Điều khoản phòng thủ chung Nga-Triều Tiên và cục diện an ninh Đông Bắc Á

Giới quan sát cho rằng việc Nga và Triều Tiên công bố điều khoản phòng thủ chung đã tạo ra thay đổi trong cục diện khối Nga-Trung-Triều và Mỹ-Nhật-Hàn tại khu vực Đông Bắc Á.

Ngày 19-6, nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Triều Tiên, Tổng thống Putin và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Triều Tiên-Nga, trong đó có điều khoản phòng thủ chung, đảm bảo sự hỗ trợ quân sự nếu một trong hai bên bị tấn công hoặc rơi vào tình trạng chiến tranh, theo hãng thông tấn TASS.

Dù Điện Kremlin nói rằng hiệp ước này không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào nhưng văn kiện đã vấp phải phản ứng của Hàn Quốc và các đồng minh của Seoul.

Hiệp ước “mạnh mẽ” và “đột phá”

Theo toàn văn hiệp ước do hãng thông tấn KCNA đăng tải, hai bên mong muốn ổn định chiến lược toàn cầu và thiết lập một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng mới, duy trì liên lạc chặt chẽ và tăng cường hợp tác chiến lược và chiến thuật.

Hiệp ước bao gồm các điều khoản về hợp tác chính trị, thương mại, đầu tư và an ninh. Trong đó, hợp tác về an ninh được quy định trong Điều 4 của hiệp ước là điều khoản gây chú ý nhất.

Điều 4 nêu rõ rằng trong trường hợp “có nguy cơ xâm lược vũ trang trực tiếp” đối với một trong hai bên, hai bên sẽ ngay lập tức vận hành kênh đàm phán song phương nhằm điều chỉnh lập trường theo yêu cầu của bên còn lại và thảo luận các biện pháp thực tế khả thi để đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau loại bỏ mối đe dọa hiện hành.

“Trong trường hợp bất kỳ bên nào trong hai bên bị đặt vào tình trạng chiến tranh do một cuộc xâm lược vũ trang từ một hoặc nhiều quốc gia, bên kia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự và những hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện ngay lập tức” - theo hiệp ước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện ở thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) hôm 19-6. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện ở thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) hôm 19-6. Ảnh: REUTERS

Bình luận về hiệp ước, ông Kim Jong-un nói rằng đây là “hiệp ước mạnh mẽ nhất từ ​​trước đến nay” giữa Moscow và Bình Nhưỡng và là “bước ngoặt trong sự phát triển của quan hệ song phương”.

Trong khi đó, ông Putin nói rằng hiệp ước mang tính “đột phá” và “không loại trừ” khả năng hai nước sẽ phát triển hợp tác lĩnh vực kỹ thuật quân sự dựa trên nền tảng hiệp ước.

Ngay sau khi Nga, Triều Tiên công bố hiệp ước, Hàn Quốc ngày 21-6 đã phản đối gay gắt bằng việc triệu tập Đại sứ Nga tại Seoul - ông Georgy Zinoviev để truyền đạt lập trường của Seoul. Theo đó, Hàn Quốc kêu gọi Nga “hành động có trách nhiệm”, lưu ý rằng sự hỗ trợ quân sự của Nga dành cho Triều Tiên sẽ gây tổn hại đến an ninh của Hàn Quốc và chắc chắn sẽ có “tác động tiêu cực” đến quan hệ Seoul-Moscow.

Ngoài ra, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết sẽ xác định mức độ viện trợ vũ khí cho Ukraine dựa trên lập trường của Nga đối với Triều Tiên.

Mỹ, một đồng minh thân thiết của Hàn Quốc, cũng bày tỏ quan ngại về điều khoản hỗ trợ phòng thủ Nga - Triều Tiên. Ngày 23-6, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng CQ Brown nói rằng hiệp ước có thể khiến Nga xích mích với Trung Quốc.

Ngày 24-6, ba nước Mỹ-Nhật-Hàn đã ra tuyên bố chung lên án mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga.

Tuyên bố cho rằng việc ký kết hiệp ước giữa Triều Tiên và Nga “là mối quan ngại sâu sắc đối với bất kỳ ai quan tâm đến việc duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”.

Ba đồng minh cho biết sẽ “tăng cường hơn nữa hợp tác về an ninh để chống lại các mối đe dọa” mà Bình Nhưỡng đặt ra đối với an ninh khu vực và toàn cầu.

Bức tranh an ninh mới ở Đông Bắc Á?

Giới quan sát có những nhận định khác nhau về điều khoản hỗ trợ phòng thủ giữa Nga và Triều Tiên.

TASS dẫn lời ông Tiberio Graziani, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Vision & Global Trends (trụ sở Ý) rằng điều khoản phòng thủ chung trong hiệp ước là phản ứng trước những hành động gần đây của phương Tây đối với Nga và Triều Tiên.

“Hiệp ước giữa Nga và Triều Tiên phù hợp với chiến lược chung nhằm tăng cường hỗ trợ lẫn nhau mà Moscow đang theo đuổi trong mối quan hệ với nhiều quốc gia khác nhau ở phía Nam bán cầu” - ông Tiberio Graziani, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu Vision & Global Trends.

Đồng quan điểm, GS Artyom Lukin, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Liên bang Viễn Đông (TP Vladivostok, Nga), nói rằng dù Triều Tiên và Nga đã ký nhiều hiệp ước an ninh khác nhau trong nhiều thập niên qua nhưng điều khoản hôm 19-6 là lần đầu tiên hai bên có một điều khoản cụ thể về quốc phòng kể từ Chiến tranh Lạnh.

Ông Lukin cho rằng việc này thể hiện mong muốn của Moscow đóng một vai trò lớn hơn ở Đông Bắc Á.

Trong khi đó, một số nhà phân tích từ Hàn Quốc cho rằng hiệp ước này giống một hiệp ước phòng thủ chính thức hơn là một thỏa thuận hợp tác.

“Hiệp ước phản ánh những gì đã Nga và Triều Tiên xây dựng trong những tháng và năm gần đây. Điều khoản phòng thủ chung này rất đáng báo động vì nó gần đạt mức hiệp ước phòng thủ chung” - ông Jo Bee-yun, nhà phân tích tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nói với đài CNN.

Còn theo ông Yu Ji-hoon, cũng là nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, điều khoản phòng thủ chung có nghĩa là tất cả năng lực quân sự của hai bên có thể được huy động, “bao gồm cả lục quân, hải quân và không quân”. Vị chuyên gia cho rằng cần quan sát thêm sự hợp tác của Bình Nhưỡng và Moscow trong tương lai để kết luận mức độ của hiệp ước này.

Cũng có ý kiến cho rằng hiệp ước mới giữa Nga và Triều Tiên không đem lại điểm gì khác biệt trong quan hệ song phương. “Dù Moscow và Bình Nhưỡng tuyên bố một liên minh trên thực tế, nhưng về cơ bản không có gì mới về mối quan hệ hai nước so với thời điểm trước chuyến thăm của ông Putin” - nhà phân tích an ninh Patrick Cronin của Viện Hudson (Mỹ) nói với tờ The Wall Street Journal.

Về tác động lên Trung Quốc, dù Bắc Kinh chưa bình luận về hiệp ước nhưng giới quan sát cho rằng hiệp ước ảnh hưởng cách Trung Quốc nhìn nhận tình hình khu vực.

Tờ The New York Times dẫn lời GS Thời Ân Hoằng, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, rằng hiệp ước Nga-Triều, cùng với liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, đã “làm trầm trọng thêm” nguy cơ “đối đầu, cạnh tranh” trong khu vực. Theo GS Thời, hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh và việc quân sự hóa ngày càng tăng trong khu vực khiến một trong những “lợi ích sống còn của Trung Quốc bị đe dọa”.

Triều Tiên cảnh báo gắt việc Mỹ đưa tàu sân bay hạt nhân tới Hàn Quốc

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ đã đến Căn cứ Hải quân Busan (Hàn Quốc) sáng 22-6. Ảnh: REUTERS

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ đã đến Căn cứ Hải quân Busan (Hàn Quốc) sáng 22-6. Ảnh: REUTERS

Ngày 24-6, Thứ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Kang-il lên án việc Mỹ điều tàu sân bay USS Theodore Roosevelt chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Hàn Quốc, gọi đây là một màn phô trương lực lượng “rất nguy hiểm”, theo KCNA.

Ông Kim nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng thực hiện các biện pháp răn đe “mới và mạnh mẽ” đối với một hành động khiêu khích như vậy.

“Chúng ta đang chứng kiến ​​việc Mỹ một lần nữa đưa ra lựa chọn và hành động liều lĩnh. Với lời lẽ đanh thép nhất, chúng tôi lên án mạnh mẽ các hành động khiêu khích của Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời để ngỏ khả năng áp dụng các biện pháp răn đe mới và mạnh mẽ hơn” - ông Kim tuyên bố.

Trước đó, Hải quân Hàn Quốc cho biết tàu sân bay Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ đã đến Căn cứ Hải quân Busan (cách thủ đô Seoul 320 km về phía đông nam) để tham gia cuộc tập trận chung mang tên Freedom Edge (Lá chắn Tự do) với Hàn Quốc và Nhật trong tháng này.

Đây là lần đầu tiên sau 7 tháng một tàu sân bay Mỹ cập cảng Hàn Quốc. DƯƠNG KHANG

Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã lên tiếng về hiệp ước giữa Moscow và Bình Nhưỡng ký kết khi ông Putin có chuyến thăm Triều Tiên sau 24 năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN