Điều khác thường xảy ra ở quốc gia phong tỏa 1,3 tỉ người
Khi Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc cách đây một tuần, mục tiêu của quốc gia này chỉ là ngăn đà lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Nhưng theo CNN, với việc quốc gia có 1,3 tỉ dân gần như đóng băng hoạt động hoàn toàn, một hiện tượng hiếm thấy có thể dễ dàng nhận ra ở Ấn Độ, dù chỉ là tạm thời.
Tình trạng ô nhiễm ở Ấn Độ, một trong những quốc gia nhức nhối về khói bụi, nay đã giảm kỷ lục.
“Tôi đã không thấy bầu trời trong xanh đến vậy ở Delhi trong 10 năm qua”, Jyoti Pande Lavakare, một nhà hoạt động môi trường Ấn Độ, nói. “Ít nhất thì trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, chúng ta vẫn có thể bước ra ngoài và hít thở không khí”.
Cảnh tượng ở Ấn Độ trước và sau khi có lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19.
Lệnh phong tỏa khiến toàn bộ nhà máy, khu chợ, cửa hàng, nơi thờ cúng ở Ấn Độ bị đóng cửa. Các hoạt động xây dựng ngừng hoàn toàn, phương tiện công cộng ngừng đón khách trong khi người dân Ấn Độ được khuyên ở nhà và chủ động cách ly xã hội.
Ấn Độ hiện ghi nhận 1.300 ca nhiễm Covid-19 và 35 ca tử vong. Các dữ liệu đo đạc cho thấy mật độ bụi mịn PM 2.5 ở thủ đô New Delhi đã giảm tới 71% trong tuần qua, từ mức 91 microgram xuống còn 26 vào ngày 27.3, sau khi lệnh phong tỏa có hiệu lực.
WHO khuyến cáo nồng độ PM 2.5 vượt 25 microgram được coi là không an toàn.
Bầu trời xanh quay trở lại Delhi sau 10 năm.
Lượng khí gas NO2 cũng giảm từ 52m3 xuống còn 15m3, tương ứng với mức giảm 73%. Các thành phố khác như Mumbai, Chennai, Kolkata và Bangalore đều ghi nhận ô nhiễm giảm mạnh.
Gufran Beig, nhà khoa học thuộc Cơ quan nghiên cứu và dự báo thời tiết và chất lượng không khí (SAFAR) thuộc Bộ Khoa học Trái đất của Ấn Độ, nói: “Mức độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ lĩnh vực giao thông vận tải và các hoạt động phát thải khác giảm là nguyên nhân giảm ô nhiễm không khí’.
Khung cảnh vắng lặng không một bóng người ở Ấn Độ vì lệnh phong tỏa.
Các quốc gia khác đang chật vật đối phó dịch Covid-19 ở châu Âu cũng ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí giảm. Tuy nhiên, Ấn Độ có mức giảm mạnh và có thể quan sát được bằng mắt thường.
Ở một khía cạnh khác, điều này không phải là tin mừng, Sunil Dahia, một nhà phân tích môi trường ở New Delhi, nói.
“Cả thế giới đang đối phó với đại dịch. Ô nhiễm giảm nhưng chúng ta không thể để sự đau khổ của nhiều người trở thành cách để làm sạch không khí”, Dahia nói. “Đây là bài học cho chúng ta, cả về cách đối phó dịch bệnh và kiểm soát ô nhiễm”.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng trăm nghìn người nghèo tại Ấn Độ đang thực hiện một cuộc di tản khổng lồ để trở về quê từ các thành phố...