Điều khiến Trung Quốc ‘chơi rắn’ với đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Trump

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong khi nhiều quốc gia đang gấp rút tìm cách thương lượng với Tổng thống Mỹ Donald Trump để đạt được thỏa thuận thuế quan, Trung Quốc đưa ra những phát biểu và chính sách quyết liệt, hy vọng biến “khủng hoảng thành cơ hội”.

Các container hàng hoá ở cảng Los Angeles ngày 4/4. (Ảnh: Getty)

Các container hàng hoá ở cảng Los Angeles ngày 4/4. (Ảnh: Getty)

Chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ sau khi ông Trump công bố mức thuế đối ứng với hàng loạt đối tác thương mại, gây chấn động thị trường toàn cầu, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhanh chóng đáp trả bằng biện pháp trừng phạt hàng hóa và doanh nghiệp Mỹ.

Ngày 7/4, khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tăng thuế 50% với Trung Quốc, Bắc Kinh một lần nữa tuyên bố giữ vững lập trường. “Việc Mỹ đe dọa leo thang thuế quan với Trung Quốc là sai lầm chồng lên sai lầm”, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.

Lời đe dọa này “một lần nữa cho thấy bản chất tống tiền của Mỹ. Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Nếu Mỹ cứ khăng khăng làm theo ý mình, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng”, tuyên bố nêu rõ.

Theo các nhà phân tích, thái độ kiên quyết của Bắc Kinh phản ánh sự tự tin mà Chính phủ Trung Quốc đã tính toán kỹ, cho thấy nước này đang muốn định vị trở thành đối trọng với điều mà họ cho là “sự bắt nạt đơn phương” về thương mại từ phía Mỹ.

Cuối tuần qua, Bắc Kinh gửi đi thông điệp rõ ràng tới cả người dân trong nước và cộng đồng quốc tế: Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại, và thậm chí sẽ hành động mạnh mẽ hơn.

“Mức thuế của Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng (đến Trung Quốc), nhưng ‘bầu trời sẽ không sụp đổ’”, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nêu trong bài xã luận đăng ngày 6/4.

“Kể từ khi Mỹ khởi xướng cuộc chiến thương mại đầu tiên năm 2017, dù Mỹ gây áp lực và tấn công thế nào, chúng ta vẫn tiếp tục phát triển, thể hiện sự kiên cường, ‘càng bị ép, càng mạnh mẽ’”, bài viết đăng trên trang nhất số báo ra ngày 7/4 viết.

Ngày 3/4, ông Trump công bố mức thuế bổ sung 34% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, đưa tổng mức thuế mà hàng hóa Trung Quốc phải chịu khi vào thị trường Mỹ lên tới 54% nếu tính cả thuế hiện có.

Bắc Kinh đáp trả bằng việc áp mức thuế 34% với tất cả hàng hóa Mỹ nhập khẩu, cùng với một số biện pháp khác như kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và hạn chế thương mại với một số công ty Mỹ.

Ngày 7/4, ông Trump tiếp tục đe dọa sẽ áp thêm thuế 50% nếu Bắc Kinh không dỡ bỏ các biện pháp thuế trả đũa trước ngày 8/4. Ông cũng tuyên bố các “cuộc gặp theo đề nghị” của Trung Quốc với Mỹ sẽ bị hủy bỏ.

Theo giới phân tích, phản ứng của Bắc Kinh cho thấy chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình và các cố vấn, rằng ông Trump không chỉ dùng thuế như một chiến thuật đàm phán, mà tình trạng gián đoạn lớn trong thương mại toàn cầu sẽ gây tổn thất cho Mỹ nhiều hơn Trung Quốc.

“Rất nhiều đối tác Trung Quốc cho rằng Mỹ đang mắc một sai lầm có thể làm tổn hại vị thế toàn cầu của chính họ”, Ryan Hass, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings, viết trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 6/4.

“Có ý kiến cho rằng thế giới đang bước vào thời kỳ chia khối, hoặc là một kỷ nguyên toàn cầu hóa không có Mỹ. Bắc Kinh có vẻ nghiêng về kịch bản thứ hai. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ không chấp nhận bị coi là thụ động trước Mỹ”, ông viết tiếp.

Tín hiệu quan trọng

Khi chính sách thuế quan của ông Trump đánh vào cả đồng minh lẫn đối thủ, Trung Quốc gần đây cố gắng thể hiện là người bảo vệ nền kinh tế toàn cầu hóa và là một đối tác kinh tế ổn định.

“Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thị trường tiêu dùng lớn thứ hai, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa rộng hơn nữa, bất chấp sự thay đổi trong bối cảnh quốc tế”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngày 5/4.

Ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Ling Ji gặp đại diện của 20 doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Tesla và GE HealthCare.

Ông Ling mô tả Trung Quốc là nơi “lý tưởng, an toàn và đầy triển vọng” với các khoản đầu tư, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp Mỹ “lên tiếng bằng lý trí” và “hành động thực tế” để duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế nói trong chương trình của đài CCTV rằng những biến động hiện nay mang lại cơ hội cho Bắc Kinh.

“Trung Quốc đang gửi đi một tín hiệu quan trọng ra thế giới: Chúng ta không thể lùi bước hay chấp nhận việc Mỹ bắt nạt, vì tha thứ cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến việc họ bắt nạt nhiều hơn”, ông Liu Zhiqin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với CCTV.

“Trung Quốc và Mỹ hiện là đối thủ trực tiếp trong tái định hình trật tự thương mại quốc tế. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận thách thức, và chúng ta sẵn sàng cạnh tranh với Mỹ để định hình lại hệ thống thương mại toàn cầu mới”, GS Ju Jiandong, công tác tại Trường tài chính thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết.

Tuy nhiên, Trung Quốc lâu nay thường hạn chế các doanh nghiệp bên ngoài tiếp cận thị trường rộng lớn của mình. Nhiều quốc gia cũng cảnh giác với khả năng hàng hoá Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường của họ, khiến ngành sản xuất trong nước bị tổn thương.

Nhiều quốc gia có thể không có nhiều lựa chọn ngoài việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc khi Mỹ áp mức thuế cao.

Trong tháng qua, Bắc Kinh đã tổ chức đối thoại kinh tế với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Liên minh châu Âu – 3 đối tác bị Mỹ đánh thuế tương ứng 24%, 25%, và 20%.

Trong khi nhiều quốc gia đang cố gắng đạt được thỏa thuận thuế quan với chính quyền ông Trump, Trung Quốc vẫn quyết không nhượng bộ và tuyên bố "chiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN