Điều ít ai ngờ về hổ tướng Trương Phi thời Tam quốc
Trương Phi được phác họa trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa là người nóng nảy, nông cạn, bộc trực, nhưng liệu con người thực sự của ông có đúng như vậy?
Hình ảnh Trương Phi ngày nay được phác họa cho giống một võ tướng hơn.
Bên cạnh Gia Cát Lượng, Tào Tháo, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung cũng đề cập đến những nhân vật kiệt xuất khác thời Tam quốc như Quan Vũ, Tôn Quyền, ngũ hổ tướng Thục Hán… Loạt bài này sẽ làm rõ những tình tiết hư cấu trong tiểu thuyết cũng như khai thác yếu tố mà Tam quốc diễn nghĩa không đề cập đến. |
Theo trang mạng Qulishi, giống như bao nhân vật khác trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, tác giả La Quán Trung khắc họa tính cách, con người ba huynh đệ Quan Vũ, Lưu Bị, Trương Phi theo cách riêng, không đúng với lịch sử.
Nếu Quan Vân Trường đại diện cho hình ảnh mãnh tướng hùng dũng nhưng điềm tĩnh, thì Trương Phi lại được truyền tụng là người nóng tính, bộc trực và nông cạn.
Các nhà sử học Trung Quốc ngày nay đều cho rằng, Quan Vũ không hề “thần thánh” như vậy và hình ảnh Trương Phi có sự khác biệt.
Điển trai, văn võ song toàn
Trương Phi (166 – 221), tự Ích Đức, thường gọi Dực Đức, là một trong ngũ hổ tướng nhà Thục Hán. Trương Phi dược đánh giá có sức mạnh ngang Lữ Bố, Mã Siêu, Quan Vũ, Điển Vi.
Qulishi dẫn lại các tài liệu ghi chép lịch sử nói, Trương Phi không chỉ giỏi võ mà còn viết chữ rất đẹp, vẽ tranh rất tài. Tính khí của Phi ngay từ nhỏ đã nóng nảy, các thầy trong làng đều không ai dạy nổi.
Cậu của Trương Phi giới thiệu người thầy tên Vương Dưỡng Niên đến dạy, ông thầy vừa dạy văn vừa luyện võ, được Phi hết sức nể trọng.
Mới 13 tuổi, Trương Phi đã tinh thông võ nghệ và thuộc làu sử sách. Thầy Vương muốn rèn giũa tính tình Phi, liền nghĩ ra cách dạy Phi hội họa và thư pháp. Phi vốn tư chất thông minh nên chỉ 3 năm sau, thư, hoạ đều tinh thông, nổi tiếng cả vùng.
Trong khi đó, La Quán Trung mô tả trong Tam quốc diễn nghĩa về Trương Phi: “Tiếng vang như sấm, chạy nhanh như ngựa, râu cọp hàm én, đầu beo mắt lồi, lấy thủ cấp tướng giặc trong muôn quân như lấy đồ trong túi…”.
Trên thực tế, Trương Phi không hề có diện mạo xấu xí. Học giả Bùi Tùng Chi đời nhà Tấn, từng viết, "Trương Phi cao 8 thước”. Theo thước đo thời xưa, Phi cao 1,85m, chiều cao đáng nể ngay cả trong thời đại ngày nay.
Hai con gái của Trương Phi sau này đều trở thành Hoàng hậu Thục Hán.
Năm 2004, ở núi Trương Phi Doanh huyện Giàn Dương tỉnh Tứ Xuyên, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện tượng đầu người khổng lồ, được xác định là tượng Trương Phi.
Tượng cao 4,5m, bề ngang gần 3m, có cặp mắt to, dáng vẻ hiền từ, và chỉ có hai hàng ria mép. Viện Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên xác định, tượng đá được tạc vào đời nhà Đường (618-907). Đây là nơi năm xưa Trương Phi từng đóng quân nơi đây, người dân địa phương rất có thể đã tạc tươnjg tưởng nhớ ông.
Một giả thuyết khác là vào năm 221, Lưu Bị xưng đế, đưa con gái lớn của Trương Phi làm phi của thái tử Lưu Thiền. Khi Lưu Thiền lên ngôi, con gái Trương Phi trở thành hoàng hậu.
15 năm sau, Trương hậu qua đời, hậu chủ Lưu Thiền lấy tiếp con gái thứ của Trương Phi, lập làm hoàng hậu.
Nếu không có nhan sắc hơn người, hai chị em họ Trương khó lòng được phong hậu. Từ đó, Trương Phi không thể có diện mạo xấu xí, chí ít phải điển trai, hào hoa, phong lưu mới sinh được hai con gái cùng làm hoàng hậu như vậy.
Không hề vô mưu
Tuy tính tình nóng nảy, bản chất thật thà, suy nghĩ đơn giản, nhưng Trương Phi trên thực tế còn là dũng tướng biết dùng mưu. Những câu chuyện liên quan đến Trương Phi như Roi quất quan đốc bưu, đơn độc chống quân Tào ở cầu Trường Bản, dùng mưu lấy ải Ngõa Khẩu, bắt Nghiêm Nhan đã chứng minh điều này.
Canh giữ ải Ngõa Khẩu là tướng Trương Cáp phe Tào Ngụy. Trương Cáp vốn coi thường Trương Phi, luôn tin rằng quân Thục do Phi chỉ huy không bao giờ qua được ải mình trấn giữ.
Trước trận đánh với Trương Cáp, Trương Phi uống mấy chục bình rượu, buông lời chửi bới tướng Tào Ngụy, khiến cho Lưu Bị lo lắng. Nhưng Gia Cát Lượng hiểu rõ năng lực Trương Phi nên ra dấu hiệu trấn an.
Trương Phi không hề hữu dũng vô mưu như hình tượng trong tiểu thuyết.
Trương Cáp xuất quân đánh Thục vì nghĩ Trương Phi đã mỏi mệt, nhưng không ngờ tình thế trên chiến trường lại hoàn toàn khác biệt. Đánh nhau 50 hiệp bất phân thắng bại, Trương Cáp phải bỏ chạy về thành và khiến Ngõa Khẩu thất thủ không lâu sau đó.
Năm 213, Lưu Bị mâu thuẫn với người anh em Lưu Chương, dẫn đến cuộc giao tranh ở Ích Châu. Trương Phi cùng nhiều tướng khác theo Gia Cát Lượng dẫn quân đến cứu viện.
Lưu Chương bày binh bố trận chặt chẽ ở Ích Châu nhưng lại để ngỏ Giang Châu, thủ phủ của Ba Quận. Lão tướng Nghiêm Nhan quyết cố thủ nhưng Ba Quận đã bị quân Thục tràn vào không lâu sau đó.
Cuốn Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ đã ghi chép lại màn đấu khẩu giữa Trương Phi và Nghiêm Nhan.
“Đại tướng quân, vì sao không hàng mà dám kháng cự”, Trương Phi mắng. Nghiêm Nhan không chút sợ hãi, lớn tiếng đáp: “Các người cướp đất của ta, đất Giang Châu dù có tướng bị mất đầu, chứ quyết không có tướng đầu hàng giặc.”
Trương Phi nghe vậy, vô cùng bực tức, hạ lệnh đem Nghiêm Nhan đi chặt đầu trước dân chúng. Đứng trước cái chết, Nghiêm Nhan vẫn cười lớn: “Chém đầu thì chém đầu, việc gì mà phải tức giận như thế”.
Ngưỡng mộ trước khí khái phi phàm của Nghiêm Nhan, Trương Phi đổi giận thành vui, tự tay cởi trói và tiếp đãi đối phương như thượng khách.
Theo các học giả Trung Quốc, việc Trương Phi thu phục Nghiêm Nhan cho thấy, ông không thể là kẻ hữu dũng vô mưu như người đời sau lầm tưởng.
Hình ảnh Trương Phi trên phim ảnh Trung Quốc.
Trương Phi còn là một người quân tử, có tầm nhìn xa trông rộng khi biết trọng dụng tướng tài nhưng chọn lầm phe như Nghiêm Nhan.
Ngoài ra, Nghiêm Nhan có thế lực và sự ủng hộ của quân sĩ ở Ba Quận. Đối đãi tốt với Nghiêm Nhan cũng tranh thủ được sự ủng hộ và lòng tin của giới quý tộc đất Ích Châu. Lưu Bị vào Ích Châu cốt yếu là lấy lòng người. Về điểm này, Trương Phi thực sự đã làm đúng những gì mà huynh đệ kết nghĩa mong đợi.
Lão tướng Nghiêm Nhan cũng là người tính tình chất phác, thẳng thắn, một khi được đối đãi như thượng khách, ắt sẽ tận tâm tận lực hết mình, không bao giở có dã tâm làm phản.
Các học giả Trung Quốc nhận định, cách Trương Phi thu phục Nghiêm Nhan cũng hết sức khôn khéo.
Phi dọa dẫm để Nghiêm Nhan có cơ hội thể hiện dũng khí, sau đó bất ngờ thay đổi thái độ, chuyển sang đối đãi nồng hậu để Nghiêm Nhan không bị tổn thương, giữ được sĩ diện, tránh khỏi việc bị người đời chê trách.
Nhận thấy Nghiêm Nhan đúng là vị tướng anh dũng, thà chết chứ không chịu nhục, Trương Phi mới đồng ý tha chết. Điều này cho thấy Trương Phi đã có dự tính kỹ lưỡng từ trước, và con mắt nhìn người cẩn thận.
Có thể nói, ở một chừng mực nào đó, Trương Phi không hề thô lỗ, xấu xí, nông cạn như người đời sau vẫn hay lầm tưởng.
________________
Nằm trong ngũ hổ tướng Thục Hán, có một danh tướng sự nghiệp không mấy thành công nhưng lại được đánh giá là người vượt tài Quan Vũ, Trương Phi. Bài viết xuất bản ngày 3.3 sẽ đề cập đến nhân vật này.