Vì sao nhóm phiến quân chiếm Aleppo "thống nhất" được các lực lượng thánh chiến ở Syria?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tình hình ở Syria đang có diễn biến khó lường khi các nhóm phiến quân bất ngờ mở cuộc tấn công quy mô lớn, đẩy lùi quân đội chính phủ ở nhiều khu vực. Lực lượng dẫn đầu cuộc tấn công là Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Quy mô lực lượng này ra sao và có tầm ảnh hưởng như thế nào?

Al-Julani là thủ lĩnh nhóm phiến quân HTS ở Syria. Ảnh: Ynet News.

Al-Julani là thủ lĩnh nhóm phiến quân HTS ở Syria. Ảnh: Ynet News.

Hôm 1/12, truyền thông Ả Rập đưa tin, thủ lĩnh nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS), Abu Mohammad al-Julani được cho là đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Nga.

Mục tiêu bị trúng bom là trụ sở của HTS ở tỉnh Idlib. Khu vực này sau đó bị phong tỏa nghiêm ngặt, hạn chế bất kỳ ai ra vào, kể cả các thành viên HTS.

Quá khứ của thủ lĩnh HTS

Theo tờ Jerusalem Post, al-Julani là thủ lĩnh HTS kể từ khi nhóm này được thành lập vào năm 2017. Tiền thân của HTS là Jabhat al-Nusra – một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Al-Julani lập ra HTS nhằm thuyết phục phương Tây rằng tổ chức không còn liên hệ với khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ vẫn coi là HTS là tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ có thời điểm coi HTS là kẻ thù nhưng cũng có thời điểm tỏ ra trung lập hơn.

Theo truyền thông Ả Rập, al-Julani sinh năm 1981 hoặc 1982 ở Deir ez-Zor, Syria và lớn lên ở tỉnh Idlib – thành trì phe nổi dậy sau này.

Al-Julani ban đầu theo học ngành y nhưng sau đó bỏ học, gia nhập al-Qaeda vào năm 2003, sau khi Mỹ phát động tấn công Iraq. Al-Julani từng bước thăng tiến trong hàng ngũ al-Qaeda, trở thành cộng sự thân cận của thủ lĩnh Abu Musab al-Zarqawi (thủ lĩnh al-Qaeda ở Iraq).

Các chiến binh HTS được huấn luyện ở tỉnh Idlib, Syria.

Các chiến binh HTS được huấn luyện ở tỉnh Idlib, Syria.

Sau khi al-Zarqawi thiệt mạng vào năm 2006, al-Julani chạy sang Lebanon ẩn náu một thời gian trước khi quay trở lại Iraq. Không lâu sau, Al-Julani bị quân đội Mỹ bắt giữ.

Đáng chú ý al-Julani và Abu Bakr al-Baghdadi (thủ lĩnh IS sau này) từng có mối quan hệ cộng tác, nhưng sau đó chuyển thành đối địch. Sau khi được thả khỏi trại giam của Mỹ vào khoảng năm 2008, al-Julani tái gia nhập al-Qaeda tại Iraq (AQI), tổ chức do al-Baghdadi lãnh đạo và nhanh chóng trở thành một trong những chỉ huy quan trọng.

Đứng đầu chi nhánh al-Qaeda ở Syria

Năm 2011, khi cuộc nổi dậy tại Syria nổ ra, al-Baghdadi giao nhiệm vụ cho al-Julani thành lập chi nhánh của AQI tại Syria, sau này là Jabhat al-Nusra, một nhóm tập trung vào lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Assad và mở rộng ảnh hưởng của AQI ở Syria.

Tuy nhiên, mâu thuẫn bùng lên vào năm 2013 khi al-Baghdadi đơn phương tuyên bố sáp nhập AQI và Jabhat al-Nusra vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Al-Julani không chấp nhận việc này và thay vào đó tuyên thệ trung thành với Ayman al-Zawahiri, lãnh đạo al-Qaeda lúc bấy giờ. Quyết định này đánh dấu sự chia rẽ rõ rệt giữa Jabhat al-Nusra và IS, khiến hai phe đối đầu công khai trong cuộc nội chiến Syria​.

Phiến quân tiếp tục đạt thêm bước tiến tính tới ngày 1/12 (vùng màu xanh nhạt). Đồ họa: Al Jazeera.

Phiến quân tiếp tục đạt thêm bước tiến tính tới ngày 1/12 (vùng màu xanh nhạt). Đồ họa: Al Jazeera.

Sự chia rẽ này xuất phát từ khác biệt về chiến lược và tư tưởng. Trong khi IS dưới sự lãnh đạo của al-Baghdadi theo đuổi một nhà nước Hồi giáo toàn cầu với các hành động tàn bạo mang tính giáo phái, al-Julani lại hướng Jabhat al-Nusra tập trung vào cuộc chiến tại Syria, sử dụng chiến lược thực dụng hơn như liên kết với các phe đối lập khác trong nước​.

IS bị liên quân quốc tế truy quét mạnh mẽ và al-Baghdadi thiệt mạng trong một cuộc đột kích của Mỹ vào năm 2019. Trong thời gian đó, Jabhat al-Nusra kịp trở thành một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất ở Syria, sử dụng Idlib làm căn cứ kiên cố. Giới quan sát từng chỉ trích al-Julani vì xây dựng lãnh thổ riêng bằng cách bóc lột dân thường, hưởng lợi doanh thu từ các cửa khẩu biên giới, kiểm soát các công ty dầu mỏ và thống trị trong nông nghiệp và thương mại. 

Tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát có khoảng 4 triệu người sinh sống. Trong những tháng gần đây, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở khu vực, với những biểu ngữ yêu cầu al-Julani từ chức.

Năm 2016, liên quân Nga – Syria mở cuộc tấn công quyết định ở Aleppo, đẩy lùi phiến quân dẫn đầu là nhóm Jabhat al-Nusra.. Đây được coi là động lực để al-Julani giải thể Jabhat al-Nusra và lập ra HTS, tiếp nhận thêm các nhóm phiến quân ôn hòa thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một thông điệp gửi đến phương Tây, al-Julani từng khẳng định HTS không giống khủng bố IS. “Chúng tôi bác bỏ IS vì đây là tổ chức bất hợp pháp, được thành lập trên nền tảng không hợp lệ”, al-Julani nói.

Mục tiêu của HTS

Các tay súng thánh chiến phát động tấn công ở vùng tây bắc Syria vào ngày 27/11. Ảnh: AFP.

Các tay súng thánh chiến phát động tấn công ở vùng tây bắc Syria vào ngày 27/11. Ảnh: AFP.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), vào thời điểm mới thành lập HTS, al-Julani từng tuyên bố tổ chức “không chỉ nhắm tới Damascus mà còn vươn tầm ảnh hưởng xa hơn, đến Jerusalem (thánh địa linh thiêng của người Hồi giáo) ở Israel”.

Theo CSIS, tính đến năm 2018, HTS có khoảng 12.000 – 15.000 chiến binh, tương đương quân số của một sư đoàn trong quân đội chính quy.

Ngày nay, al-Julani chuyển sang tập trung xây dựng đế chế ở Syria thông qua “việc lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và trục xuất các lực lượng Hồi giáo dòng Shia thân Iran”.

Tháng 8/2018, HTS tuyên bố hoàn thành mục tiêu đầu tiên khi đẩy lùi “lực lượng thân Iran ở các thị trấn Fu'a và Kafriya”, qua đó loại bỏ ảnh hưởng của Iran ở tỉnh Idlib.

Al-Julani sau đó đề ra mục tiêu thứ hai là mở rộng và củng cố quyền kiểm soát của tổ chức ở miền bắc Syria. Để làm điều này, al-Julani chủ trương hòa giải với các nhóm nổi dậy khác, thống nhất các lực lượng thánh chiến.

Sau khoảng 4 năm ngừng bắn với quân đội Syria (2020 – 2024), các lực lượng nổi dậy do HTS dẫn đầu bất ngờ mở chiến dịch tấn công vào ngày 27/11. Sau vài ngày, phe nổi dậy đã kiểm soát Aleppo – thành phố lớn thứ hai của Syria. Đây là lần thứ hai phe nổi dậy kiểm soát Aleppo kể từ khi bị đẩy lùi vào năm 2016.

Các tay súng HTS gần đây đã đột kích dinh tổng thống ở Aleppo – thành phố lớn thứ hai ở Syria.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Jerusalem Post, Ynet News, CSIS ([Tên nguồn])
Tin tức Syria Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN