất ngờ vì 2 nước xem nhau là đối thủ trong nhiều thập kỷ.

Iran đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ khi Tehran tìm kiếm chiếc trực thăng mất tích ngày 19/5, ông Miller cho biết. "Chúng tôi nói Mỹ sẵn sàng hỗ trợ. Nhưng cuối cùng vì lý do hậu cần, chúng tôi không thể hỗ trợ Iran", ông Miller nói.

Dù hiện tại, tình hình có vẻ đã "êm xuôi" nhưng đó không phải là cảm nhận ban đầu của chính quyền Mỹ khi truyền thông nhà nước Iran đưa tin ban đầu về vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran.

Theo Politico, các quan chức Mỹ đã hồi hộp theo dõi các thông tin cập nhật từ cuộc tìm kiếm chiếc trực thăng mất tích trong nhiều giờ và tự hỏi vụ việc sẽ tác động như thế nào đến Trung Đông.

Theo 3 quan chức cấp cao của Mỹ, khi cuộc tìm kiếm kéo dài gần nửa ngày, các quan chức Mỹ cũng nghe ngóng xem Iran có thể cáo buộc ai về vụ rơi trực thăng này.

Chính quyền của ông Biden được cho là lo ngại về khả năng Tehran ngay lập tức cáo buộc Israel và Mỹ đã phá hoại, dẫn đến vụ rơi trực thăng.

"Thời điểm đó, nếu có ai đó hỏi liệu đây có phải là khởi đầu cho Thế chiến III hay không thì cũng không hẳn là vô lý", một quan chức cấp cao của Mỹ nói.

Ngày 20/5, các quan chức Mỹ và Israel đều phủ nhận có liên quan đến vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran.

Nguồn: [Link nguồn]

Một lời đồn đoán lâu năm lại dấy lên sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người được kỳ vọng thay thế Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, tử nạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Politico ([Tên nguồn])
Trực thăng chở Tổng thống Iran rơi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN